Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc có thể phục hồi

0
346
Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc có thể phục hồi
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc giảm đáng kể trong năm 2023 nhưng đang có cơ hội phục hồi trong những tháng đầu năm nay.

Cũng như các thị trường lớn khác của ngành tôm Việt Nam, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc giảm trong năm 2023. Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, trong năm qua, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc – Hồng Kông đạt 607 triệu USD, giảm 8% so với năm 2022.

Tuy cũng giảm, nhưng mức giảm của xuất khẩu tôm sang Trung Quốc thấp hơn khá nhiều so với các thị trường lớn khác. Cụ thể, trong năm 2023, xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm 15%, sang Nhật Bản giảm 24%, sang EU giảm 39%.

Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc có thể phục hồi
Năm 2023, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc – Hồng Kông đạt 607 triệu USD, giảm 8% so với năm 2022.

Thực tế cho thấy nhập khẩu tôm của Trung Quốc không giảm, mà vẫn tăng trong năm 2023. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ tôm đang hồi phục ở thị trường này sau khi Chính phủ Trung Quốc bãi bỏ chính sách Zero Covid. Trung Quốc hiện đươc coi là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới. 11 tháng năm 2023, đã có 917 nghìn tấn tôm được nhập khẩu vào Trung Quốc.

Dù nhập khẩu tôm với khối lượng lớn như vậy, nhưng vào cuối năm 2023, giá tôm nuôi vẫn tăng mạnh ở Trung Quốc. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ tôm ở Trung Quốc đang rất lớn.

Nhu cầu cao của thị trường nội địa đang kích thích người nuôi tôm Trung Quốc gia tăng sản lượng. Theo ước tính của ông Robins McIntosh, một chuyên gia trong ngành tôm thế giới, năm 2023, sản lượng tôm thẻ chân trắng của Trung Quốc vào khoảng 1,05 triệu tấn và sản lượng tôm sú khoảng 150-160 nghìn tấn.

Dự kiến trong năm 2024, sản lượng tôm thẻ chân trắng ở nước này đạt 1,2 triệu tấn và tôm sú là 200 nghìn tấn. Với sản lượng tôm nuôi nói chung dự kiến đạt 1,4 triệu tấn, nhiều khả năng trong năm nay, Trung Quốc sẽ vượt qua Ecuador để trở thành nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ cao vẫn khiến Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu tôm với khối lượng lớn.

Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc có thể phục hồi
Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc có thể phục hồi nhẹ trong các tháng đầu năm 2024.

So với các nguồn cung khác như Ecuador, Ấn Độ, trên thị trường Trung Quốc, tôm Việt Nam bị bất lợi về giá cả do có giá thành sản xuất cao hơn nhiều so với 2 nước nói trên. Tuy nhiên, tôm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc lại có lợi thế về logistics, nhất là khi căng thẳng trên Biển Đỏ đang làm tăng mạnh chi phí vận tải biển, có thể sẽ tác động tiêu cực tới việc xuất khẩu tôm của Ecuador đến thị trường Trung Quốc.

Mặt khác, căng thẳng ở Biển Đỏ cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ và EU. Bên cạnh đó, việc Hiệp hội Chế biến tôm Mỹ (ASPA) nộp đơn đề nghị điều tra thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu, trong đó có Việt Nam, sẽ khiến cho việc xuất khẩu tôm sang Mỹ bị ảnh hưởng trong nửa đầu năm nay.

Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp ngành tôm, kể cả những doanh nghiệp lâu nay ít xuất khẩu sang Trung Quốc, đang ngày càng chú trọng nhiều hơn tới thị trường này.

Theo nhận định của bà Kim Thu, chuyên gia về tôm của VASEP, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc có thể phục hồi nhẹ trong các tháng đầu năm 2024.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây