Ấn Độ gia hạn hạn chế xuất khẩu đường khi nguồn cung suy giảm

0
277
Ấn Độ gia hạn hạn chế xuất khẩu đường khi nguồn cung suy giảm
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Ấn Độ – Quốc gia sản xuất đường lớn thứ hai thế giới, đã gia hạn các hạn chế xuất khẩu đường trong nỗ lực mới nhằm bảo vệ nguồn cung trong nước, một động thái có thể thắt chặt thị trường toàn cầu và làm tăng chi phí cho ngành thực phẩm.

Cục Ngoại thương Ấn Độ thông báo vào hôm 18/10 gia hạn lệnh hạn chế xuất khẩu đường sau ngày 31/10 với mục tiêu hạ nhiệt giá đường nội địa. Theo đó, việc xuất khẩu đường thô, đường trắng, đường tinh luyện và đường hữu cơ sẽ tiếp tục bị siết.

Hạn chế xuất khẩu đường của Ấn Độ đã được áp dụng trong hai năm qua. Trong thời gian này, Ấn Độ phân bổ hạn ngạch xuất khẩu cho các nhà máy. Trong niên vụ 2022/2023 (kết thúc tháng 9 năm 2023), Ấn Độ chỉ cho phép các nhà máy xuất khẩu 6,2 triệu tấn đường, sau khi cho phép họ bán kỷ lục 11,1 triệu tấn vào niên vụ 2021/2022.

Theo thông báo, hạn chế này không áp dụng đối với đường được xuất khẩu sang Liên minh châu Âu và Mỹ theo một số hệ thống hạn ngạch.

Ấn Độ gia hạn hạn chế xuất khẩu đường khi nguồn cung suy giảm
Nông dân bang Maharashtra (Ấn Độ) chất mía lên xe kéo. Ảnh: Reuters.

Các nguồn tin chính phủ nói với Reuters vào tháng 8 rằng, quốc gia Nam Á này sẽ cấm hẳn các nhà máy xuất khẩu đường trong mùa bắt đầu vào tháng 10 này. Đây sẽ là lần đầu tiên Ấn Độ cấm xuất khẩu đường trong 7 năm qua, do lượng mưa thiếu hụt khiến sản lượng mía đường giảm sút.

Một thương nhân tại Mumbai cho biết, “Lệnh hạn chế xuất khẩu đã được dự báo từ trước. Thay vì kỳ hạn một năm như thường lệ, lần này chính phủ áp lệnh không giới hạn. Năm nay không thể có quota xuất khẩu, vì mục tiêu là giảm giá trước bầu cử”. Năm bang tại Ấn Độ sẽ tổ chức bầu cử tháng tới, để chuẩn bị cho cuộc bầu cử toàn quốc năm sau.

Giá đường tại Ấn Độ hiện nay đang ở mức cao nhất hơn 7 năm. Sản lượng được dự báo giảm 3,3% xuống 31,7 triệu tấn mùa vụ 2023-2024, do lượng mưa giảm sút tại các bang trồng mía hàng đầu là Maharashtra và Karnataka.

Hợp đồng tương lai giá đường thô đang dao động gần mức cao nhất kể từ năm 2011 do lo ngại về nguồn cung sụt giảm từ Ấn Độ và Thái Lan. Mặc dù lệnh cấm có thể làm giảm giá nội địa của Ấn Độ nhưng lại giáng một đòn mạnh vào các nhà sản xuất toàn cầu về mọi thứ.

Ấn Độ gia hạn hạn chế xuất khẩu đường khi nguồn cung suy giảm
Nguồn cung đường tại Ấn Độ.

Ấn Độ hiện là nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới sau Brazil. Các khách hàng chính của nước này gồm Bangladesh, Indonesia, Malaysia và Dubai. Lệnh hạn chế của họ vì thế có thể khiến nhiều hãng sản xuất trên thế giới đau đầu, từ nước ngọt, chocolate đến bánh kẹo.

Quyết định của Ấn Độ cũng có thể làm tăng giá đường tham chiếu tại New York và London. Giá tại các thị trường này vốn đã giao dịch ở mức đỉnh nhiều năm, gây lo ngại lạm phát thực phẩm trên toàn cầu tăng tốc.

Vào cuối tháng 8, Ủy ban Điều phối Kinh tế (ECC) Pakistan cũng đã thông qua lệnh cấm xuất khẩu đường nhằm mang lại sự ổn định về giá trên thị trường địa phương. Lệnh cấm được đưa ra theo đề nghị của Bộ An ninh lương thực quốc gia Pakistan.

Diễn biến trên xảy ra khi giá đường tại Pakistan tăng mạnh. Thành phố cảng miền Nam Karachi đăng ký mức tăng 23 Rs/kg chỉ trong tháng 8 do giá bán buôn đã tăng lên 157 Rs/kg. Tại Quetta, giá đường tăng 10 Rs/kg trong khi mặt hàng này được bán với giá 160 Rs/kg ở Lahore.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây