Vú sữa chưa thu hoạch đã bán xong

0
774
Vú sữa chưa thu hoạch đã bán xong
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Chưa có sản phẩm thu hoạch nhưng đã bán xong hàng, đây là câu chuyện tại nhiều nhà vườn trồng vú sữa tím tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.

Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn xuất khẩu, ngay từ lúc cây vú sữa đang ra hoa, quả, toàn bộ sản lượng của nhà vườn đã được các doanh nghiệp xuất khẩu bao tiêu, với giá thành cao và ổn định.

Không dự lượng thuốc trừ sâu và phân hóa học, bao trái, chống ruồi vàng, đó là những việc bắt buộc phải làm, nếu muốn xuất khẩu vú sữa tím sang các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Nga. Ứng dụng quy trình sản xuất VietGAP, năm 2022, Hợp tác xã Lộc Mãi đã xuất khẩu được 100 tấn vú sữa tím sang thị trường Mỹ. Dự kiến năm nay, sản lượng tăng gấp đôi.

“Hợp tác xã ở đây thu tất cả của xã viên, hàng xuất, hàng đó là hàng theo chuẩn mình ở đây là lấy hết của xã viên. Nếu như vú sữa không nằm trong hợp tác xã thì lúc chính vụ chỉ còn 4.000 – 5.000 đồng/kg, 6.000 đồng hoặc 8.000 đồng, nhưng ở đây dù rẻ cỡ nào vẫn thu giá 30.000 đồng”, ông Sử Quốc Lộc – Giám đốc Hợp tác xã Lộc Mãi, xã Trinh Phú, Kế Sách, Sóc Trăng, cho biết.

Vú sữa chưa thu hoạch đã bán xong
Nhà vườn thu hoạch vú sữa.

Hiện nay hợp tác xã đã có 3 doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Để tăng sản lượng phục vụ xuất khẩu, ngoài mở rộng vùng trồng, hợp tác xã phải ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

Để giải quyết bài toán thiếu vốn, từ năm 2022, Hội nông dân đã giải ngân 300 triệu đồng từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân cho 6 hộ vay. Đây là nguồn vốn tín chấp, lãi suất thấp, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất.

Ông Dương Thanh Mộng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Trinh Phú, Kế Sách, Sóc Trăng, cho hay, “Hội nông dân xã cũng tranh thủ các nguồn vốn ở trên để liên kết, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận thêm nguồn vốn để đầu tư vào các máy móc hoặc phân thuốc để tiếp tục phát triển mở rộng diện tích”.

Vú sữa chưa thu hoạch đã bán xong
Xuất khẩu vú sữa tím không chỉ giúp các hộ dân gia tăng hiệu quả kinh tế, mà còn góp phần nâng cao thương hiệu nông sản địa phương.

Với diện tích canh tác 72 hecta, hợp tác xã được cấp 6 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Mỹ, Nga và Australia, giải quyết công ăn việc làm cho 46 hộ thành viên với thu nhập khoảng từ 300 – 500 triệu đồng/hộ. Xuất khẩu vú sữa tím không chỉ giúp các hộ dân gia tăng hiệu quả kinh tế, mà còn góp phần nâng cao thương hiệu nông sản địa phương.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết, nhằm phát triển diện tích cây ăn trái đặc sản của tỉnh bền vững, gắn thị trường tiêu thụ, tỉnh Sóc Trăng đang thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất cây ăn trái chuyên canh tập trung dựa trên thế mạnh đất đai và khí hậu của từng địa phương; xây dựng, phát triển mạng lưới cung cấp giống cây ăn trái có chất lượng cao; xây dựng chuỗi liên kết giá trị sản phẩm, tạo mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản ở địa phương, nhất là xây dựng mã code cho vùng trồng vú sữa tím…

Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Sóc Trăng có trên 28.500 ha cây ăn trái, trong đó, tập trung nhiều nhất tại huyện Kế Sách, với diện tích hơn 18.000 ha. Sóc Trăng đã quy hoạch được 20 vùng trồng đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây