Nội dung chính
Cánh cửa EVFTA – Nâng tầm nông lâm thủy sản Việt
Sau khi hiệp định EVFTA được thông qua, hàng Việt đang từng bước vào EVFTA với nhiều cơ hội và thách thức.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nắm rõ những cơ hội và thách thức của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) – EVFTA, ngày 24/7, Chi nhánh Phòng
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM (VCCI-HCM), Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VFAEA), phối hợp tổ chức Hội thảo “Làm thế nào để tận dụng cơ hội của EVFTA và nâng cao năng lực doanh nghiệp nông nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”
Ngày 01/8, khi EVFTA có hiệu sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản (NLTS) vào thị trường EU thời gian tới.
Cánh của EVFTA – Cơ hội cho các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản
Ông Lê Duy Minh, Chủ tịch VFAEA cho biết, khi EVFTA có hiệu lực, các mặt hàng NLTS xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và GDP đạt 15.000 tỷ USD.
EU hiện là thị trường quan trọng của nông nghiệp Việt Nam (đứng thứ 3 sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, chiếm khoảng 11,75% thị phần trong tổng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam năm 2019). Kim ngạch xuất khẩu NLTS sang EU ổn định ở mức gần 5 tỷ USD/năm, thặng dư trung bình 4 tỷ USD/năm trong vòng 3 năm qua (2017 – 2019). Như vậy, vẫn còn dư địa tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng NLTS để phục vụ nhu cầu tiêu thụ rất lớn ở của thị trường này.
EVFTA sẽ tạo ra cú hích lớn cho xuất khẩu nông lâm thủy sản
Đặc biệt với các sản phẩm có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh như thuỷ sản, rau quả, gạo, cà phê, hồ tiêu, các sản phẩm đồ gỗ.
Một cơ hội lớn khác đó là tăng cường hoạt động đầu tư từ EU vào Việt Nam đi kèm với chuyển giao công nghệ, và nâng cao trình độ kỹ năng quản lý lao động, sẽ giúp tăng sản lượng và chất lượng NLTS, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường EU và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo TS. Đinh Viết Tú, Phó Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, EVFTA với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã cam kết, nên ngành NLTS xuất khẩu của Việt Nam có thể tiếp cận được thị trường đầy tiềm năng này. Hiện, nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp chiếm khoảng 8,4% trong tổng nhập khẩu của EU.
Vì vậy, đối với các doanh nghiệp Việt Nam EVFTA tạo cơ hội rất lớn để mở rộng thị trường xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược và có lợi thế nhờ vào các cam kết cắt giảm thuế quan. Đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm nông nghiệp. Cơ hội thu hút lựa chọn đầu tư từ nước ngoài. Tiếp cận tốt hơn với công nghệ, cải thiện năng lực quản lý, khả năng tự đổi mới của doanh nghiệp.
Cùng đó, nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa nhờ các giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam và tuân thủ các quy định các biện pháp an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật (SPS) và hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT).
Chặt để chất, giá trị tiềm ẩn lớn
EVFTA không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức, như làm gia tăng cạnh tranh với hàng nhập khẩu do hàng rào thuế quan dần được cắt giảm.
Quy định về truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng chặt chẽ hơn và cao hơn khi giảm thuế. Việt Nam sẽ phải đảm bảo tuân thủ các quy định khác về sở hữu trí tuệ, lao động, minh bạch hóa thông tin…
Doanh nghiệp còn phải tuân thủ các quy định chặt chẽ của các nước nhập khẩu, không chỉ đảm bảo chất lượng VSATTP mà còn các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội lao động, giới… thách thức trong kiểm soát gian lận thương mại.
Với nhiều tiêu chuẩn chặt chẽ như vậy, hàng hóa Việt Nam sẽ phải không ngừng nâng cao chất lượng để vượt qua và đáp ứng. Theo đó, vào EVFTA, được thị trường EU đón nhận cũng đồng nghĩa hàng Việt Nam có một “chứng chỉ” về chất lượng và uy tín để tham chiếu cho các thị trường khác. “Chứng chỉ” này cũng chính là một cấu phần của thương hiệu chung.
Tại hội thảo trên, TS. Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt dẫn cụ thể về mặt hàng gạo: Nếu xét về số lượng thì con số 80 ngàn tấn gạo xuất khẩu vào thị trường EU, so với 6,5 triệu tấn gạo Việt Nam xuất khẩu hàng năm là không lớn, nhưng xét về chất lượng về giá trị tìm ẩn là rất là lớn.
Đây là cơ hội để gạo của Việt Nam sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP hoặc là các yêu cầu về VSATTP… nhưng trước đây do không có thị trường hoặc là bán với giá gạo thường nên không thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân.
Khi bước vào thị trường EU, với những yêu cầu chặt chẽ về chất lượng và những tiêu chuẩn cao hơn của EU, người nông dân hoàn toàn có thể đáp ứng được và khi hạt gạo bán được giá cao sẽ tạo động lực cho bà con và các trang trại, HTX và doanh nghiệp để gạo Việt Nam đi vào các thị trường khác rộng lớn hơn.
“Có thể xem thị trường EU là điểm khởi phát để gạo Việt Nam đi vào các thị trường chất lượng cao khác, khi được thị trường EU chấp nhận sẽ tạo thành thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam và đây sẽ là một giá trị vô hình. Đây chính là cơ hội để chúng ta xây dựng thương hiệu gạo vì ngoài gạo ra còn có các sản phẩm khác.
Cần lưu ý, không chỉ xuất khẩu mà các nông sản tiêu thụ nội địa cũng phải được nâng cấp lên, vì khi Việt Nam xuất khẩu vào EU thì các doanh nghiệp EU cũng xuất khẩu các nông sản của họ vào Việt Nam. Sự giao lưu giữa các mặt hàng nông sản sẽ tạo cho người nông dân và người tiêu dùng Việt Nam nhận thức về VSATTP cao hơn, vấn đề này không chỉ mang yếu tố về kinh tế mà còn có yếu tố tăng trưởng và những giá trị nhân văn sau này”, ông Tùng phân tích.
Nguồn:http://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/