Ấn Độ mua gần một nửa lượng quế xuất khẩu của Việt Nam

0
323
Ấn Độ mua gần một nửa lượng quế xuất khẩu của Việt Nam
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Năm 2023, gần 90 nghìn tấn quế Việt Nam đã được xuất khẩu, trong số đó, Ấn Độ chiếm tới 42,6%, gần một nửa lượng quế được xuất khẩu sang thị trường này.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong tháng cuối cùng của năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 7.443 tấn quế, trị giá 20,9 triệu USD, tăng 3,4% về lượng so với tháng 11/2023. Ấn Độ và Hoa Kỳ tiếp tục là 2 thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam, đạt lần lượt 2.363 tấn và 1.113 tấn trong tháng 12/2023.

Tính chung trong cả năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 89.383 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 260,9 triệu USD, tăng 14,6% về lượng và nhưng giảm 10,7% về giá trị so với năm 2022. Quế xuất khẩu tăng về lượng nhưng kim ngạch lại giảm là do giá giảm mạnh. Giá bình quân quế xuất khẩu trong năm 2023 chỉ đạt 2.918 USD/tấn, giảm 22,1% so với năm 2022.

Ấn Độ mua gần một nửa lượng quế xuất khẩu của Việt Nam
Ấn Độ và Hoa Kỳ tiếp tục là 2 thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam, đạt lần lượt 2.363 tấn và 1.113 tấn trong tháng 12/2023.

Ấn Độ là thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam khi đạt 38.038 tấn (tăng 14% so với năm 2022) và chiếm 42,6% tổng lượng quế xuất khẩu. Tiếp theo là các thị trường Hoa Kỳ chiếm 11,4% và đạt 10.163 tấn; Bangladesh chiếm 6,2% và đạt 5.564 tấn, tăng 32,1%….

Việt Nam là quốc gia sản xuất quế đứng đầu thế giới. Với diện tích khoảng 180.000 ha, chủ yếu ở miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ….

Năm 2022, quế Việt Nam chiếm 18,2% về sản lượng nhưng chiếm 34,4% về thị phần xuất khẩu quế toàn cầu. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu quế số 1 trên thế giới với kim ngạch đạt trên 292 triệu USD.

Ông Triệu Văn Lực – Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nhiều địa phương có đủ điều kiện trồng, phát triển cây quế và xác định đây là một trong những cây lâm sản ngoài gỗ cho giá trị kinh tế cao. Cây quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, đồng thời đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương.

Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam cho biết, thị trường có nhu cầu các sản phẩm giá trị gia tăng, hữu cơ, thực phẩm chức năng để tăng khả năng miễn dịch, chống chọi dịch bệnh như gừng, nghệ, quế….

Ấn Độ mua gần một nửa lượng quế xuất khẩu của Việt Nam
Việt Nam là quốc gia sản xuất quế đứng đầu thế giới, với diện tích khoảng 180.000 ha.

Quế là sản phẩm có nhiều tiềm năng xuất khẩu, nhưng sản phẩm cũng chịu tác động trước xu hướng tiêu dùng xanh, giảm khí phát thải, carbon; sản phẩm phải truy xuất nguồn gốc; đảm bảo chất lượng, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Chẳng hạn Mỹ, thị trường này kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các chất cấm.

Tuy đứng đầu thế giới về xuất khẩu quế, nhưng theo bà Hoàng Thị Liên, Việt Nam chưa có định hướng chiến lược phát triển bền vững ở cấp quốc gia; thiếu cơ chế để đưa ra những nghiên cứu nhằm kịp thời phản hồi yêu cầu của thị trường.

Chất lượng cây giống còn bỏ ngỏ, chưa có nghiên cứu giống đầu dòng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho sản lượng quế Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều so với năng suất quế thế giới, đặc biệt là Trung Quốc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây