Chỉ trong 10 tháng năm 2023, Trung Quốc chi gần 6,5 tỷ USD nhập khẩu sầu riêng, tương đương gần 1.359.000 tấn. Trong đó, Trung Quốc chi gần 2 tỷ USD nhập khẩu sầu riêng Việt Nam.
Dẫn số liệu từ Hải quan Trung Quốc, Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, trong 10 tháng của năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu gần 1.359.000 tấn sầu riêng với tổng giá trị 6,373 tỷ USD; tăng 88,3% về lượng và tăng 81% giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, Thái Lan là nguồn cung sầu riêng lớn nhất ở thị trường Trung Quốc với số lượng đạt gần 904.000 tấn, tăng 27,7%, đạt giá trị 4,42 tỷ USD (tăng 27,7% so với cùng kỳ năm ngoái).
Việt Nam là nguồn cung sầu riêng lớn thứ 2 vào thị trường Trung Quốc nhưng đứng thứ nhất về tốc độ tăng trưởng. Sản lượng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc đạt gần 452.000 tấn, tăng 3,19%; giá trị đạt 1,94 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Đứng ở vị trí thứ ba là Philippines, với sản lượng chỉ đạt 3.333 tấn và giá trị gần 12 triệu USD.
So với lượng nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc năm 2022, thì năm 2023 tăng 88,3% về lượng và 81% về giá trị.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hiện giá trị sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc đã đạt được gần 50% so với Thái Lan. Trong khi Việt Nam mới chỉ được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sầu riêng tươi vào Trung Quốc còn Thái Lan có cả 3 mặt hàng là sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh và chế biến.
“Sắp tới, nếu Việt Nam được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc cả sầu riêng đông lạnh, chế biến và các mặt hàng rau quả khác đang trong quá trình đàm phán, đặc biệt dừa tươi, dừa chế biến… thì kim ngạch rau quả còn tăng mạnh hơn. Tôi nghĩ rằng, con số 6,5 tỷ USD vẫn chưa thể hiện hết tiềm năng của dung lượng thị trường sầu riêng Trung Quốc, nó có thể đạt tới 10 – 20 tỷ USD chỉ trong một vài năm tới”, ông Nguyên nhận định.
Theo ông Nguyên, để sầu riêng Việt Nam có thể thâm nhập sâu vào thị trường tiềm năng Trung Quốc, bên cạnh việc đẩy mạnh chất lượng sầu riêng, cấp mã vùng trồng, các địa phương cũng cần kiểm soát tốt để hạn chế tối đa tình trạng gian lận mã số vùng trồng, ảnh hưởng đến thương hiệu sầu riêng Việt Nam xuất khẩu.
Ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, người tiêu dùng Trung Quốc chuộng mua cả thùng sầu riêng, thay vì mua lẻ từng quả. Trong khi đó, mỗi thùng sầu riêng 6 quả có trọng lượng khoảng 18 – 20kg. Như vậy, trung bình mỗi quả sầu riêng từ 3 – 3,5kg.
Do đó, nhà vườn cũng như các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý về vấn đề này. Mặt khác, cách thu hoạch sầu riêng cũng cần phải thực hiện bài bản, đúng quy cách. Chỉ cần 1 phần gai sầu riêng bị dập, có thể khiến hơi ẩm, vi sinh vật có thể xâm nhập qua lớp biểu bì của sầu riêng bị phá vỡ, khiến hương vị sầu riêng không còn tươi ngon, thậm chí có thể gây thối khi phải bảo quản lâu… Hoặc sầu riêng dễ bị sượng khi gặp mưa, vì vậy, thời gian thu hoạch cần chậm lại vài ngày để quả sinh trưởng trở lại bình thường, đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, cần chú ý đến các biện pháp kiểm soát hiện tượng sượng cơm như bón phân bón vừa đủ, trồng sầu riêng bằng phương pháp nhân giống vô tính, quản lý lượng nước chặt chẽ, không để đất bị thừa nước, độ ẩm quá cao….
Để phát triển bền vững, ông Nam khuyến cáo, người dân, HTX, doanh nghiệp và toàn bộ ngành hàng sầu riêng cần tuân thủ những điều khoản trong Nghị định thư. Đặc biệt, quan tâm tới thị hiếu của thị trường xuất khẩu.
Sầu riêng ở Việt Nam bắt đầu từ tháng 3 vào chính vụ và kéo dài đến tháng 5 ở khu vực Tây Nam bộ; từ tháng 4 – 7 ở khu vực miền Đông Nam bộ thời điểm sầu riêng chính vụ; từ tháng 7-10 là chính vụ của khu vực Tây Nguyên; từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau sầu riêng nghịch vụ ở miền Tây cho thu hoạch. Có thể nói, đây chính là lợi thế của sầu riêng Việt Nam nói riêng và rau quả Việt Nam nói chung.
Nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu trái cây nhiệt đới của Trung Quốc vẫn còn rất lớn và tăng trưởng hàng năm. Dự báo sầu riêng sẽ chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trong các loại trái cây Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.