Đòn bẩy phát triển cây ăn trái tại Sóc Trăng – Quy hoạch vùng trồng

0
1887
Đòn bẩy phát triển cây ăn trái tại Sóc Trăng - Quy hoạch vùng trồng
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Thời gian gần đây, ngoài thế mạnh- tôm và cây lúa thì cây ăn trái là sản phẩm tiềm năng, sẽ mang lại nguồn thu nhập tốt cho bà con nông dân. Điều này góp phần cải thiện cuộc sống của nhà vườn cũng như góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.

Cây ăn trái – đặc sản của tỉnh –  dần được nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm bởi Sóc Trăng có trái vú sữa tím xuất ngoại; trái xoài, bưởi được rất nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu để liên kết tiêu thụ trong nước và xuất khẩu...

Quy hoạch vùng trồng cây ăn trái và đưa định hướng phát triển

Theo thống kê của ngành chuyên môn, diện tích cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng hơn 29.000ha, tập trung tại các huyện: Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Châu Thành, Cù Lao Dung, TX. Ngã Năm, TX. Vĩnh Châu. Trong 2 năm trở lại đây, thông qua Dự án “Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh” từ khâu tổ chức sản xuất, mở rộng diện tích đến liên kết tiêu thụ… việc trồng cây ăn trái có nhiều biến chuyển tích cực.

Dự án “Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh” được lập để phát triển diện tích cây ăn trái đặc sản cho 7 huyện, thị xã đã nêu trên. Do thị trường tiêu thụ trái cây đang có xu hướng mở rộng, việc phát triển các vùng cây ăn trái phù hợp cho từng vùng với sản lượng hàng hóa đủ lớn để đầu tư phát triển và xây dựng thương hiệu cho mỗi vùng là cần thiết. Theo đó, các loại cây ăn trái được phát triển, trồng tập trung gồm: bưởi da xanh, bưởi năm roi, cam xoàn, cam sành, cam mật, quýt, nhãn, xoài, mãng cầu gai, vú sữa và các loại cây đặc sản có lợi thế của vùng dự án. Đồng thời, để đạt diện tích 33.000ha các loại cây ăn trái quy hoạch đến năm 2020, Ban Quản lý Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh sẽ phối hợp cùng các địa phương tổ chức lại sản xuất và hình thành những vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản tập trung bằng cách tập trung chuyển đổi, cải tạo, nâng cấp trồng các loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao và mở mới diện tích trồng cây ăn trái, dự kiến trong năm 2021 mở mới 740ha cây ăn trái, nâng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh lên 30.000ha, sản lượng 390.000 tấn.

Tiếp theo đó, giai đoạn 2021 – 2025 sẽ cải tạo, nâng cấp 2.405ha và mở mới 3.125ha, nâng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh trên 33.000ha, sản lượng 462.000 tấn, qua đó sẽ tổ chức hơn 100 lớp tập huấn cho nhà vườn tại các địa phương triển khai dự án và xây dựng 132 mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, cải tạo nâng cấp và mở mới vườn cây ăn trái; xây dựng 6 chuỗi giá trị cây ăn trái đặc sản, thành lập thêm các hợp tác xã cây ăn trái nhằm liên kết nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ổn định thị trường tiêu thụ thông qua chế biến và xuất khẩu…

Giải pháp phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh

Gần 2 năm triển khai dự án phát triển cây ăn trái đặc sản, tỉnh đã có hơn 370ha áp dụng canh tác theo hướng VietGAP trên cam, nhãn, mãng cầu gai, xoài cát chu, bưởi da xanh, vú sữa; xây dựng 10 vùng trồng được cấp 36 mã code với diện tích hơn 320ha trên cây vú sữa, xoài, nhãn để liên kết xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Hoa Kỳ… và tiêu thụ tại một số siêu thị trong nước. Để đạt được thành quả trên, Ban Quản lý Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng cho các chủ hộ, chủ trang trại về việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trên cây ăn trái. Qua đó, xây dựng chuỗi liên kết giá trị sản phẩm, tạo mối liên kết 4 nhà trong sản xuất và tiêu thụ, kết nối công nghiệp phục vụ nông nghiệp, khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản theo hướng hiện đại.

Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khuyến nông, đào tạo, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ thông qua lồng ghép các chương trình, dự án; tạo mọi điều kiện cho người dân đầu tư, cải tạo, mở mới, hình thành các vùng sản xuất tập trung cũng như khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển các dịch vụ về giống, chế biến; huy động nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư phát triển của Nhà nước để bảo đảm cho người sản xuất được vay vốn theo quy định, mở rộng các hình thức dịch vụ về vốn thông qua các tổ chức tín dụng trung gian, các hợp tác xã, hiệp hội, doanh nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại và đồng bộ chế biến đa dạng hóa các loại trái cây như đóng hộp, chiên, sấy…

Song song đó, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông nông thôn nhằm tạo sự gắn kết, liên hoàn, thông suốt với mạng lưới giao thông của tỉnh, huyện làm cầu nối giữa các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa, vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến, giữa sản xuất và tiêu thụ; đầu tư trang bị cho hệ thống các trạm, trại kỹ thuật, hỗ trợ các cơ sở nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng và xây dựng hệ thống nhân giống đạt tiêu chuẩn, quy hoạch các cơ sở sản xuất cây giống đảm bảo chất lượng cung cấp cho nhà vườn; dự báo và hướng dẫn phòng, chống dịch hại trên cây trồng. Qua đó, Ban Quản lý Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh còn hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết chuỗi giá trị, áp dụng quy trình GAP, vệ sinh an toàn thực phẩm, hữu cơ và các tiến bộ kỹ thuật khác, chuyển đổi, mở mới, cải tạo nâng cấp diện tích cây ăn trái trong vùng dự án…

Nguồn: http://baosoctrang.org.vn/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây