Đâu Mới Là Kỹ Thuật Làm Chuồng Nuôi Thỏ Chuẩn

0
3181
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Chuồng nuôi là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng phát triển và năng suất nuôi. Tuy nhiên nghề nuôi thỏ ở nước ta hiện nay nói chung còn khá mới mẻ, ít kinh nghiệm, đặc biệt trong khâu làm chuồng. Ở bài viết này, chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ cho bà con kỹ thuật làm chuồng nuôi thỏ chi tiết nhất giúp bà con chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu rủi ro.

Nội dung chính

Các yếu tố ảnh hưởng tới chuồng trại nuôi thỏ

  1. Nhiệt độ

Thỏ là một trong những loại vật nuôi nhỏ, yếu, rất nhạy cảm và dễ phản ứng xấu với những thay đổi của môi trường bên ngoài, khả năng thích ứng chậm. Thân nhiệt của thỏ thay đổi rất nhanh, biên độ dao động từ 38 – 41 độ C nhưng lại có ít tuyến mồ hôi ở da, nếu nhiệt độ quá cao lên tới 45 độ C, chúng sẽ chết sau 1 giờ.

Vì thế chuồng thỏ cần đảm bảo duy trì nhiệt độ từ khoảng 20 – 28 độ C. Thỏ chịu lạnh tốt hơn nên bà con cũng cần chú ý khi làm chuồng tránh những nơi có sự chênh lệch nhiệt độ cao giữa ngày và đêm, giữa các tháng.

Nhiệt độ là yếu tố rất quan trọng khi thiết kế chuồng nuôi thỏ
Nhiệt độ là yếu tố rất quan trọng khi thiết kế chuồng nuôi thỏ   
  1. Độ ẩm

Thỏ bị cảm nhiễm với môi trường có độ ẩm cao, thường xuyên có nước ứ đọng và dễ bị cảm lạnh, viêm mũi. Do đo, độ ẩm của chuồng nuôi thỏ chỉ nên duy trì từ 60 – 80% là thích hợp.

Chuồng nuôi thỏ cần tránh xa khu vực quá ẩm ướt, bí bách, vùng đầm lầy, nhiều sương mù, những nơi nước trũng nhiều muỗi.

  1. Ánh sáng

Ánh sáng quá nhiều sẽ không có lợi cho sự phát triển của thỏ. Mặt khác, mắt thỏ rất sáng, có thể nhìn được và ăn thức ăn ngay cả trong đêm tối nên khi làm chuồng nuôi thỏ bà còn có thể che bớt ánh sáng bằng lưới đen.

  1. Gió

Ngoài nước thì gió cũng có thể coi là một khắc tinh của thỏ trong quá trình nuôi nhốt. Nếu gặp gió to, gió lùa thẳng vào thì thỏ có nguy cơ viêm mũi, cảm lạnh cao. Chính vì thế, chuồng nuôi thỏ cần được bố trí hợp lý, lựa chọn hướng Đông Nam hoặc hướng Nam để tránh gió lùa trực tiếp, gió mùa Đông Bắc…

Mặc dù hạn chế gió nhưng chuồng nuôi vẫn phải thông thoáng, tốc độ lưu chuyển không khí vào khoảng 0,3m/ giây.

Yêu cầu chung về xây dựng chuồng trại nuôi thỏ

Để đảm bảo tất cả các yêu cầu kể trên thì chuồng trại nuôi thỏ phải được làm ở nơi cao ráo, thoáng mát, dễ thoát nước, ở khu vực yên tĩnh ít người qua lại nhưng phải thuận tiện trong việc quản lý và chăm sóc. Nên chọn ở những nơi đất mới chưa bị nhiễm dịch bệnh.

Chuồng trại nuôi thỏ cần có độ cao phù hợp để tránh mầm bệnh và dễ dàng vệ sinh, chăm sóc
Chuồng trại nuôi thỏ cần có độ cao phù hợp để tránh mầm bệnh và dễ dàng vệ sinh, chăm sóc

Cách làm nhà đặt lồng nuôi thỏ

Để làm nhà nuôi thỏ hoàn thiện, bà con cần chú ý:

Mái nhà sử dụng tôn lạnh hoặc vật liệu cách nhiệt tốt. Nếu làm bằng mái tôn hoặc xi măng thì phải có trần nhà.

Vách nhà xây cao để tránh gió lùa, xung quanh vách vẫn có cửa sổ thoáng, có cửa ra vào ở hai đầu nhà. Phần vách cũng có thể đan bằng tre, gỗ.

Nền nhà láng bằng xi măng hoặc lát gạch đỏ, dốc dần về cuối chuồng để dễ dọn dẹp vệ sinh và thoát nước.

Kích thước nhà nuôi thỏ phụ thuộc vào số lượng và quy mô nuôi.

Lồng nuôi hoặc chuồng nuôi thỏ có thể làm bằng tre sắt thép hoặc gỗ. Mẹo để đo kích thước chuồng dưới đây đã được một số trang trại chăn nuôi sử dụng:

Chiều dài của lồng được tính bằng khoảng cách tối đa thỏ nhảy tính từ giữa chân sau khi thỏ chưa nhảy đến cuối chân trước nơi thỏ nảy.

Độ cao của lồng khoảng 60cm là phù hợp.

Đặt thỏ lên bàn, kéo dài tối đa 2 chân ra phía sau. Lúc này chiều rộng tối thiểu của lồng nuôi tính từ khoảng cách mũi thỏ đến cuối chân sau.

Đáy lồng đóng theo kiểu giát giường, không đóng cố định để thuận tiện trong việc vệ sinh.

Bạn cần tuân thủ những tiêu chuẩn nhất định để thiết kế chuồng nuôi thỏ đạt chuẩn
Bạn cần tuân thủ những tiêu chuẩn nhất định để thiết kế chuồng nuôi thỏ đạt chuẩn

Các kiểu chuồng nuôi thỏ phổ biến

  • Chuồng 1 tầng

Kiểu chuồng này thường dùng để nuôi thỏ sinh sản ở gia đình. Mặt trước lồng đóng kiểu chấn song, mặt sau dùng lưới quây, bên trong có vách ngăn, mỗi ô chỉ nhốt 1 con đực hoặc 1 con cái. Bên trên có nắp cửa làm bằng gỗ, phía bên ngoài có giá để rau cỏ. Chuồng nên cách mặt đất tối thiểu 40cm.

  • Chuồng nuôi 2 tầng

Kiểu lồng này cũng có thể phù hợp với thỏ sinh sản trong gia đình.

Về cơ bản kiểu chuồng này cũng thiết kế giống với lồng 1 tầng nhưng cửa ra được làm phía trước, có chốt khóa, phía dưới nền chuồng có tấm sắt nghiêng để dọn dẹp vệ sinh.

  • Chuồng nuôi 3 tầng

Kiểu chuồng 3 tầng phù hợp với mô hình nuôi thỏ công nghiệp, nuôi thỏ lấy thịt. Lồng 3 tầng làm giống với kiểu lồng 3 tầng.

Chuồng nuôi thỏ 3 tầng được áp dụng khá phổ biến
Chuồng nuôi thỏ 3 tầng được áp dụng khá phổ biến
  • Kiểu chuồng liên kết với hang thỏ

Kiểu lồng này không được áp dụng phổ biến trong mô hình nuôi thỏ công nghiệp nhưng lại tạo được không gian sống mát mẻ, giúp thỏ thích nghi tốt, đặc biệt với vùng khí hậu nóng như ở khu vực miền Nam.

Kiểu lồng này thường áp dụng với thỏ sinh sản. Thời gian đầu thỏ sẽ được tập ăn, uống, đi tiêu ở ngoài lồng sau đó thích nghi dần với điều kiện trong hang.

Các thiết bị lắp đặt cho lồng nuôi thỏ

  1. Máng cỏ

Máng cỏ cho thỏ phải đặt cao để thỏ không dẫm chân lên khi ăn. Bà con có thể bố trí máng cỏ phía ngoài lồng. Máng có thể làm bằng tre, gỗ, phổ biến nhất là bằng tấm tôn, chấn song sắt cách nhau 1cm. Kích thước của máng cỏ phù hợp với kích thước chuồng nuôi.

Máng ăn cỏ của thỏ phải cách lồng 10cm, chiều cao từ 6 – 8cm, khoảng cách từ vách ra là 20cm.

  1. Máng thức ăn tinh

Máng thức ăn tinh làm bằng ống tre hoặc gỗ, lon sành. Máng này nên dài từ 20 – 30cm. Cũng có thể làm bằng tấm tôn ghép lại với kích thước dài 20 – 25cm, rộng 10 – 12cm, cao 8 – 10cm.

Máng thức ăn tinh có thể đặt trong chuồng, cao cách mặt sàn 10cm để thỏ không dẫm lên hoặc ỉa đái vào thức ăn.

Bà con cần lưu ý, dạ dày của thỏ có khả năng co giãn tốt, nguồn thức ăn khá đa dạng. Nhưng ruột thỏ dài nên tiêu hóa thức ăn tương đối chậm. Nếu thức ăn nghèo chất xơ sẽ khiến thỏ bị rối loạn tiêu hóa.

Do đó, bà con cần bổ sung nhiều thức ăn thô cho thỏ như rau, lá, cỏ, củ quả, một số loại cỏ tự nhiên như cỏ mần trầu, cỏ mật, cỏ lông, lá duối, lá mía, lá chè, lá sung… hoặc một số loại cỏ trồng như cỏ voi, các loại cây họ đậu, lá cà rốt. Dạ dày của thỏ co bóp tương đối chậm, bà con nên sử dụng các loại máy băm cỏ để băm nhỏ thức ăn, kích thích hệ tiêu hóa của thỏ.

Ngoài ra, cần bổ sung thêm nguồn thức ăn tinh như thóc, ngô, đậu, lạc, cao lương, lúa mỳ… thức ăn giàu đạm như bột thịt, bột sữa, bột cá, bã bia, bã đậu nành, trùn quế. Nhu cầu dinh dưỡng và tỉ lệ phối trộn thức ăn sẽ tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của mỗi lứa nuôi.

Trong chuồng nuôi cần thiết kế đầy đủ máng thức ăn tinh và máng nước uống
Trong chuồng nuôi cần thiết kế đầy đủ máng thức ăn tinh và máng nước uống

Đặc biệt, bà con có thể nghiền và phối trộn các phụ phẩm nông nghiệp với chế phẩm sinh học thích hợp sau đó sử dụng máy ép cám viên để ép nhỏ thành thức ăn cho thỏ vừa tiết kiệm chi phí lại giúp thỏ ăn ngon miệng, ăn nhiều, nhanh lớn.

  1. Máng uống

Máng đựng nước uống có thể tận dụng chậu nhựa, can nhựa, chai nhựa dốc ngược.. Hoặc bà con có thể tự chế các dụng cụ đựng nước thường xuyên để thỏ chủ động uống nước khi khát.

Sử dụng vỏ chai nhựa đựng nước loại 1,5 lít lắp thêm van nước tự động, dốc ngược phần nắp xuống dưới để thỏ tự uống.

Thỏ rất nhạy cảm, nếu không làm chuồng nuôi đúng kỹ thuật và có biện pháp chăm sóc hợp lý thì thỏ sẽ chết nhiều. Do đó để giảm hao hụt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà con nên áp dụng đúng kỹ thuật làm chuồng nuôi thỏ trên đây. Chúc bà con thành công!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây