Xem thêm:
- Đề nghị Vương quốc Anh phối hợp, cung cấp hồ sơ đánh giá thanh long
- Xuất khẩu thanh long sang thị trường Anh vẫn theo quy định hiện hành
Để thanh long rộng đường xuất khẩu chính ngạch sang một số quốc gia như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản… thì yêu cầu thanh long Việt Nam phải có mã số vùng trồng mới được phép xuất khẩu.
Đã có 653 mã số vùng trồng thanh long xuất khẩu
Bình Thuận là “thủ phủ” sản xuất thanh long của cả nước và được xem là cây trồng chủ lực của tỉnh này. Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có gần 28.000ha thanh long với sản lượng hơn 600.000 tấn.
Thanh long Bình Thuận tại thị trường nội địa chỉ tiêu thụ khoảng 15% sản lượng, còn lại là phục vụ xuất khẩu. Đến nay thanh long Bình Thuận đã xuất khẩu qua hơn 20 thị trường như Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất – UAE, Đức, Hà Lan, Nga, Tây Ban Nha; Canada, Mỹ, Úc, New Zealand….
Ông Đỗ Văn Bảo – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận cho biết, một số quốc gia như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản… yêu cầu thanh long Việt Nam phải có mã số vùng trồng mới được phép xuất khẩu. Nói cách khác là để có thể xuất khẩu sang những thị trường trên, thanh long bắt buộc phải đáp ứng được tiêu chuẩn đầu tiên là được cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói.
Đến nay, tại Bình Thuận, việc quản lý và cấp mới mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói thanh long xuất khẩu được thực hiện theo đúng quy định. Toàn tỉnh hiện có 653 mã số vùng trồng thanh long xuất khẩu và 318 mã số cơ sở đóng gói thanh long. Trong đó, 596 mã số vùng trồng đang hoạt động gồm 10 mã số xuất sang Nhật, 81 mã số xuất sang Mỹ, 94 mã số xuất sang Trung Quốc, 119 mã số xuất sang Hàn Quốc, 146 mã số xuất sang New Zealand và 146 mã số xuất sang Úc.
Bình Thuận có 249 mã số cơ sở đóng gói thanh long đang hoạt động gồm: 1 mã số xuất sang Nhật, 2 mã số xuất sang Mỹ, 225 mã số xuất sang Trung Quốc, 1 mã số xuất sang Hàn Quốc, 10 mã số xuất sang New Zealand và 10 mã số xuất sang Úc.
Theo ông Đỗ Văn Bảo, từ khi trên địa bàn tỉnh thực hiện việc mã hóa vùng trồng thanh long đã mang lại nhiều ích như chuẩn hóa quá trình chăm sóc, quản lý cây trồng, quản lý được diện tích trồng, đưa ra quy trình chuẩn trong chăm sóc, quản lý dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng và ước lượng năng suất… giúp mang lại niềm tin cho người tiêu dùng.
“Đối với một số thị trường thì đây là tấm vé thông hành. Việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc của một số thị trường và thông lệ quốc tế nhằm tuân thủ quy định của các nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc”, ông Bảo chia sẻ.
Tiếp tục đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói
Thời gian gần đây, Bình Thuận có số lượng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói không những tăng lên nhiều mà còn đảm bảo chất lượng, đáp ứng đúng quy định hiện hành.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ quy định về mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói của thị trường nhập khẩu. Đặc biệt tuân thủ nghiêm ngặt kiểm dịch động vật của Trung Quốc cũng như các quy định có liên quan.
Các vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu đã được cấp mã số cần tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ các đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc. Cơ sở đóng gói phải thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật đảm bảo làm sạch sinh vật gây hại trên hàng hóa trước khi xuất khẩu; cũng như có cơ chế giám sát quy trình đóng gói tại cơ sở.