Con cá tầm được đưa vào Việt Nam năm 2005 và hiện nay nghề nuôi cá tầm đang phát triển rất mạnh mẽ. Con cá tầm thích sống trong môi trường nước sạch vì vậy thích hợp nuôi ở các tỉnh trung du miền núi, nơi có các hồ chứa lớn để tận dụng thực hiện nuôi cá tầm trong lồng.
Đặc điểm sinh học con cá tầm
Cá tầm là loài cá sống ở nước lạnh có giá trị kinh tế cao và được nhiều người yêu thích. Loại cá này xuất hiện trên Trái Đất hơn 100 triệu năm trước và có nhiều chủng loại. Ở Việt Nam nuôi nhiều nhất là nuôi cá tầm Nga, cá tầm Siberi…
Cá tầm còn là loài cá sống lâu, có trường hợp ghi nhận con cá tầm sống hơn 150 tuổi. Cá có bản tính hiền lành, chỉ ăn động vật đáy như giun, ốc…
Con cá tầm có kích thước trung bình 2,5 – 3,5m, thân thon dài, hai bên có vây không liền mạch và đuôi cá chẻ đôi dễ nhận dạng. Đặc biệt hơn cả cá tầm sở hữu chiếc mõm hình nêm cong, không có răng và có râu ở phần mũi.
Cá tầm không có xương như cá mập, cá đuối mà xương của chúng chính là những lớp sụn.
Màu sắc của cá tầm tùy thuộc vào từng loài và môi trường sinh sống, nhưng màu cơ bản là trắng xám hoặc đen xám.
Cá tầm là món ăn được lòng thực khách
Con cá tầm có thịt ngon, dai, béo ngậy, dễ tiêu hóa. Xương cá có thể ăn được vì được làm từ sụn. Thịt cá có chứa nhiều hàm lượng chất dinh dưỡng như DHA, protein, vitamin, photpho…rất tốt cho cơ thể. Cá tầm có thể chế biến ra rất nhiều món ăn ngon đa dạng và phong phú.
Có lẽ rất nhiều người đã nghe danh trứng cá tầm – món ăn đắt đỏ chỉ dành cho giới siêu giàu, thuộc top những món ăn đắt đỏ nhất thế giới và có giá lên đến chục triệu 1kg, có loại còn có giá lên đến hàng tỷ đồng. Trứng cá tầm đắt đỏ nhất là trứng của con cá tầm trắng.
Nuôi con cá tầm ở Việt Nam
Nhiều nơi ở Việt Nam có điều kiện khí hậu rất lý tưởng để thực hiện mô hình nuôi cá tầm. Sapa được coi là vùng đất lý tưởng để nuôi cá tầm bởi khí hậu lạnh nơi đây thích hợp cho cá tầm sinh sống.
Ngoài ra con cá tầm còn được nuôi nhiều ở Sơn La, Đà Lạt, Đăk Lăk,… Hay thậm chí sông Đà cũng đã nuôi thử nghiệm loại cá này rất thành công, cá sinh trưởng tốt.
Có thể nói nuôi cá tầm hiện đang là hướng đi đúng đắn nhờ thị trường tiêu thụ rộng lớn, được yêu thích nhờ thịt ngon và bổ dưỡng.
Kỹ thuật nuôi cá tầm trong lồng trên hồ chứa
Điều kiện để nuôi cá tầm
- Nhiệt độ: 16 – 28 độ C
- Oxy hoà tan: 6mg/lít
- Độ pH: 6,5 – 8
Chọn vị trí nuôi cá tầm
Nuôi con cá tầm nên chọn nơi có khí hậu từ 16 – 28 độ C, nguồn nước sạch, không gần cửa đập, không ảnh hưởng bởi bão lũ. Lồng bè nuôi cá phải đặt ở nơi có dòng chảy chậm, độ sâu cách đáy lồng hơn 10m.
Con cá tầm phải được nuôi trong môi trường nước sạch, không bị ô nhiễm hóa chất, cần có dòng chảy liên tục để đủ oxy. Có nhiều hồ thủy điện thích hợp nuôi cá tầm như hồ thủy điện Sơn La,…
Thiết kế lồng nuôi con cá tầm
Lồng nuôi tùy theo hình dạng mà có kích thước và thể tích khác nhau:
- Hình vuông: Diện tích là (4 – 6) x (4 – 6) x (4 – 6)m, thể tích là 64 – 216 m3
- Hình tròn: Có bán kính từ 5 – 10m, chiều cao 4 – 8m và thể tích 314 – 800
Hình dạng lồng nuôi
Hình tròn |
Hình vuông |
|
Ưu điểm | Có thể tích lớn, dễ dàng quản lý, có thể chịu đựng được những tác động của môi trường | Dễ dàng quản lý và thu hoạch, có chi phí đầu tư thấp |
Nhược điểm | Chi phí đầu tư lớn, khó kiểm tra cá, thích hợp ở nuôi ở những hồ thủy điện lớn | Khả năng chịu tác động của môi trường kém, thể tích nhỏ |
Các bộ phận của lồng nuôi
Khung lồng: Khung hình vuông có vật liệu làm bằng thép, sử dụng các ống kẽm và ống thép để hàn với nhau tạo thành khung. Khung hình tròn thì sử dụng ống nhựa HDPE Ø200 mm gắn bằng các đai thép mạ kẽm
Lồng lưới: Làm bằng lưới sợi PE, lưới chắc chắn, mắt lưới đều có kích cỡ 2a = 1 – 4 cm tùy kích cỡ và mật độ nuôi cá tầm
Phao: Sử dụng các thùng phuy nhựa hoặc thùng phuy thép 200 lít
Neo giữ lồng bè: Chắc chắn, khó bị đứt
Chọn giống nuôi
Chọn con giống kích cỡ 50 – 100 gr/con, tất cả con giống phải đồng đều, khỏe mạnh, không dị hình, không dị tật, bơi khỏe và lanh lợi.
Hiện nay có 4 loại cá tầm đang được nuôi ở Việt Nam cho bà con tham khảo:
- Con cá tầm Siberi: Tốc độ tăng tưởng tốt, khả năng thành thục muộn hơn cá tầm Nga, giá trị thịt và trứng cao
- Con cá tầm Nga: Tốc độ tăng tưởng nhanh, khả năng thành thục sớm, chất lượng trứng cao
- Con cá tầm Beluga: Chất lượng thịt trứng hàng đầu
- Con cá tầm Sterlet: Tăng trưởng chậm và kích thước nhỏ hơn 3 loại trên
Thả giống nuôi con cá tầm
Thả giống với mật độ 15 – 25 con/m3. Thả cá vào những lúc không mưa, sáng sớm hoặc chiều mát. Trước khi thả cần có thao tác ngâm bao chứa cá trong nước 20 phút để cá tầm làm quen với môi trường nước trong hồ nuôi.
Nuôi cá tầm cho ăn thức ăn viên công nghiệp
Để đảm bảo chất lượng thịt cá người ta thường cho cá tầm ăn thức ăn viên công nghiệp. Thức ăn viên có kích cỡ và chất lượng tùy theo từng giai đoạn:
Giai đoạn phát triển của cá (g/con) | Kích cỡ viên thức ăn (mm) | Hàm lượng protein (%) |
50 – 100 | 0,5 – 1,2 | 50 |
100 – 300 | 1 – 1,2 | 45 – 50 |
300 -500 | 1,5 – 2 | 40 – 45 |
500 – 1000 | 2 – 3 | 37 – 40 |
1000 – 1500 | 3 – 5 | 35 – 37 |
Lớn hơn 1500 | 5 – 10 | Lớn hơn 35% |
Để con cá tầm khỏe mạnh, có thể nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp trộn với cá mương, cá biển xay nhuyễn đúng tỉ lệ. Thức ăn cho cá tầm phải có hàm lượng đạm cao, ít chất béo hơn cá nuôi lấy giống.
Mỗi ngày cho cá ăn 4 lần/ngày vào các khung giờ cố định:
- Sáng: 8 – 9h
- Chiều: 13 – 14h
- Tối: 18 – 19h
- Đêm (cho ăn nhiều hơn): 22 – 23h
Vì lồng nuôi khá to nên cho cá ăn bằng cách sử dụng ống nước cách đáy lồng 1,5 – 2m rồi từ từ đổ thức ăn xuống, cách này vừa tránh lãng phí thức ăn mà vừa tiện lợi.
Trong quá trình cho ăn cần theo dõi lượng thức ăn của cá để dễ điều chỉnh, không để thức ăn dư thừa trong nước. Trời mưa thì giảm khẩu phần ăn của cá.
Vì là thức ăn viên nên bà con nhớ chú ý bảo quản kĩ thức ăn, tránh bị ôi mốc, cá ăn vào dễ bị bệnh lắm đấy!
Ngoài thức ăn công nghiệp cá tầm cũng có thể ăn thức ăn tươi như tôm, tép, trùn quế…
Quản lý, chăm sóc khi nuôi con cá tầm
Bà con phải cho cá tầm ăn uống đúng giờ, đo nhiệt độ nước, độ trong, độ PH hằng ngày, mỗi tháng phải cân tính và lọc cá theo trọng lượng để chọn lọc quản lý.
Định kỳ 20 – 30 ngày vệ sinh lồng nuôi cá tầm hoặc thay lưới, kiểm tra xem lưới có bị rách hay không. Lặn xuống kiểm tra lồng lưới xem cod thức ăn hay dị vật bám vào hay không. Vào mùa mưa lũ phải di chuyển lồng bè đến nơi an toàn.
Thường xuyên ghi chép và theo dõi cá, nếu thấy cá có biểu hiện lạ như màu sắc nhợt nhạt, bơi chậm…thì phải kiểm tra ngay. Cá có thể mắc các bệnh như viêm ruột, nhiễm trùng bánh xe nên bà con phải lưu ý.
Thu hoạch sau khi nuôi con cá tầm thành công
Bà con nuôi từ 10 – 12 tháng là cá tầm có thể đạt kích cỡ thương phẩm, tiến hành thu tỉa cẩn thận sao cho cá còn nguyên vẹn không bị xây xát. Nếu nuôi cá tầm để ươm giống thì khi đạt 3 – 5 kg tiến hành tách đàn, siêu âm xem có trứng hay không và tách riêng đực cái.
Chúc bà con làm giàu từ mô hình nuôi con cá tầm thành công!
Xem thêm: Kỹ thuật nuôi cá chiên