Mắc ca là cây lâm nghiệp đa mục đích, có tuổi thọ 50-60 năm, góp phần nâng cao thu nhập của người dân và bảo vệ môi trường. Đến nay, cả nước có 29 tỉnh trồng mắc ca, với tổng diện tích khoảng 20.000 ha, tập trung chủ yếu tại hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, sản lượng ước đạt gần 9.000 tấn hạt tươi/năm.
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm mắc ca trên thế giới ngày càng tăng. Dự báo đến năm 2025, thị trường cần khoảng 220.000 tấn nhân, tương đương 850.000 tấn hạt tươi. Dư địa mở rộng thị phần xuất khẩu của mắc ca tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Hà Lan, Đức còn rất lớn.
Nâng cao giá trị sản phẩm mắc ca
Ngành sản xuất mắc ca của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như công tác chế biến hiện còn đơn giản, sản phẩm chưa tinh và chất lượng chưa cao.
Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, thiếu sự đồng bộ về cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thu hút sự tham gia của người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển mắc ca.
Tuy nhiên, trong những năm qua ở nhiều vùng trọng điểm, công tác chế biến đang ngày một thay đổi giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm này.
Huyện Kbang là địa bàn có diện tích cây mắc ca lớn nhất tỉnh Gia Lai với hơn 2.800 ha. Với mục tiêu liên kết vùng trồng, hiện nay đã có 20 cơ sở, đơn vị chế biến hạt mắc ca đi vào hoạt động, bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Chị Lê Thị Cẩm Như – Chủ cơ sở sản xuất mắc ca Minh Quang, huyện Kbang, Gia Lai cho biết, cơ sở của chị có 1 máy sấy hạ ẩm. Hạt thu mua về sẽ sấy 72 tiếng bảo quản khô lạnh. Nhờ chương trình OCOP bên chị tham gia các hội chợ nông sản, chương trình đặc sản vùng miền các thành phố lớn, từ đó kết nối khách sỉ tại nhiều nơi.
Trong khi đó, Lâm Đồng cũng là vùng trồng mắc ca chủ lực ở địa bàn Tây Nguyên với diện tích trên 5.000 ha. Nhờ xây dựng được chuỗi sản xuất gắn với chế biến nên nhiều hộ dân đã có thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu 1 năm/ha.
Ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho hay: “Cây mắc ca trên địa bàn đã phát triển một cách đồng bộ, từ khâu chọn giống, canh tác đến chế biến. Bên cạnh đó có rất nhiều mô hình mắc ca phát triển theo hướng hữu cơ”.
Các tỉnh Tây Nguyên định hướng sẽ tiếp tục mở rộng diện tích mắc ca, nhưng sản xuất phải gắn với chế biến, tiêu thụ. Từ đó mới đảm bảo phát triển cây trồng bền vững, đem lại lợi nhuận cao cho bà con nông dân.
Cơ hội xuất khẩu mắc ca sang thị trường châu Âu
Trong các thị trường tiềm năng xuất khẩu mặt hàng mắc ca thì EU được dự báo sẽ có nhiều tiềm năng và sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Trong đó Hà Lan đã và đang là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng.
Bà Võ Thị Ngọc Diệp – Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan chia sẻ: “Ngoài việc đáp ứng những tiêu chuẩn, quy định của EU, để mắc ca thuận lợi xuất khẩu, các doanh nghiệp cần đóng gói, ghi nhãn sản phẩm cần sáng tạo, hướng dẫn sử dụng rõ ràng, thuận tiện, chất liệu bao bì thân thiện với môi trường….Với những yếu tố này, mắc ca sẽ dễ dàng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng Châu Âu. Về khía cạnh thị trường, những doanh nghiệp xuất khẩu hạt mắc ca đáp ứng được những tiêu chuẩn, quy định của thị trường Châu Âu, nên tích cực tham gia vào các hội chợ, triễn lãm quốc tế chuyên ngành thực phẩm và đồ uống tại Châu Âu”.
Bà Diệp cho biết, Hà Lan là nước nhập khẩu lượng lớn hạt mắc ca, chiếm khoảng 30% lượng mắc ca nhập khẩu vào thị trường Châu Âu. Hàng năm, Hà Lan nhập khẩu tổng cộng khoảng 3.5 nghìn tấn mắc ca. Các yêu cầu kỹ thuật chung về hạt mắc ca nhập khẩu vào Hà Lan nói riêng và EU nói chung, các giới hạn được đặt ra đối với mức độ các chất ô nhiễm gây hại chẳng hạn như: Dư lược thuốc trừ sâu, độc tố nấm mốc, hàm lượng Aflatoxin B1 trong hạt mắc ca không được vượt quá 20 µg/kg, tổng hàm lượng Aflatoxin không vượt quá 4 µg/kg.
Nhìn chung, so với nhiều nước xuất khẩu hạt mắc ca lớn trên thế giới tại khu vực châu Phi và Nam Mỹ thì Việt Nam có lợi thế hơn khi đã tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do với hầu hết các thị trường nhập khẩu.
Để phát triển thị trường tiêu thụ mác ca, các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và doanh nghiệp, thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, tháo gỡ rào cản thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sản phẩm, nhân, hạt mắc ca nguyên vỏ và các sản phẩm mắc ca chế biến sâu.