Dừa miền Tây lại rớt giá

0
208
Dừa miền Tây lại rớt giá
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Vào chính vụ nhưng dừa miền Tây xuất khẩu “nhỏ giọt”, thương lái chỉ thu mua 1.500 – 2.900 đồng mỗi quả. Nông dân trồng dừa miền Tây đang khốn đốn vì rớt giá kéo dài, nhà vườn thua lỗ.

Ông Phan Văn Định, 68 tuổi (Bình Thành, Giồng Trôm) có vườn dừa 2.000 m2 hơn 10 năm tuổi. “Mỗi tháng bán một lần chỉ khoảng 1 triệu, chỉ đủ chi phí phân thuốc chứ không có lãi”, Ông Định nói.

Gia đình ông Định trồng giống dừa dâu chuyên thu hoạch quả khô ép dầu. Thời “vàng son”, dừa khô khoảng 10.000 đồng một trái, ông cùng nhiều nhà vườn ăn nên làm ra. Tuy nhiên, từ sau dịch Covid-19, giá dừa khô liên tục lao dốc, có lúc chỉ hơn 1.000 đồng một trái, ông đổi “chiến thuật” không để quả khô, chuyển sang hái dừa tươi bán.

Mỗi năm đến mùa mưa, dừa cho trái nhiều nên giá có phần giảm so với thời điểm khác. Những năm trước, mùa này giá dừa tươi thấp nhất 60.000 -70.000 đồng/chục 12 quả. Nhưng mấy tháng nay, ông Định kể, thương lái chỉ thu mua dừa tươi với giá 30.000-35.000 đồng một chục, dừa cỡ nhỏ 2, 3 trái giá bằng một quả.

Dừa miền Tây lại rớt giá
Bà con trồng dừa cho biết, số dừa vừa thu hoạch mà theo ông tiền thu về chỉ đủ chi phí phân thuốc.

Cách đó khoảng 2 km, vườn dừa 6.000 m2 của ông Lê Văn Trọng, 53 tuổi, đã thu hoạch xong. Tuy nhiên, thay vì thương lái đến chở đi, hơn 2.000 quả vẫn nằm dọc đường 2 tuần nay. Cạnh đó, khoảng 500 quả dừa thu hoạch đợt trước vỏ cũng đã chuyển màu xám đen, một số đã lên chồi xanh.

Chủ vườn này trồng giống dừa đỏ gốc “Mã Lai” khoảng 6 năm trước, sau 3 năm bắt đầu cho trái. Giống dừa này sai quả nhưng kích thước lại nhỏ hơn nên bị thương lái chê, mua với giá thấp hơn 10.000-20.000 đồng một chục.

Mấy tháng gần đây, với giống dừa đỏ, thương lái chỉ mua dừa tươi với giá khoảng 1.500 đồng một quả. Giá thấp không có lãi, ông Trọng cố neo dừa trên cây chờ lên giá nhưng không khả quan, số dừa trong vườn sau đó quá lứa bán tươi, đành phải hái xuống tập kết dọc đường chờ bán dừa khô làm giống.

Ông Bùi Dương Thuật – Giám đốc Công ty Xuất Nhập khẩu Trái cây Mekong (Châu Thành, Bến Tre), cho biết, công ty vẫn thu mua dừa xiêm xanh và dừa xiêm đỏ, tỷ lệ dừa xanh có nhỉnh hơn chút đỉnh. Tuy nhiên, dù là giống nào, ông nói cũng phải đạt tiêu chuẩn mỗi quả từ 1,4 kg – 1,8 kg. Dừa đạt chuẩn sẽ được công ty bao tiêu với giá 70.000 đồng/chục, cao gấp đôi thị trường.

Ông Huỳnh Quang Đức – Phó giám đốc Sở NN & PTNT Bến Tre cho biết, đang mùa mưa, dừa vào vụ thu hoạch với sản lượng lớn nên giá có phần giảm theo quy luật thị trường. “Hiện chỉ chờ ký các nghị định thư để xuất khẩu dừa chính ngạch sang Trung Quốc vốn có sức tiêu thụ lớn, khi đó đời sống người trồng dừa sẽ khấm khá hơn”, ông Đức nói.

Dừa miền Tây lại rớt giá
Ngoài xuất sang Mỹ còn khá khiêm tốn, dừa Bến Tre chủ yếu do các thương lái trong nước thu mua.

Ngành nông nghiệp nhiều năm qua khuyến cáo trồng giống dừa xiêm xanh của địa phương để đảm bảo chuẩn thu mua. Tuy nhiên, hiện có khoảng 10% diện tích dừa nông dân trồng tự phát giống ngoại lai không đảm bảo tiêu chuẩn nên đầu ra gặp khó.

Như gia đình chị Nguyễn Thanh Thảo (39 tuổi, Châu Bình, Giồng Trôm) có 7.000 m2 “dừa đỏ Mã Lai” vừa thu hoạch được 2 năm. 6 năm trước, dừa khô rớt giá, gia đình chị đốn bỏ diện tích dừa cũ, trồng dừa đỏ uống nước khi đó đang có giá cao với hy vọng đổi đời. Gần đây, dừa đỏ trái nhỏ bị thương lái chê, nhà chị lại mua dừa xiêm xanh giống về trồng xen trong vườn, dự định sang năm đốn bỏ dừa đỏ, quay trở lại với dừa truyền thống.

Bến Tre có trên 74.000 ha dừa, chiếm 80% diện tích dừa miền Tây và 50% dừa cả nước. Ngoài xuất sang Mỹ còn khá khiêm tốn, dừa Bến Tre chủ yếu do các thương lái trong nước thu mua, thị trường lớn nhất là Trung Quốc đã đến địa phương khảo sát vùng trồng, cơ sở đóng gói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây