Nông dân trồng mía lao đao khi nhà máy đường lớn nhất miền Tây đóng cửa

0
540
Nông dân trồng mía lao đao khi nhà máy đường lớn nhất miền Tây đóng cửa
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Xem thêm:

Nhà máy đường Phụng Hiệp (Hậu Giang) buộc lòng phải đóng cửa ngay trong vụ thu hoạch mía, đặc biệt là khi giá đường tăng cao, vì không đủ mía ép, một phần cũng do nhiều bà con trồng mía phá vỡ cam kết bán ra ngoài với giá cao hơn. Sau hơn ba tuần khi nhà máy đường ngưng hoạt động, giá mía tại vùng nguyên liệu miền Tây từ 2.200 – 2.500 giảm còn 900 – 1.300 đồng/kg, với giá này khiến nông dân trồng mía lao đao.

Thời điểm này đang vào vụ thu hoạch mía nhưng tại Huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), một trong những vùng nguyên liệu mía lớn nhất miền Tây, giá loại nguyên liệu này hiện chỉ còn khoảng hơn 1.000 đồng/kg, giảm gần một nửa so với tháng trước.

Mấy ngày qua, nông dân Nguyễn Văn Buôi, 55 tuổi, ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, rất lo lắng vì giá mía sụt giảm nhanh, nhưng thương lái vẫn kỳ kèo chưa chịu thu mua.

“Hôm giữa tháng 10, thương lái đến tận ruộng đặc cọc mua mía chục (làm nước giải khát) với giá 2.300 – 2.500 đồng nhưng nay chỉ còn 1.100 – 1.200 đồng/kg. Trong khi đó, một số thương lái mua mía nguyên liệu để bán cho nhà máy đường ở Trà Vinh cũng từ 900 – 1.000 đồng/kg, tùy chữ đường (chỉ số xác định chất lượng mía)”, ông Buôi nói, cho biết gia đình còn 0,5 ha mía chưa thu hoạch, năng suất khoảng 60 tấn. Với giá hiện tại, mỗi tấn mía ông mất lãi hơn một triệu đồng.

Nông dân trồng mía lao đao khi nhà máy đường lớn nhất miền Tây đóng cửa
Nông dân trồng mía ‘bị ép giá’ khi nhà máy đường lớn nhất miền Tây – Phụng Hiệp đóng cửa.

Nhiều nông dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp phản ánh, đối với những ruộng mía đã đặt cọc với giá cao trước đây, thương lái kỳ kèo yêu cầu giảm giá mới thu hoạch còn không họ bỏ tiền cọc (10 – 20 triệu cho sản lượng 50 – 100 tấn). Một số trường hợp, lái cho người vào ruộng mía của dân thu hoạch một phần rồi bỏ ngang. Sau đó các ruộng mía này khó có người mua, buộc lòng nông dân phải giảm giá. Đang vào chính vụ thu hoạch mía, nên nhiều diện tích không thu hoạch kịp có thể bị quá lứa, giảm năng suất và giá trị khiến cho giá mía càng giảm.

Ông Trần Văn Tuấn – Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cho biết niên vụ 2024, địa phương còn 3.100 ha đất trồng mía (giảm gần 3 lần so với 4 năm trước), lớn nhất miền Tây.

“Hiện địa phương còn gần 1.000 ha mía chưa thu hoạch, giá đang sụt giảm mạnh, bà con mất lãi lớn”, ông Tuấn nói và cho biết thương lái đồng loạt ép xuống nhân việc nhà máy đường tại Phụng Hiệp (lớn nhất miền Tây) với công suất 2.500 tấn mỗi ngày tạm ngưng hoạt động niên vụ 2023 – 2024, từ ngày 25/10.

Tỉnh Hậu Giang những năm 2010 – 2011 có diện tích mía nhiều nhất miền Tây với 15.000 – 16.000 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Phụng Hiệp và TP Vị Thanh. Tỉnh có 3 nhà máy đường lớn hoạt động lúc cao điểm tại TX Long Mỹ, TP Vị Thanh và TP Ngã Bảy.

Những năm sau đó, giá mía thấp, nông dân thu nhập bấp bênh, diện tích cây trồng này giảm dần. Hiện cả ba nhà máy đường này đều ngưng hoạt động vì thiếu hụt nguyên liệu.

Nông dân trồng mía lao đao khi nhà máy đường lớn nhất miền Tây đóng cửa
Giá đường thế giới cao vì thiếu hụt nguồn cung nhưng nông dân trồng mía và nhà máy đường ở Hậu Giang lại không được hưởng lợi.

ĐBSCL có hơn 50.000 ha đất trồng mía vào năm 2010, nay chỉ còn khoảng 15.000 – 16.000 ha trồng loại cây này. Toàn vùng từ chỗ có 10 nhà máy đường hoạt động, đến nay chỉ còn 2 nhà máy ở Trà Vinh và Sóc Trăng.

Câu chuyện của mía đường Phụng Hiệp cho thấy mối liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông vẫn còn nhiều vấn đề để hài hòa lợi ích giữa 2 bên. Nhưng điều nhận thấy rõ nhất là nếu một bên phá vỡ hợp đồng thì thiệt hại cả 2 bên cùng chịu chứ không chỉ doanh nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây