Giá lúa gạo tăng cao, nông dân lại bỏ tôm trồng lúa

0
139
Giá lúa gạo tăng cao, nông dân lại bỏ tôm trồng lúa
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Hiện tại, với giá lúa gạo tăng cao liên tục trong khi con tôm cứ duy trì mức giá quá thấp trong một thời gian dài, nhiều nông dân ven biển tại ĐBSCL đã đua nhau bỏ nuôi tôm để chuyển sang trồng lúa, khiến diện tích lúa tăng mạnh.

Trong khi đó, không ít doanh nghiệp xuất khẩu gạo cảnh báo tình trạng ký hợp đồng bán “gạo non” tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu giá lúa trong vụ đông xuân không những không giảm như dự báo của các doanh nghiệp này mà thậm chí tiếp tục tăng, các hợp đồng bán “gạo non” chắc chắn sẽ bị thua lỗ, thậm chí doanh nghiệp sẽ không có hàng giao cho đối tác, gây mất uy tín đối với thương hiệu gạo Việt.

Diện tích lúa tăng mạnh trên đất nuôi tôm

Anh Đặng Trần An (ngụ xã Đông Hưng, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) cho biết, loại lúa lai F1 được thương lái mua vào với giá 9.500 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg so với giá lúa được anh bán cách nay hơn bốn ngày.

“Năm nay nông dân vùng An Minh phấn khởi vì giá lúa tăng mạnh, thu nhập bà con cũng tăng cao hơn. Vùng này chỉ làm một vụ lúa, hai vụ tôm, mùa này lúa có giá nên nông dân phấn khởi lắm, lợi nhuận hơn 40 triệu đồng/ha”, anh An nói.

Ông Võ Hoàng Nguyên – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang cho hay, do nuôi tôm thua lỗ liên tục, nhiều nông dân của Vĩnh Thuận đã chuyển đổi từ nuôi tôm sang trồng lúa rất nhiều.

Trong đó, nông dân Vĩnh Thuận đang thu hoạch lúa vụ mùa hơn 3.600ha, còn thu hoạch lúa đông xuân sớm 3.200ha. Giống lúa chủ lực là ST24 và ST25, với năng suất hơn 5,6 tấn/ha, giá bán hơn 10.000 đồng/kg.

Giá lúa gạo tăng cao, nông dân lại bỏ tôm trồng lúa
Giá gạo xuất khẩu cao, giá lúa tăng mạnh và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

“Diện tích lúa mùa 2023 – 2024 của huyện Vĩnh Thuận đã tăng hơn 600 – 700ha so với năm trước. Vùng này bà con nuôi tôm có năng suất nhưng giá cả quá thấp, trong khi lúa có giá nên nhiều nông dân đã chuyển sang trồng lúa. Vĩnh Thuận vẫn khuyến cáo bà con nông dân một vụ tôm, một vụ lúa để đảm bảo quy hoạch và giúp đất không còn bạc màu, nuôi tôm hiệu quả”, ông Nguyên nói.

Một lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang cho biết vụ mùa 2023 – 2024 địa phương này gieo trồng 72.395ha, tăng hơn 1.300ha so với kế hoạch là 71.000ha. “Vùng An Biên, An Minh chuyên liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sản xuất lúa ST24, ST25 để xuất khẩu. Đặc biệt, vùng huyện An Biên còn có mô hình sản xuất lúa ST hữu cơ mang lại lợi nhuận cao cho bà con nông dân”, vị này nói.

Nhiều rủi ro với các hợp đồng bán “gạo non”

Ông Phạm Thái Bình – Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Công nghệ cao (TP Cần Thơ) – cho hay do nguồn hàng khan hiếm, giá gạo Việt Nam cao nhất từ trước đến nay, với giá xuất khẩu của hầu hết doanh nghiệp đều không dưới 700 USD/tấn. Tuy nhiên, không có doanh nghiệp nào mua bán được do giá lúa tăng cao.

Việt Nam gần như không còn hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp chủ yếu đang giao hàng cho đối tác đã ký kết hợp đồng trước đó. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp chưa có hàng nhưng vẫn ký hợp đồng bán “gạo non” trước cho đối tác.

“Với dự báo giá lúa vụ đông xuân này có khả năng giảm xuống nên một số doanh nghiệp ký hợp đồng bán “gạo non” rất nhiều rủi ro. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ngành gạo thua lỗ nặng do không có gạo giao cho đối tác”, ông Bình nói.

Giá lúa gạo tăng cao, nông dân lại bỏ tôm trồng lúa
Nhiều nông dân cấy lúa trên đất chuyên nuôi tôm, hi vọng sẽ được chuyển đổi mô hình lúa – tôm.

Theo ông Bình, gạo thơm đang được Trung An bán với giá 800 – 1.000 USD/tấn tùy loại. Lúa Đài thơm 8 được công ty này thu mua với giá 9.300 – 9.600 đồng/kg, tương đương 780 USD/tấn. Với giá lúa như hiện nay, theo ông Bình, không thể xuất khẩu thấp hơn giá 780 USD/tấn.

Riêng gạo ST được xuất khẩu với giá trên 1.000 USD/tấn, chứ không thể thấp hơn. Doanh nghiệp này cũng đang mua lúa ST24, ST25 ở vùng huyện An Biên, An Minh với giá từ 10.500 – 10.700 đồng/kg để giao cho đối tác nước ngoài và dự đoán giá các loại lúa này sẽ tiếp tục tăng.

“Còn gạo 5% để xuất khẩu cho các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Trung Quốc… chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào ký được hợp đồng. Ngoại trừ một số doanh nghiệp ký “bán đoán” – tức là đoán đầu ra để có những đơn hàng đầu năm với giá từ 650 – 670 USD/tấn. Những doanh nghiệp này ký hợp đồng nhưng trong kho không có hàng mà chờ vụ đông xuân để mua lúa đưa vào”, ông Bình thông tin.

Một số doanh nghiệp cũng thừa nhận việc bán “gạo non” như hiện nay rất rủi ro, nếu giá lúa đông xuân không những không giảm như dự báo của doanh nghiệp mà thậm chí tăng cao hơn. “Với tình hình như hiện nay, giá lúa vụ đông xuân này dự báo sẽ khó giảm. Bởi nông dân thu hoạch bao nhiêu, các doanh nghiệp đều thu mua hết, không có chuyện giảm giá”, doanh nghiệp này khuyến cáo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây