Các Loại Rừng Ở Việt Nam Có Thể Bạn Chưa Biết

0
13941
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Các loại rừng ở Việt Nam hiện nay được phân loại như thế nào có phải là chủ đề mà bạn đang quan tâm? Dựa vào những đặc điểm nào để phân loại rừng ở Việt Nam? Agri.vn mời bạn cùng tìm hiểu về chủ đề này ở bài viết bên dưới nhé!

Nội dung chính

Kiểu rừng kín lá rộng thường xanh nhiệt đới

Đây là kiểu rừng có diện tích lớn, phân bố rộng khắp đất nước, nằm trong vành đai nhiệt đới gió mùa, thường phân bố ở độ cao dưới 700 m ở miền Bắc và dưới 1000 m ở miền Nam. Nhiệt độ trung bình năm 20-250C, lượng mưa hàng năm 1200 – 1300 mm, mùa khô và mùa mưa phân biệt rõ, mùa khô kéo dài khoảng 3 tháng.

Rừng có mùa mưa và mùa khô phân biệt rõ ràng
Rừng có mùa mưa và mùa khô phân biệt rõ ràng

Rừng có cấu trúc 3 – 5 tầng (Tầng vượt tán, tầng tán chính, tầng dưới tán, tầng cây bụi, tầng cỏ và quyết). Thực vật rừng ở đây gồm phần lớn là các loài cây nhiệt đới, không có chồi ngủ qua đông, một số loài trên thân mang hoa quả, một số loài gốc có bạnh vè cao. Các loài cây điển hình như Gội, Sấu, Re, Cà lồ, Vàng anh, Sến mật, Lim xanh, Mỡ, một số loài trong họ dầu như Sao đen, Chò chỉ, Táu, họ Trám như Trám trắng, Trám đen,…

Kiểu rừng kín lá rộng nửa rụng lá nhiệt đới

Kiểu rừng này có cùng đai độ cao và nhiệt độ vói kiểu rừng trên, nhưng xuất hiện 1-3 tháng khô hạn trong năm với lượng mưa chỉ đạt 25-50 mm/tháng. Ở thời điểm này độ ẩm trung bình thấp. Một số khu vực thuộc các tỉnh như Bắc Giang, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Thanh Hoá, Nghệ An, Đắk Lắk gặp kiểu rừng này.

Thể hiện rõ nhất là sự rụng lá của 25-75% cá thể cây rừng, các loài ưu hợp thuộc họ Dầu, họ Bàng, họ Tử vi, họ Dâu tằm, họ Xoan, họ bồ hòn, họ Đậu, họ Trôm. điển hình như: Dầu song nàng, Dầu con quay, Gõ đỏ, Săng lẻ, Chò nhai, Chiêu liêu, Trương vân, Lát khét, Lim xẹt, Xoay, Giáng hương, Lòng mang, Trôm, Sau sau,…

Các loại cây trong rừng rụng lá khá nhiều
Các loại cây trong rừng rụng lá khá nhiều

Kiểu rừng kín lá rộng rụng lá nhiệt đới

Kiểu rừng này hình thành trong điều kiện giống như kiểu rừng kín lá rộng nửa rụng lá, nhưng độ ẩm thấp hơn lượng mưa có thể xuống tới 1200 mm, mùa khô kéo dài 4-6 tháng, trong đó có 1-2 tháng chỉ đạt < 25 mm, có 1 tháng không có mưa. Có thể gặp kiểu rừng này ở Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Đồng Nai, Nam bộ.

Kiểu rừng này thường có 2 tầng, tầng cây cao chủ yếu là các loài rụng lá, chiếm tới 75% số loài. Các loài điển hình trong họ Dầu, họ Thung, họ Tử vi, họ Đậu như: Dầu trai, Dầu con quay, Săng lẻ, Dáng hương, Cà te, Gõ đỏ, Trắc, Xoay, Thung, Gạo, Ban, Dẻ tằm, Dẻ răng cưa, Sau sau.

Kiểu rừng thưa cây lá rộng nhiệt đới (rừng khộp)

Kiểu rừng này hình thành trong vùng khí hậu khô nóng, thường xảy ra lửa rừng, lượng mưa trung bình hàng năm 600-800 mm, nhiệt độ trung bình 20-250C, mùa khô kéo dài 5-6 tháng, đất có tầng kết von gây úng về mùa mưa, thiếu nước nghiêm trọng vào mùa khô.

Rừng khộp có mật độ thấp, tán thưa, nhiều tầng, kích cỡ, tổ thành đơn giản, chủ yếu là cây họ Dầu như Dầu trà beng, Dầu đồng, Dầu trai, ngoài ra còn gặp một số loài cây khác như Cẩm liên, Cà chiếc, Chiêu liêu, Kơ nia, Thành ngạnh, Găng, Le.

Loại rừng xuất hiện ở vùng khí hậu nóng và thường xảy ra lửa rừng
Loại rừng xuất hiện ở vùng khí hậu nóng và thường xảy ra lửa rừng

Kiểu rừng kín thường xanh ẩm á nhiệt đới

Kiểu rừng này phân bố ở độ cao trên 700 m ở miền Bắc, trên 1000 m ở miền Nam, lượng mưa trung bình năm 1200-2500 mm, nhiệt độ trung bình năm 15-200C, tháng lạnh nhất dưới 150C, độ ẩm trên 85%. Có thể gặp kiểu rừng này ở các tỉnh như Lào Cai, Lai Châu, Bắc Kạn, Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Đắk Lắk.

Rừng thường có 2 tầng cây gỗ và tầng cỏ quyết. Các loài cây ưu thế thuộc khu hệ bản địa Bắc Việt Nam – Nam Trung Hoa, trên thân và cành có nhiều rêu và địa y phụ sinh. Đặc trưng của loại rừng này là nhiều loài cây có chồi ngủ, thuộc họ Re, họ Chè, họ Ngọc lan, họ Sau sau, họ Nhân sâm, họ Đỗ quyên và nhiều loài địa lan quý.

Kiểu rừng ngập mặn

Đây thực chất là một kiểu phụ thuộc kiểu rừng kín lá rộng thường xanh hình thành trên điều kiện đặc biệt: đất phù sa mặn, bùn lầy, ngập nước biển theo thuỷ triều lên xuống. Phân bố dọc theo các tỉnh ven biển Việt Nam, điển hình như Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cà Mau,…

Rừng thường có một tầng, đôi khi tầng dưới có cỏ quyết. Các loài cây có hệ rễ rất phát triển thành rễ chống, rễ cà kheo, rễ đầu gối, lá cây mọng nước, chịu hạn, chịu nóng, chịu nước biển, hạt nảy mầm trên cây trước khi quả rụng.

Đặc điểm của loại cây ở rừng ngập mặn là có bộ rễ phát triển mạnh mẽ
Đặc điểm của loại cây ở rừng ngập mặn là có bộ rễ phát triển mạnh mẽ

Các loài điển hình thuộc họ Đước, họ Bần, họ Cói, họ Ô rô,… như Đước bộp, Đước xanh, Vẹt dù, Bần chua, Bần trắng, Mấm, Dà vôi, Cóc, Dừa nước, Cói,… Vùng đất chua phèn đã nâng cao thường gặp loài Tràm.

Kiểu rừng núi đá vôi

Kiểu rừng này bao gồm các kiểu phụ thuộc kiểu rừng kín thường xanh và nửa rụng lá phân bố ở đai nhiệt đới và á nhiệt đới trong điều kiện đặc biệt là đất đá vôi. Với diện tích khoảng 800.000 ha phân bố ở các tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Hoà Bình, Ninh Bình, Quần đảo Cát Bà, Hạ Long,…

Địa hình dốc, vách đá tai mèo, tầng đất mỏng nên các loài cây sinh trưởng chậm, rễ nổi và ôm lấy các tảng đá ăn sâu vào các khe nứt. Các loài điển hình như Nghiến, Trai lý, Ô rô, Mạy tèo, Chò nhai, Lòng mang, Kim giao, Sâng, Đinh, Sấu, Chò chỉ, Hoàng đàn.

Kiểu rừng lá kim

Kiểu rừng này có 2 kiểu phụ là rừng thưa lá kim hơi khô nhiệt đới và rừng thưa lá kim hơi khô á nhiệt đới. Với diện tích khoảng 200.000 ha phân bố tập trung ở Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc. Đất rừng ở đây thường có tầng nông, khô, chua và xấu. Rừng có kết cấu 2 tầng rõ, tầng trên chủ yếu là các loài thông, tầng dưới có một số loài cây họ dẻ. Các loài thường gặp: Thông Nhựa, Thông Ba lá, Thông Mã vĩ.

Rừng lá kim thường xuất hiện các loại thông
Rừng lá kim thường xuất hiện các loại thông

Rừng tre nứa

Là kiểu rừng có cấu trúc hình thái độc đáo dễ nhận biết từ xa, là kiểu phụ thứ sinh hình thành trên đất rừng tự nhiên sau khai thác hoặc nương rẫy. Rừng tre nứa ở Việt Nam phân bố rộng từ độ cao gần ngang mực nước biển tới 2000 m. Việt Nam có khoảng 1,5 triệu ha rừng tre nứa tập trung ở các vùng: Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên. Với gần 200 loài tập trung trong nhóm tre mọc cụm như Tre gai, Luồng, Bương, Mai, Hóp, Lồ ô, Le, Mạnh tông,… và nhóm mọc tản chủ yếu ở vùng núi phía Bắc như Vầu đắng, Vầu ngọt, Trúc sào, Trúc cần câu, Sặt,…

Với nội dung bài viết này, chúng tôi mong rằng bạn có thể hiểu hơn về các loại rừng ở Việt Nam. Cảm ơn bạn đã quan tâm theo dõi bài viết!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây