Nội dung chính
Khai mỏ vàng dược liệu Việt
Nhu cầu dược liệu sạch ngày càng lớn tại Việt Nam đã giúp nhiều vùng nông nghiệp hình thành những trang trại, hợp tác xã trồng dược liệu theo phương pháp hiện đại, hiệu quả hơn nhiều so với mô hình nhỏ lẻ, manh mún.
Liên kết tạo ra thu nhập cao
Nằm ven quốc lộ 27 thuộc xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, Hợp tác xã Dược liệu Như Ý có 7 thành viên với tổng diện tích 5 ha chuyên cung cấp hạt giống, cây giống sâm đương quy cho nông dân trồng và thu mua sản phẩm cho bà con. Sản phẩm thu về là củ tươi, Như Ý sấy khô và bán ra thị trường, ngoài sản phẩm thô, còn cung cấp ra thị trường trà túi lọc đương quy. Tổng chi phí đầu tư cho 0,1 ha trồng cây sâm đương quy khoảng 30 triệu đồng, sản lượng thu về khoảng 3-3,5 tấn/0,1 ha, giá thu mua củ tươi 20.000-25.000 đồng/kg.
Như vậy, sau khi trừ chi phí đầu tư, công chăm sóc thu hoạch…, nông dân thu lãi khoảng 30 triệu đồng/0,1 ha sau 14 tháng trồng. Còn mô hình trồng cây đương quy xen canh với cà phê ở giai đoạn kiến thiết cơ bản (dưới 3 năm tuổi) tại xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng thực hiện năm 2019, quy mô sản xuất 2 ha/7 hộ đã cho lợi nhuận ban đầu 200 triệu đồng/ha sau 14 tháng trồng.
Bên cạnh sâm đương quy là mặt hàng mới nổi, một dược liệu lâu đời của Lâm Đồng là Atiso cũng đang đem lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với các loại cây lương thực khác. Ở thành phố Đà Lạt, mô hình liên kết 15 hộ sản xuất 10 ha của Tổ hợp tác Atiso Phường 12 đạt chứng nhận thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO) từ năm 2017 đến nay, thu lợi nhuận 550-580 triệu đồng/ha/năm.
Nhiều mặt hàng nông sản của Đà Lạt mất giá khi hàng Trung Quốc cùng chủng loại tràn vào thị trường, nhưng với cây Atiso thì không xảy ra tình trạng trên. Đây chính là điểm mạnh thu hút nhiều doanh nghiệp. Sau 14 năm gắn bó với loại dược liệu này, bà Phạm Thị Hà, chủ nhân xưởng sản xuất Atiso mang tên Vạn Phúc tại phường 7, thành phố Đà Lạt đã thành lập được vùng nguyên liệu Atiso chất lượng cao với gần 4 ha.
Ngoài ra, xưởng còn liên kết sản xuất, thu mua mỗi năm khoảng 50 tấn Atiso của nông dân với tổng diện tích liên kết là 35 ha Atiso. Ngoài sản phẩm như trà, cao…, định hướng phát triển tiếp theo của Vạn Phúc chính là phát triển du lịch canh nông. Tại trang trại, du khách sẽ được thăm vườn Atiso, được trải nghiệm hái Atiso và trực tiếp chế biến các món từ Atiso hoặc là rau lang, rau rừng tại vườn… Bữa tiệc hiện ra trên bàn ăn với các món đặc sản Đà Lạt như bông Atiso hầm giò heo, Atiso hầm chân gà, súp Atiso, chè Atiso, gỏi Atiso, thân cây xào thịt bò…
Tại huyện Lạc Dương, cây Atiso từ chỗ được trồng rải rác với diện tích khoảng 10 ha thì đến nay, nhờ chính sách liên kết phát triển trồng cây dược liệu mà diện tích đã tăng lên gần 100 ha. Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân huyện Lạc Dương đã tìm đơn vị và đứng ra làm trung gian trong chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ Atiso giữa người dân với Ladophar.
Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã có 184 hộ dân tham gia vào chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ Atiso trên diện tích 27,3 ha với Ladophar.
Khi tham gia liên kết, các hộ dân đều được ký hợp đồng thu mua đảm bảo đầu ra cho sản lượng thu hoạch. Hằng tuần, đội ngũ nhân viên, kỹ thuật của công ty này cùng nông dân kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn chăm sóc cây, hỗ trợ phân bón, kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch.
Thành công từ ứng dụng công nghệ mới
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng, ước tính năm 2020, tổng diện tích sản xuất các loài cây dược liệu tỉnh Lâm Đồng gần 367 ha, đạt tổng sản lượng 10.842 tấn. So với 3 năm trước, tổng diện tích và tổng sản lượng dược liệu tăng lần lượt 74 ha và gần 2.700 tấn. Những loài cây tăng diện tích nhiều trong 3 năm qua như Atiso, đương quy, diệp hạ châu…
Tuy nhiên, bước tiến của ngành dược liệu Lâm Đồng còn phải kể đến thành công trong việc trồng sâm Ngọc Linh – loại dược liệu cực kỳ quý hiếm vốn chỉ mọc tự nhiên dưới những tán rừng già ở Kon Tum. Sau 5 năm kiên trì nghiên cứu, nhóm nhà khoa học Việt Nam và Hàn Quốc đã trồng được tại vườn sâm trên cao nguyên Lang Biang những củ sâm có khối lượng và hàm lượng hoạt chất tương đương vùng sâm bản địa Ngọc Linh.
Tiến sĩ Lê Thị Hồng Vân, giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: “Chúng tôi thành công nhờ áp dụng các biện pháp khoa học hiện đại, học hỏi kinh nghiệm lâu năm của Hàn Quốc. Năm 2014, mua hạt sâm giống từ vùng Ngọc Linh về trồng, kết quả nảy mầm phát triển chồi lá đạt hơn 80%. Tiếp tục chăm sóc đến năm thứ 3, sâm lần lượt nở hoa. Vườn sâm ở đây được chăm sóc trong hệ thống mái che nhân tạo, kiểm soát tối ưu độ chiếu sáng mặt trời, lượng nước tưới”.
Đây là bước khởi đầu cho tham vọng nhân rộng giống sâm quốc bảo. Dựa trên hiểu biết, kinh nghiệm từ quá trình nghiên cứu của nhóm về sâm Ngọc Linh, kết hợp công nghệ trồng nhân sâm Hàn Quốc, từ đó đưa ra công nghệ thích hợp trồng sâm bằng hạt trên đất bằng phẳng với thiết kế mái che nhân tạo. “Chúng tôi sẽ từng bước thiết lập quy trình trồng trọt chuẩn cho sâm Việt Nam, áp dụng GAP, tiến tới trồng hữu cơ organic và công nghệ 4.0 với mong muốn sâm Việt Nam được sản xuất đại trà”, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa Dược Đại học Tôn Đức Thắng, chia sẻ.
Một dược liệu quý khác trước đây chỉ có ở các vùng băng tuyết nay cũng đã nuôi trồng thành công ở Việt Nam là nấm đông trùng hạ thảo. Mô hình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của Công ty Hana Đà Lạt với diện tích sản xuất 2.000 m2, nguồn giống được nhập từ Hàn Quốc, công nghệ sản xuất bằng phương pháp nuôi trồng vô trùng tuyệt đối với nhiệt độ ổn định từ 18-20oC, độ ẩm 70-85%, ký sinh trên thân chủ nhộng tằm, đạt năng suất thu bình quân từ 1.500-1.800 kg nấm tươi/năm. Công ty áp dụng công nghệ sấy thăng hoa, máy nghiền bột, máy đóng gói…, thu lợi nhuận trung bình 400-500 triệu đồng/năm.
Theo Nhịp cầu đầu tư