Bệnh vàng lá thối rễ là một trong những loại bệnh gây hại nghiêm trọng nhất trên cây có múi. Bệnh có khả năng lây lan rộng và gây thiệt hại lớn về kinh tế. Để tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này, bà con đừng vội lướt qua bài viết của Agri.vn nhé!
Bệnh vàng lá thối rễ là gì ?
Là bệnh này do nhiều tác nhân gồm Fusarium, Pythium, Phytophthora và tuyến trùng gây ra, trong đó sự tương tác giữa nấm Fusarium và tuyến trùng là quan trọng nhất. Bệnh không xuất hiện ngay mùa mưa, lúc đất bị oi nước, mà bệnh thường xuất hiện nghiêm trọng trong đầu mùa nắng.
Dấu hiệu nhận biết khi cây trồng bị bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi
-
Nhận biết trên lá, trái
Khi bệnh mới xuất hiện, lá của cây vẫn bình thường nhưng gân lá có màu vàng nhạt, phiến lá ngả màu vàng cam và dễ rụng, khi có gió lá già phía dưới bị rụng trước sau đó đến lá trên; Chất lượng trái kém và bị rụng sớm; Bệnh nặng có thể làm chết cả cây, nếu không chữa trị kịp thời.
-
Nhận biết trên rễ
Nhánh cây bị bệnh hướng nào thì rễ cũng thường bị hư thối ở hướng đó. Bộ rễ bị thối từ rễ nhỏ lan dần vào trong rễ lớn. Rễ bị thối có màu nâu vỏ rễ tuột ra khỏi phần gỗ, bên trong có sọc nâu lan dần vào rễ cái. Rễ mất khả năng hấp thu nước và dinh dưỡng nuôi cây từ đó làm cành bị chết khô. Khi bị bệnh nặng, tất cả rễ đều bị thối đen và chết, cuối cùng là chết toàn cây.
Điều kiện phát sinh và phát triển bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi
Đất trồng canh tác lâu năm, đất có thành phần sét, đất bị chua (pH thấp từ 3,9-4,5), đất không bón vôi, đất sử dụng nhiều phân hóa học, đất ít sử dụng phân hữu cơ là những môi trường dễ phát triển bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi.
Nấm Fusarium solani cần có điều kiện thích hợp để phát triển và gây hại, đất bị oi nước lâu dài thì bệnh mới phát triển mạnh. Vì khi chủng nấm Fusarium solani vào cây trong điều kiện ráo nước (thoáng khí) thì sau 3 tháng cây vẫn không thể hiện triệu chứng của bệnh, nhưng nếu tạo điều kiện oi nước thì sau một tháng thì bệnh đã xuất hiện và gây triệu chứng vàng lá, rụng lá và thối rễ trên cây có múi.
Sau các đợt mưa dài ngày, đất khó thoát nước và bị nước chiếm các tế khổng lâu dài nên rơi vào tình trạng yếm khí do oi nước. Tình trạng này kéo dài làm cho rễ cây trồng cạn phải hô hấp yếm khí lâu dài, các chất độc do các tiến trình sinh hóa trong tế bào rễ sinh ra, không được oxít hoá để giải độc, tích luỹ trong tế bào và gây ngộ độc cho tế bào.
Từ đó các tế bào ở phần rễ non, nơi các tiến trình sinh hóa xảy ra mạnh nhất, sẽ bị chết dần từng tế bào và tạo ra các mảng thối của rễ non. Nấm Fusarium solani có cơ hội xâm nhập vào rễ thông qua các vết thối này và bắt đầu tấn công dần phần rễ này. Kể từ khi bắt đầu xâm nhập cho đến khi triệu chứng bệnh thể hiện cần có thời gian ủ bệnh vài tháng, do đó ở các vườn, bệnh không xuất hiện ngay mùa mưa, lúc đất bị oi nước, mà bệnh thường xuất hiện nghiêm trọng trong đầu mùa nắng .
Biện pháp phòng trừ bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi
– Chọn cây giống sạch bệnh. Vườn trồng phải có hệ thống, rãnh thoát nước tốt
– Tỉa cành, tạo hình cho cây ngay khi cây còn nhỏ, thừng xuyên cắt tỉa, loại bỏ những cành già yếu, sâu bệnh. Khi cây chớm bệnh cắt bỏ rễ bị bệnh (bôi thuốc vào vết cắt để hạn chế bệnh lây lan) giúp cây phục hồi trở lại.
– Sớm loại bỏ những cây bệnh nặng, không có khả năng phục hồi, tiến hành xử lý đất trước khi trồng cây mới.
– Nên rải vôi trước khi trồng, tưới thuốc gốc đồng để loại trừ mầm bệnh có trong đất. Hàng năm nên cung cấp thêm vôi xung quanh gốc, quét vôi vào gốc cây trên 50cm vào cuối mùa nắng.
– Kiểm tra vườn thường xuyên nhằm phát hiện sớm nhất bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi (bưởi, cam, chanh, quýt.. ) nhằm có biện pháp quản lý kịp thời.
– Nên bón kết hợp nhiều phân hữu cơ, đặc biệt là phân chuồng hoai mục (20-40kg/gốc) với Nấm đối kháng Trichoderma NANO nhằm tiêu diệt mầm bệnh gây hại có trong đất. Đồng thời sử dụng thêm Chế phẩm Vườn Sinh Thái kết hợp phun qua lá và tưới gốc để tăng thêm sức đề kháng cho cây.
– Xới nhẹ xung quanh gốc và tưới thuốc trừ bệnh khi cây chớm bệnh kết hợp với thuốc trừ tuyến trùng.
– Cây mới chớm bệnh tưới phun thuốc có hoạt chất Thiram, Benomyl, hoặc Mancozeb + Metalaxyl, hoặc Cholorothalonil, hoặc Propineb. Hoặc thay thế thuốc có haotj chất Carbendazim hay Triazole, các thuốc có Đồng. Lưu ý, chỉ sử dụng nấm đối kháng Trichoderma sau khi xử lý thuốc 15-20 ngày.
Chúng tôi mong rằng qua bài viết này, bà con sẽ hiểu rõ hơn về căn bệnh vàng lá thối rễ. Nếu bà con muốn cập nhật thêm nhiều thông tin về nông nghiệp, đừng quên nhấn theo dõi Agri.vn nhé!