Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Tiền Giang có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, hệ sinh thái đa dạng do vị trí nằm ở hạ lưu, là một lợi thế cho việc mở rộng địa bàn nuôi trồng và phát triển thủy sản.

Đến đầu tháng 7/2020, tỉnh Tiền Giang đã thả nuôi được gần 11.500ha thủy sản phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu, đạt trên 73% chỉ tiêu cả năm 2020. Tỉnh đang từng bước thực hiện mục tiêu phát huy tiềm năng nuôi thủy sản ở cả ba vùng sinh thái ngọt, lợ, mặn  thích ứng biến đổi khí hậu nhằm giúp người dân trên địa bàn tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.

Các đối tượng nuôi được nuôi phổ biến, có giá trị kinh tế cao gồm cá đồng, cá da trơn, tôm càng xanh, tôm sú, tôm thẻ, nghêu và nhuyễn thể…

Mở rộng phát triển thủy sản – Tiền Giang phát huy tiềm năng

Trong 6 tháng đầu năm 2020, địa phương đạt sản lượng nuôi và khai thác thủy sản gần 143.000 tấn tôm cá các loại. Bởi vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở hạ lưu sông Tiền, tiếp giáp với biển Đông, tỉnh Tiền Giang có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, hệ sinh thái đa dạng gồm vùng ngọt ở phía Tây, vùng lợ ở phía Đông, vùng mặn cửa sông và ven biển Gò Công.

Đây là những lợi thế mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này để mở rộng nuôi trồng thủy sản, tạo nguồn nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là ngành công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu rất phát triển tại tỉnh Tiền Giang.

Tỉnh Tiền Giang coi trọng và đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng nuôi, tăng cường công tác chuyển giao khoa học công nghệ, giúp nông dân thâm canh đạt năng suất và sản lượng cao, khuyến khích nhân rộng những mô hình làm ăn có hiệu quả kinh tế cao trong nông hô, định hướng chuyển đổi sản xuất những địa bàn khó khăn sang nuôi trồng thủy sản thích ứng biến đổi khí hậu… để phát huy tối đa tiềm năng kinh tế quan trọng này.

Tiền Giang hình thành các vùng nuôi thủy sản tập trung trên phạm vi toàn tỉnh như vùng nuôi cá lồng bè trên sông Tiền, vùng nuôi cá tra thâm canh ở đầu nguồn sông Tiền, vùng sản xuất theo mô hình lúa-cá ở xã Hậu Mỹ Bắc A (huyện Cái Bè), vùng sản xuất cá giống ở xã Tân Hội, thị xã Cai Lậy, vùng tôm-lúa ở ven biển Phú Tân (huyện Tân Phú Đông); vùng nuôi tôm theo quy mô công nghiệp ở Nam và Bắc Gò Công (huyện Gò Công Đông), Cồn Cống (huyện Tân Phú Đông), vùng nuôi nghêu tập trung ở ven biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông) trên diện tích lên đến 2.200ha…

Từ đầu năm đến nay, nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản đang được triển khai mạnh mẽ trên địa bàn.

Tỉnh đang tiếp tục triển khai đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh trên diện tích 379ha với gần 100 hộ tham gia tại hai huyện trọng điểm là Gò Công Đông và Tân Phú Đông.

Đồng thời, triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình ương cá tra giống ứng dụng công nghệ cao liên kết tiêu thụ tại các tỉnh Nam bộ” có thời gian thực hiện trong 3 năm (từ năm 2020 đến năm 2022) tại tỉnh Tiền Giang với quy mô 6ha ương cá tra giống công nghệ cao.

Đặc biệt, để tăng cường phổ cập kiến thức khoa học, nâng cao trình độ nuôi thủy sản mặn, lợ cho người dân ven biển Gò Công, tỉnh đang thực hiện các mô hình thử nghiệm gồm: mô hình nuôi tôm thẻ 3 giai đoạn trong bể composite với qui mô 10.000 post tôm thẻ trên bể composite; thử nghiệm hệ thống lọc sinh học tuần hoàn nước, thử nghiệm nuôi tôm tít… để đưa ra kết quả và nhân giống số lượng lớn.

Ngoài ra, thời gian qua, địa phương còn chuyển giao quy trình nuôi thủy sản theo hướng GAP. Kết quả, đến nay, Tiền Giang đã có 6,4ha nuôi cá tra đạt chứng nhận GlobalGAP, 15,8ha nuôi cá tra đạt chứng nhận ASC, 45,9ha nuôi cá tra đạt chứng nhận VietGAP, 2ha nuôi tôm thẻ chân trắng đạt chứng nhận VietGAP./.

Nguồn: vietnamplus.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây