Xem thêm: Cam sành chín rộ giá rẻ vẫn ế
Tại Vĩnh Long, thủ phủ cam sành lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hiện thương lái thu mua cam sành giá chỉ từ 1.000 – 2.000 đồng/kg và cũng chỉ mua theo hợp đồng đặt cọc cũ chứ không đến vườn thu mua cam mới.
Ông Nguyễn Văn Tâm (ngụ xã Trà Côn, huyện Trà Ôn) trồng 6 công cam sành, hiện đã quá lứa thu hoạch nhưng vẫn chưa bán được dù gọi cho thương lái nhiều ngày nay. “Hiện thương lái cứ kỳ kèo ép giá, cam loại 1 thì họ mua giá 2.000 đồng/kg, còn bán xô chỉ 1.000 đồng/kg. Vườn cam của tôi đã lỡ vụ, chín vàng, thương lái cứ ép giá, đến nay vẫn chưa bán được”, ông nói.
Ở huyện Trà Ôn, hiện có rất nhiều vườn cam tới lứa thu hoạch nhưng gặp khó khăn trong tiêu thụ, nếu bán được thì giá cũng bị ép rất thấp. Ông Trần Văn Lắm (ngụ xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm) cho biết mùa này thời tiết thuận lợi nên vườn cam 8 công cho năng suất khoảng 40 tấn. Thương lái vào vườn mua với giá chỉ 1.000 đồng/kg.
“Với giá này, tôi cầm chắc lỗ từ 60 – 70 triệu đồng/công. Bán thì lỗ, không bán thì trắng tay, vì cây cam sẽ hư hỏng, chết hoặc sản lượng mùa sau giảm mạnh”, ông Lắm buồn rầu nói.
Theo ông Nguyễn Văn Tám – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trà Ôn, đây là mùa thuận nên giá cam rất bấp bênh. Những hộ trồng cam sành có liên kết bán được giá 4.000 – 5.000 đồng/kg, còn những hộ trồng bên ngoài bán khó hơn, có lúc bán 1.000 – 2.000 đồng/kg.
Nhiều thương lái cho biết giá cam sành đến tay người tiêu dùng cũng ở mức rất thấp do cam đang vào chính vụ. Thời tiết mùa lạnh cũng đang đến nên nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh. Trong khi cam sành chỉ bán được ở thị trường trong nước.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, diện tích trồng cam sành đã liên tục tăng rất nhanh trong vòng 5 năm trở lại đây. Nguyên nhân là giá cam những năm 2015 – 2020 luôn ở mức cao, lợi nhuận mang lại từ cây trồng này quá hấp dẫn.
Đặc biệt trong mùa nghịch, giá cam có thể đạt mức 13.000 – 18.000 đồng/kg. Trong khi đó, nông dân đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật canh tác nên năng suất cam sành không ngừng cải thiện, từ 36,6 tấn/ha (2019) lên 44,1 tấn/ha (2023). Cũng có nhiều vườn cho năng suất gần 100 tấn/ha.
Do đó, với năng suất bình quân 70 tấn/ha, tổng diện tích 18.000 ha, sản lượng cam sành đã vượt 900.000 tấn/năm. Trung bình nông dân trong tỉnh sẽ bán ra thị trường khoảng 3.000 tấn cam/ngày, rất khó cho khâu tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Liêm – Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết, hiện nay chi phí đầu tư cho sản xuất cam sành cũng tăng do giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu dùng để bơm tát, công lao động, giống… tăng rất cao. Bình quân giá thành sản xuất gần 8.000 đồng/kg, quy ra giá trị đầu tư trên 350 triệu đồng/ha. Đó là chưa kể một số trường hợp nông dân thuê đất trồng cam với chi phí từ 50 – 80 triệu đồng/ha/năm.
Những năm gần đây nông dân liên tục mở rộng diện tích khiến sản lượng tăng mạnh. Sức mua yếu nhưng lượng cung quá ồ ạt dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.
“Để giải quyết tình trạng cung vượt cầu, trước mắt cần hỗ trợ các địa phương xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho sản phẩm cam sành tại thị trường các vùng miền khác và một số nước lân cận. Về lâu dài, tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT đàm phán xuất khẩu cam sành chính ngạch sang Trung Quốc”, ông Liêm nói.