Xuất khẩu chuối gặp khó – Không chỉ riêng Việt Nam

0
447
Xuất khẩu chuối gặp khó - Không chỉ riêng Việt Nam
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Để tránh tình trạng dội chợ, các doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần hỗ trợ xúc tiến thương mại để mở thêm nhiều thị trường xuất khẩu cho trái chuối.

Xuất khẩu chuối gặp khó

Những ngày qua tại một số khu vực ở TP Hồ Chí Minh xuất hiện các điểm bán “giải cứu” chuối xuất khẩu với giá 6.000 đồng/kg.

Các tiểu thương cho biết, chuối được mua từ nhà vườn ở Đồng Nai – vùng chuyên canh chuối xuất khẩu. Hầu hết chuối được bán có kích cỡ lớn và quả còn xanh và lượng tiêu thụ khá chậm. Ông Đỗ Ngọc Chất – Giám đốc Công ty TNHH Việt Á Agrifood cho biết, cùng thời điểm này năm ngoái, giá chuối tại nhà vườn hơn 10.000 đồng/kg, lãi rất lớn nên năm nay diện tích chuối tăng mạnh.

Ngoài Việt Nam thì chuối ở Lào, Campuchia, Philippines cũng tăng sản lượng và đều hướng đến thị trường Trung Quốc. “Hiện sức mua tại Trung Quốc cũng rất yếu nên không thể tiêu thụ hết lượng chuối tăng lên. Tại vườn, giá chuối chỉ còn 1.000 – 2.000 đồng/kg”, ông Chất nói.

Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho biết, chuối là một trong ba mặt hàng xuất khẩu chính sang Trung Quốc, chiếm khoảng 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này. Đáng chú ý cuối năm 2022 Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư xuất khẩu chuối tươi sang Trung Quốc. Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tính đến hết tháng 11/ 2023, Việt Nam xuất khẩu chuối đạt hơn 270.000 USD, giảm 2,6% so với 2022.

Năm 2023, xuất khẩu chuối thắng lớn vì thị trường Trung Quốc tăng nhập khẩu mặt hàng này theo đường chính ngạch. Nông dân trồng chuối đã kịp thời đáp ứng được các tiêu chuẩn để xuất khẩu. Giá chuối xuất khẩu trong năm 2023 lên đến 13 – 14 ngàn đồng/kg, nhiều nhà vườn trúng lớn, lợi nhuận lên đến 300 – 400 triệu đồng/ha/năm.

Xuất khẩu chuối gặp khó - Không chỉ riêng Việt Nam
Người tiêu dùng giải cứu chuối xuất khẩu.

Thấy mặt hàng này cho lợi nhuận cao, thị trường hút hàng nên nhiều nông dân ồ ạt tăng diện tích. Có những hộ gia đình thuê 1 – 6ha đất để đầu tư trồng chuối xuất khẩu, vì nghĩ chuối đã xuất khẩu được chính ngạch sẽ ổn định lâu dài và Trung Quốc là thị trường lớn nên còn nhiều cơ hội tăng số lượng.

Thế nhưng, gần đây, xuất khẩu chuối gặp khó, từ cuối tháng 12/2023 đến nay liên tục rớt giá, hiện chỉ còn 1 – 2 ngàn đồng/kg. Giá chuối giảm sâu nhưng nhiều nhà vườn vẫn không tìm được đại lý mua chuối. Với giá chuối như trên, nông dân trồng chuối cấy mô bị thua lỗ nặng, vì vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu đồng.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng chuối dội chợ trong thời gian gần đây, ông Nguyên cho biết, năm nay mùa đông của Trung Quốc đến trễ và không lạnh lắm so với những năm trước nên chuối của quốc gia này đảm bảo mẫu mã, chất lượng tốt.

Theo ông Nguyên, những năm trước, mùa đông tại Trung Quốc đến sớm và lạnh, nhiệt độ dưới 12°C khiến hầu hết chuối bị bầm và không sử dụng được. Tuy nhiên, năm nay nhiệt độ luôn cao hơn 13°C khiến nguồn cung chuối nội địa khá dồi dào.

Bên cạnh đó, hàng của Campuchia, Việt Nam nhập khẩu sang nhiều nên cung vượt cầu. Hiện giá chuối tại Trung Quốc cũng đã giảm 40% so với cùng kỳ. “Tình trạng xuất khẩu chuối gặp khó xảy ra với tất cả các quốc gia như Thái Lan, Philippines, Campuchia chứ không riêng Việt Nam. Dự báo việc tiêu thụ chuối sẽ còn khó khăn trong 1-2 tháng tới”, ông Nguyên nhấn mạnh và cho biết.

Tránh lệ thuộc vào một thị trường

Mặc dù chuối đã được xuất khẩu chính ngạch nhưng đa số vào thị trường Trung Quốc, còn những thị trường khác lại xuất khẩu rất ít. Điều này khiến trái chuối xuất khẩu phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Việc này sẽ gây rủi ro cao, bởi chỉ cần thị trường Trung Quốc giảm nhập khẩu là trái chuối của Việt Nam sẽ rơi vào cảnh không bán được sản phẩm, giá giảm sâu, nông dân bị thiệt hại nặng nề.

Xuất khẩu chuối gặp khó - Không chỉ riêng Việt Nam
Mặc dù chuối đã được xuất khẩu chính ngạch nhưng đa số vào thị trường Trung Quốc, còn những thị trường khác lại xuất khẩu rất ít.

Để thoát khỏi tình trạng trên, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, các địa phương cần quy hoạch vùng trồng chuối phù hợp và khuyến cáo người dân không nên ồ ạt tăng diện tích. “Lâu nay, nhiều nông dân hay chạy theo những cây đang có giá trị cao trên thị trường mà chưa tìm hiểu kỹ đầu ra nên hay rơi vào rủi ro”- ông Nguyên nói.

Ngoài ra, theo ông Nguyên, các doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần hỗ trợ xúc tiến thương mại để mở thêm nhiều thị trường xuất khẩu cho trái chuối cũng như các loại trái cây khác. Như vậy sẽ giảm bớt rủi ro, vì khi thị trường này giảm sẽ có thị trường khác thay thế. Đồng thời, cần thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến các loại trái cây tươi để nâng giá trị cho sản phẩm và không lo trái cây sản xuất ra không bán được.

Là sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của ngành rau quả Việt Nam, những năm qua, diện tích trồng chuối của Việt Nam không ngừng tăng nhanh. Điển hình như tại Đồng Nai, năm 2016 toàn tỉnh chỉ có 7,3 ngàn ha, nhưng đến cuối năm 2023 đã tăng lên 14 ngàn ha. Diện tích trồng chuối tăng nhanh, tuy đã xuất khẩu được chính ngạch nhưng đa số vào thị trường Trung Quốc, còn những thị trường khác lại xuất khẩu rất ít. Điều này khiến trái chuối xuất khẩu phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây