Hiện nay đang vào mùa khai thác cá ngừ đại dương thì tình trạng cá ngừ đại dương được mùa nhưng mất giá lại tiếp diễn. Vậy nên, để giá thu mua cá ngừ đại dương của ngư dân chỉ có thể nâng cao nếu giá bán sản phẩm cá ngừ khi xuất khẩu được nâng lên.
Áp lực giá cá ngừ đầu vụ khai thác
Hiện nay đang là đầu mùa khai thác cá ngừ đại dương nên sản lượng thường khá cao, song giá cá lại chưa được như ngư dân mong đợi. Trong khi đó, các doanh nghiệp thu mua thì không thể nâng giá hơn, nên đằng sau câu chuyện giá cá ngừ là nhiều áp lực đối với ngư dân lẫn doanh nghiệp.
Cảng cá Hòn Rớ, tỉnh Khánh Hòa, những ngày qua, mỗi ngày có 4 – 5 tàu câu cá ngừ đại dương cập bến sau chuyến biển trên dưới 20 ngày. Có tàu trúng luồng cá, mang về đến 90 con cá ngừ đại dương. Những tàu ít hơn thì cũng được 30 – 40 con. Nếu so với chuyến biển giữa năm thì lượng cá khai thác trong chuyến biển vừa qua là gấp đôi, gấp ba.
Theo tính toán của ngư dân, với lượng cá khai thác được, chủ tàu có lãi. Nhưng mức lãi vẫn chưa thể bù lại những chuyến biển đói hồi giữa năm đó là bởi giá thu mua cá ngừ đại dương hiện tại chỉ khoảng 110.000 đồng/kg, trong khi trước đây có lúc giá cá ngừ lên đến 150.000 đồng/kg.
Trong khi đó, về phía các doanh nghiệp thu mua, mức giá mà họ đưa ra đã là một áp lực đối với chi phí nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp chế biến – xuất khẩu cá ngừ. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, giá cá ngừ thu mua ở Việt Nam cao hơn giá cá ngừ nhập khẩu từ các nước khác.
Mỗi năm, các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu đến 70.000 tấn cá ngừ từ các nước. Còn sản lượng khai thác của ngư dân, tính riêng loại cá ngừ đại dương là khoảng 17.000 tấn.
Ông Vũ Đình Giáp – Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam cho biết: “Sản lượng cá ngừ các nước như Philippines, Indonesia gấp 3 – 4 lần mình. Họ có thể đi 1 – 2 ngày là vào bờ, cá tươi hơn, nhiều hơn nên rõ ràng nên khi mình nhập của họ thì giá họ rẻ hơn mình”.
Năm 2023, tình hình xuất khẩu cá ngừ gặp nhiều khó khăn, đến hết tháng 11 đạt 772 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ. Giá thu mua cá ngừ đại dương của ngư dân chỉ có thể nâng cao nếu giá bán sản phẩm cá ngừ khi xuất khẩu được nâng lên.
Ông Vũ Đình Giáp – Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam cho biết: “Năm 2024, khả năng chúng ta mới có nhãn hiệu sinh thái cá ngừ Việt Nam, khi đó cá ngừ Việt Nam mới có tên tuổi trên thị trường, còn hiện nay chưa mang nhãn hiệu cá ngừ Việt Nam nên không thể nói giá bền vững được”.
Hướng đi đối với ngành cá ngừ Việt Nam, theo các chuyên gia vẫn là tập trung vào chất lượng bên cạnh ổn định sản lượng. Thực tế, trong 3 năm trở lại đây, chuỗi khai thác – chế biến – xuất khấu cá ngừ đã dịch chuyển theo hướng này.
Thách thức với thủy sản Việt Nam trong năm 2024
Sau 1 năm 2023 nhiều khó khăn, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 2023 ước đạt khoảng 9,2 tỷ USD, đạt 92% so với kế hoạch, giảm 8% so với năm 2022. Tuy nhiên, năm 2024 được nhận định là thủy sản Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức hơn.
Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT đã giảm chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản trong năm mới so với năm 2023, xuống là 9,5 tỷ USD. Với tổng sản lượng khoảng 9,2 triệu tấn, giữ diện tích nuôi trồng thủy sản là 1,3 triệu ha.
Những khó khăn đó là vấn đề truy xuất nguồn gốc với hải sản khai thác, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm được đặt ra trên tàu cá và cảng cá về đến nhà máy. Ủy ban châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác; đối với thủy sản nuôi trồng, ngoài truy xuất nguồn gốc từ cơ sở nuôi đến nhà máy chế biến và xuất khẩu đảm bảo an toàn thực phẩm; còn nhiều rào cản khác như phúc lợi động vật và chứng chỉ carbon đảm bảo an toàn môi trường sản xuất, khi xuất khẩu vào các thị trường châu Âu, Mỹ….