Hiện nông dân dân trồng lúa ở ĐBSCL đang xuống giống rộ vụ Đông Xuân. Trước khi vào vụ mùa tiếp theo này, thương lái đã tìm đến đặt cọc với giá cao.
Thương lái đặt cọc giá cao khi lúa chưa xuống giống
Năm nay là một năm thắng lợi lớn với nông dân trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, khi giá lúa ở mức rất cao.
Những hạt giống OM18 vừa sạ được một ngày trên diện tích 8 hecta của nhà ông Ni (xã Tân Thành B, Tân Hồng, Đồng Tháp). Lúa còn chưa lên mạ, nhưng từ hơn một tháng trước, thương lái đã đến đặt cọc với giá 7.400 đồng/kg. Mức giá này chưa bằng giá lúa hiện nay, nhưng vẫn cao hơn so với nhiều năm trước.
Hiện nhiều nông dân ở huyện Tân Hồng đã lấy cọc với mức giá từ 7.400 – 8.000 đồng/kg.
Dù chưa xuống giống, nhưng anh Nguyễn Văn Cọp (xã Tân Thành B, Tân Hồng, Đồng Tháp) đã lấy cọc được 8.000 đồng/kg từ 20 ngày trước, còn lúa vài ngày nữa mới sạ.
“Khuyến cáo bà con nông dân trong liên kết tiêu thụ phải có hợp đồng chính thống, được chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn xác nhận để hạn chế rủi ro khi cuối vụ giá lúa lên hoặc xuống, giữa doanh nghiệp và nông dân tránh được chuyện bội tín hoặc bẻ gãy hợp đồng”, ông Hồ Văn Lý, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hồng, Đồng Tháp, cho hay.
Thời điểm này, nông dân ở huyện Tân Hồng đã xuống giống được 1/3 diện tích. Phần lớn đã được thương lái đặt cọc theo giá thị trường. Lúa có giá là chuyện mừng với người trồng lúa. Tuy nhiên, giá cả lên xuống là quy luật của thị trường. Do đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân áp dụng các phương pháp sản xuất hạ giá thành, tiết kiệm chi phí đầu vào để có lợi nhuận ổn định, lâu dài.
Giá gạo Việt xuất khẩu tăng cao nhất 3 tháng
Giá gạo Việt Nam xuất khẩu tuần qua tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng nhờ nhu cầu mạnh mẽ. Theo đó, tuần qua, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tăng từ mức 650 – 655 USD của tuần trước lên 655 – 665 USD/tấn.
Theo một thương nhân tại TP Hồ Chí Minh, giá gạo Việt Nam tăng sau khi một đơn vị thuộc Công ty nghiên cứu và tư vấn Fitch Solutions nhận định các hạn chế thương mại và rủi ro từ hiện tượng thời tiết El Nino sẽ hỗ trợ giá trong năm tới.
Trên thế giới, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan cũng tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng. Một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng từ mức 600 USD/tấn vào tuần trước lên 630 USD/tấn trong tuần này. Mức tăng trên chủ yếu nhờ nhu cầu mạnh hơn từ Philippines.
Cũng theo thương nhân này, các nhà cung cấp đang ngần ngại bán ra. Một số thậm chí đang “găm” hàng để đề phòng trường hợp giá tăng thêm.
Trong khi giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tuần này gần như không đổi so với tuần trước, giữ ở mức 500 – 507 USD/tấn. Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại bang miền Nam Andhra Pradesh cho biết, các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đang tăng dần do các nước khác đang báo giá cao hơn Ấn Độ.
Tháng 11, chính phủ Ấn Độ đã gia hạn áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ đến tháng 3/2024.
Các thương nhân xuất khẩu cho rằng, giá chào bán gạo của Việt Nam tiếp tục vững giá và tăng nhẹ do nguồn cung trong nước có phần hạn chế. Bên cạnh đó, giá nội địa hiện cũng ở mức cao, áp lực lên giá xuất khẩu, buộc các doanh nghiệp phải chào bán ở mức cao mới có lãi.
Ông Phạm Quang Diệu – Kinh tế trưởng Công ty CP Phân tích và dự báo thị trường Việt Nam (Agro Monitor) cho rằng, để có thể tận dụng cơ hội xuất khẩu trong năm 2024, các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng khi quyết định ký hợp đồng giao xa vì nguồn cung hạn hẹp, vốn tín dụng khó khăn.
Trường hợp, các ngân hàng có thể thúc đẩy tín dụng cho ngành gạo, các doanh nghiệp hưởng lợi nhiều hơn trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu.