Chi Tiết Kỹ Thuật Nuôi Ong Mật Nội Địa

0
2080
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Nuôi ong theo kỹ thuật cổ truyền là phương pháp nuôi vô cùng đơn giản, bằng việc sử dụng các hốc cây, hốc đá, bọng cây để làm tổ nuôi ong mật, hoặc nuôi trong đõ, thùng có thanh xà. Theo bạn, đâu là điểm cần chú ý trong kỹ thuật nuôi ong mật nội địa? Chúng tôi mời bạn cùng theo dõi bài viết để có thêm thông tin về chủ đề này nhé.

Nội dung chính

Sử dụng hốc cây, hốc đá để làm tổ nuôi ong

Phương pháp này xuất hiện ở một số địa phương như Tuyên Quang, Lào Cai, Quảng Nam,…

Ong mật có thể được nuôi trong các hốc đá giống như ong trong tự nhiên
Ong mật có thể được nuôi trong các hốc đá giống như ong trong tự nhiên  

Trước mùa ong về một vài tháng (tháng 10  –  12), người dân vào rừng chọn các hốc cây tự nhiên có độ cao từ 1 – 2m đã có ong làm tổ hoặc chưa làm tổ, sửa sang phần miệng và bên trong hốc cây cho sạch sẽ, khô ráo. Phần miệng tổ đậy bằng đá hoặc gỗ chỉ chừa 1 – 2 lỗ nhỏ. Ngoài ra người ta còn dùng rìu, búa đục các hốc nhân tạo trên các cây gỗ mềm to để ong về làm tổ. Phần cửa tổ được mở một cách cẩn thận để dễ lấy được các bánh tổ ra và bịt kín để mùa sau ong về làm tổ lại.

Nếu nuôi trong hốc đá, đến mùa ong sắp về người ta đến chọn một số hốc có thể tích vừa phải từ 15 – 30 lít, xếp đá ở cửa hốc và chừa 1 – 2 lỗ ra vào. Đến mùa hoa nở, ong sẽ về làm tổ ở các hốc ong đã chuẩn bị.

Sau khi ong về làm tổ 2, 3 tháng họ sẽ đến thu mật bằng cách mở miệng tổ ra, hun khói rồi cắt toàn bộ các bánh tổ ong, sau khi lấy mật, đàn ong sẽ bỏ đi

Nuôi ong trong thùng vuông, đõ tròn, có bánh tổ cố định

Đàn ong làm tổ trong các loại thùng này có đặc điểm là các bánh tổ được gắn cố định vào nắp hoặc vách trên của thùng, không lấy ra kiểm tra được, khi lấy mật phải cắt rời bánh tổ ra.

Ong thường được nuôi trong các thùng vuông vì dễ kiểm soát và chăm sóc
Ong thường được nuôi trong các thùng vuông vì dễ kiểm soát và chăm sóc

Ở nước ta các loại thùng có bánh tổ cố định như sau:

+ Tổ ong trong hốc tường: ở một số vùng miền núi cao phía Bắc do mùa Đông lạnh nên đồng bào nhiều dân tộc thiểu số đóng cay (gạch bằng đất không nung) dày để xây vách nhà…  khi  đắp  tường  họ  chừa  lại  1 – 2  viên  làm cửa thông  khí.  Một số người dùng 2 tấm ván bịt 2 đầu lỗ trống này (giữa tấm ván ngoài có khoét cửa tổ) ong sẽ về làm tổ trong hốc tường có dạng giống như thùng vuông, nhưng vách bằng đất. Tháng 10 – 11 trong rừng lạnh ong sẽ bay về làm tổ trong các hốc cây này. Khi có mật thì mở nắp sau ra cắt bánh tổ lấy mật.

+ Đõ tròn nằm: có đường kính từ 25 – 30 cm và chiều dài khoảng từ 60 – 80 cm.

Được đặt nằm trên 2 chạc cây hoặc treo trên vách nhà,  2 đầu bịt gỗ hoặc rơm.

Những chỗ hở được bịt kín bằng phân trâu hoặc bùn có chừa một lỗ nhỏ cho ong ra vào. Ong có thể xây bánh tổ dọc hoặc ngang so với nắp tổ. Đây là loại đõ rất phổ biến ở các nơi.

+  Đõ tròn đứng: Giống như đõ tròn nằm về kích thước nhưng đặt đứng. Đầu dưới bịt kín, nắp trên mở ra được, ong xây tổ lên nắp trên. Khi lấy mật thì nhấc toàn bộ các bánh tổ ra.

+Thùng vuông, thùng chữ nhật:  Thùng vuông có kích thước: chiều dài 50 –  60 cm, chiều cao 25 – 30cm. Hai đầu bịt gỗ có chừa lỗ nhỏ để ong ra vào ở mặt trước hoặc mặt bên

Nuôi ong trong đõ, thùng có thanh xà

Thùng có thanh xà là hình thức nuôi ong cổ truyền tiến bộ nhất. Đây là hình thức trung gian giữa nuôi cổ truyền và nuôi hiện đại, phù hợp với việc nuôi ong cố định và người có vốn đầu tư ít.

Nếu làm thanh xà đúng kích thước và đặt đúng khoảng cách thì các bánh tổ được ong xây vào các thanh xà nên có thể dễ dàng nhấc từng bánh tổ lên để kiểm tra hoặc thu hoạch mật.

Về cấu tạo của thùng, đõ có thanh xà: chiều dài của thanh xà tuỳ thuộc vào kích thước của thùng đõ mà dài ngắn khác nhau nhưng chiều rộng của thanh xà bắt buộc là từ 25 – 28mm, từ tâm xà này đến tâm của xà kế bên là 32  mm giống như khoảng cách bánh tổ ong tự nhiên. Nếu thanh xà quá to ong sẽ xây theo lưỡi mèo ở giữa, nếu thanh xà quá nhỏ ong xây dính các tầng vào nhau.

Nuôi ong trong đõ cũng là phương pháp được ứng dụng nhiều
Nuôi ong trong đõ cũng là phương pháp được ứng dụng nhiều

Đối với đõ tròn, các thanh xà có độ dài khác nhau, vị trí gác thanh xà phải để cố định.

Còn đối với các thùng vuông hoặc hình chữ nhật thì thanh xà có độ dài bằng nhau dễ dàng thay đổi vị trí được.

Có các loại thùng, đõ có gờ gác thanh xà thấp xuống nên chừa được khoảng trống ở trên thanh xà cho ong dự trữ mật

Nuôi ong theo phương pháp hiện đại

Việc nuôi ong theo phương pháp hiện đại cần phải thiết kế thùng nuôi ong.

Thùng nuôi ong là dụng cụ quan trọng nhất, là nơi ở của đàn ong, bảo vệ ong khỏi nắng mưa và các kẻ thù.

– Yêu cầu thùng nuôi ong

+ Thùng phải kín để dịch hại không xâm nhập được.

+ Thùng nuôi ong phải thuận tiện cho việc quản lý, chăm sóc đàn ong: dễ dàng mở, đóng thùng kiểm tra cần có cùng kích cỡ, dùng chung cho nhiều thùng, thuận tiện cho ong ăn, uống nước, làm vệ sinh, thu mật.

+ Tận dụng các vật liệu sẵn có ở địa phương như: khúc gỗ rỗng, ván thùng, thân cọ, lá dừa

+  Chọn gỗ làm thùng,  đỡ khô, không mùi, nhẹ, bền, không vênh, nứt như: sao, thông, mít, gạo, xoan, sung, mỡ,…

Bạn nên chọn loại gỗ không mùi, bền để làm nơi ở cho ong mật nội địa
Bạn nên chọn loại gỗ không mùi, bền để làm nơi ở cho ong mật nội địa

– Thùng ong nội tiêu chuẩn

+  Thùng nuôi ong bằng vật liệu khác: lá dừa, thân dừa, cốt thép, xi măng,… nhằm tận dụng các vật liệu ở những nơi hiếm gỗ hoặc quá đắt.

+  Sơn thùng nhằm làm cho thùng đẹp và bền. Thường sơn màu xanh, trắng, vàng, không nên sơn màu đỏ, hồng, đen.

+ Chân thùng: nếu nuôi cố định đóng giá ba, bốn chân hoặc xây bằng trụ xi măng, có máng chứa nước để chống kiến. Nếu nuôi di chuyển thường dùng chân sắt, cọc đóng xuống đất hoặc gài vào ba đai đóng sẵn vào chân thùng.

Chọn chỗ đặt ong trong vườn nhà

– Đặt đàn ong gần cây nguồn mật (300 – 700m) không xa quá 1200m.

– Thuận tiện giao thông, cách xa các trại ong khác trên 3km.

– Chỗ đặt thùng ong cần bằng phẳng. Gần nguồn nước sạch để ong có thể lấy nước.

– Mùa hè có bóng râm che mát, mùa đông không bị gió lạnh thổi.

– Không bị ngập lụt vào mùa mưa. Không có nguy cơ hoả hoạn vào mùa khô.

– Đặt nơi xa có kho thuốc trừ sâu, nơi nấu đường, chế biến bánh kẹo.

– Không gần bếp khói, lò gạch hoặc nơi thường xuyên tôi vôi.

– Tránh nơi tàu hoả, trâu, bò, xe ô tô đi lại.

– An toàn, không bị trộm cắp

Rất mong rằng với thông tin mà chúng tôi chia sẻ. Bạn sẽ nắm rõ hơn thông tin về kỹ thuật nuôi ong mật nội địa. Chúc bạn thành công với mô hình chăn nuôi này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây