Trong năm đầu tiên được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, trái sầu riêng tươi đã mang về kim ngạch kỷ lục – khoảng 2,5 tỉ USD. Đây là một minh chứng cho việc cần đẩy mạnh thương mại chính ngạch sang thị trường này.
Việt Nam vẽ lại bản đồ sầu riêng Trung Quốc
Xuất khẩu sầu riêng có thể coi là bài học điển hình cho câu chuyện làm ăn chính ngạch với thị trường Trung Quốc. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết năm 2022 dung lượng thị trường sầu riêng của nước này mới đạt trên 4 tỉ USD. Tuy nhiên từ đầu năm 2023, với sự tham gia của sầu riêng Việt Nam thì chỉ sau 10 tháng, dung lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc tăng lên tới 6,5 tỉ USD. Cụ thể, trong 10 tháng, Trung Quốc đã chi đến 2 tỉ USD nhập 452.000 tấn sầu riêng của Việt Nam, tăng 3.190% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần trái sầu riêng Việt Nam chiếm đến 1/3 tại thị trường Trung Quốc; 2/3 còn lại thuộc về Thái Lan. Có thể nói, Việt Nam đã nhanh chóng “vẽ” lại thị phần ở thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Theo các chuyên gia, để đạt được kỳ tích này, một yếu tố quan trọng là do hàng của Việt Nam đi bằng đường chính ngạch.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), phấn khởi phân tích: Tốc độ tăng trưởng của thị trường sầu riêng ở Trung Quốc rất mạnh; tính đến tháng 10, lượng tăng 88% và giá trị tăng 81% so với cùng kỳ năm 2022; có thể đạt tới con số 10 tỉ USD, thậm chí 20 tỉ USD trong một vài năm tới. Hiện tại, nước ta mới được cấp phép xuất khẩu sầu riêng tươi; sản phẩm đông lạnh và chế biến vẫn đang đàm phán. Nếu những mặt hàng này được cấp phép bên cạnh việc mở rộng mã số vùng trồng thì kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể tăng thêm đáng kể trong những năm tới. Bên cạnh đó, dừa và một số loại trái cây, rau quả khác của ta cũng đang trong quá trình thảo luận. Đó đều là những con đường chính ngạch đang được thúc đẩy để mở ra những cơ hội mới.
“Doanh nghiệp (DN) và nông dân cần tăng cường liên kết sản xuất để sản phẩm đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thị trường. Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc – Nam để gia tăng lợi thế của Việt Nam với các nước khác, đặc biệt là Thái Lan. Hàng hóa của Việt Nam chỉ khi có thương hiệu, nhãn mác và có thể truy xuất nguồn gốc mới có thể thâm nhập sâu vào thị trường nội địa và các kênh phân phối hiện đại của Trung Quốc”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Theo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương), trong 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Trung Quốc đạt gần 139 tỉ USD, giảm 6% cùng kỳ. Riêng xuất khẩu tăng hơn 5%, đạt 49,5 tỉ USD, tương đương 17% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Mỹ. Tuy nhiên, đó cũng mới chỉ là một phần của bức tranh tổng thể về thương mại giữa 2 nước.
Xuất chính ngạch lợi đủ đường
Giảm xuất tiểu ngạch, tăng xuất chính ngạch cũng là nhận định và mong muốn của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia trong thời gian qua nhằm ổn định thị trường, đảm bảo chất lượng và giá trị của hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, ngay cả việc được cấp phép xuất khẩu chính ngạch thì việc xâm nhập thị trường cũng không phải lúc nào cũng thuận lợi. Điển hình mới nhất là việc gặp khó khăn khi xuất khẩu tôm hùm xanh Việt Nam vào Trung Quốc bằng đường chính ngạch.
Bên cạnh đó, phía Trung Quốc thường thay đổi các yêu cầu về thông tin bao bì, cách thức đóng gói. Đây là điều làm doanh nghiệp mất nhiều thời gian và công sức. Để xuất được hàng, buộc phải tuân thủ yêu cầu nhập khẩu. Nếu Việt Nam có thể đàm phán với họ về các tiêu chuẩn quy chuẩn cho việc này thì sẽ tạo thuận lợi nhiều cho các doanh nghiệp.
Đại diện UBND tỉnh Lào Cai cũng thừa nhận Doanh nghiệp Việt còn gặp một số vấn đề như: khó khăn trong việc kiểm định, kiểm nghiệm và truy xuất nguồn gốc bao bì, nhãn mác, giấy chứng nhận đối với nông sản và thực phẩm… Hiện nay tại địa phương chỉ có cửa khẩu quốc tế đường bộ là được xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc. Trong khi đó cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai – Hà Khẩu đã được đầu tư kết cấu hạ tầng tốt nhưng chỉ vận chuyển được hơn 1.000 tấn hàng hóa/ngày và chưa được vận chuyển hoa quả.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, hiện chúng ta có hơn 70 cửa khẩu, nhưng số cửa khẩu khai thác hiệu quả còn ít. Lượng hàng thông quan sang bên kia biên giới chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường cũng như khả năng cung ứng hàng hóa của Việt Nam. Ông Diên đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt chủ trương của lãnh đạo hai nước về hợp tác toàn diện, hiệu quả, nhất là trong vấn đề kinh tế, thương mại và đầu tư. Cần xác định Trung Quốc là một nền kinh tế lớn, một thị trường tiêu thụ lớn và cũng là thị trường cung ứng phần lớn các nguyên liệu cho các ngành sản xuất để xuất khẩu. Vì vậy, cần chủ động tháo gỡ những khó khăn trong phạm vi thẩm quyền và phải kịp thời kiến nghị những giải pháp khắc phục.
TS Võ Hùng Dũng – Nguyên Giám đốc Liên đoàn Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI) Cần Thơ, đánh giá, những năm gần đây, vấn đề siết tiểu ngạch, tăng chính ngạch đã được đặt ra. Về nguyên tắc, xuất khẩu chính ngạch là chuẩn mực thương mại quốc tế, giúp lành mạnh hóa thị trường và nâng tầm từ quá trình sản xuất đến chất lượng của hàng hóa nước ta. Vì thế ông Dũng đồng ý quan điểm đã đến lúc Việt Nam nên kết thúc sớm thương mại tiểu ngạch.