Xem thêm:
- Giá trị xuất khẩu cà phê tăng nhẹ so với cùng kỳ
- Giá cà phê lập đỉnh mới, nông dân không có hàng bán
Nhiều doanh nghiệp đã tìm hiểu về thị hiếu tiêu dùng, xu hướng thị trường để xây dựng kế hoạch tiếp cận cơ hội xuất khẩu cà phê chính ngạch sang Trung Quốc.
Cơ hội xuất khẩu cà phê chính ngạch sang Trung Quốc
Trong quý 3/2023, Việt Nam xuất khẩu 259.000 tấn cà phê, đạt kim ngạch 774 triệu USD, giảm 20,8% về lượng và tăng 0,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước tính đạt 1,266 triệu tấn, trị giá 3,16 tỷ USD, giảm 7,3% về lượng, nhưng tăng 1,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với cơ cấu chủng loại, xuất khẩu cà phê nhân xô giảm so với cùng kỳ năm 2022, nhưng xuất khẩu cà phê chế biến tăng.
Và theo số liệu thống kê, tốc độ nhập khẩu cà phê của Trung Quốc tăng bình quân hơn 25%/năm. Năm 2022, quốc gia này chi gần 50 triệu USD mua cà phê Việt Nam.
Tại Trung Quốc, cà phê hòa tan, cà phê chế biến sẵn đang chiếm thị phần lớn nhờ sự tiện lợi trong sử dụng. Đây được coi là yếu tố thuận lợi giúp các doanh nghiệp cà phê Việt Nam thúc đẩy tiêu thụ cà phê tại thị trường tỷ dân này.
Vừa qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội tiếp cận giới thiệu sản phẩm cà phê chế biến tại Hội chợ Trung Quốc – ASEAN tổ chức ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Doanh nghiệp đã tìm hiểu về thị hiếu tiêu dùng, xu hướng thị trường để xây dựng kế hoạch tiếp cận cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
“Để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, yêu cầu đầu tiên là cần có mã số GACC do Hải quan Trung Quốc cấp. Hiện công ty tôi đã được cấp xong mã số cà phê hạt rang, cà phê phin giấy. Chúng tôi đang hoàn tất thủ tục cấp cà phê nhân xanh. Vừa qua, chúng tôi tham dự hội chợ tại Trung Quốc, tôi cảm nhận sức mua người tiêu dùng lớn, nhất là cà phê hòa tan”, anh Nguyễn Tiến Định – Giám đốc Công ty Cổ phần VCU, huyện Chư Prông, Gia Lai, cho biết.
Hầu hết các doanh nghiệp cà phê vùng Tây Nguyên nhận định, Trung Quốc hiện đang là thị trường có nhiều tiềm năng với sức mua lớn. Tuy nhiên, đây không còn là thị trường dễ tính. Bởi người tiêu dùng quốc gia này khá khắt khe trong vấn đề phải được trải nghiệm những sản phẩm mới, sản phẩm cà phê chất lượng cao.
“Mình phải nhập máy sản xuất của các nước G7 về để sản phẩm mình làm ra và sản phẩm họ làm ra như nhau. Giá thành gấp 2 hoặc gấp 3 lần so với xuất thô. Sản lượng tiêu thụ cà phê càng ngày càng tăng, chẳng hạn như thị trường Trung Quốc, tăng 10 – 15% một năm”, anh Nguyễn Hữu Long – Giám đốc Công ty Cổ phần Học viện Cà phê Việt Nam VCA, cho hay.
Nhìn nhận Trung Quốc là thị trường lớn, nhưng lại có tính cạnh tranh cao, nên các doanh nghiệp vùng Tây Nguyên đang nỗ lực đầu tư đa dạng hóa các sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chế biến, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sang thị trường tỷ dân theo hình thức chính ngạch.
Kiểm soát chất lượng cà phê theo tiêu chuẩn quốc tế
Hiện nay, các thị trường nhập khẩu cà phê trên thế giới đã đặt ra nhiều tiêu chuẩn chất lượng về kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật nông sản. Để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe này, các doanh nghiệp cà phê tại Tây Nguyên – vùng nguyên liệu lớn nhất cả nước, phải xây dựng quy trình sản xuất, chế biến đạt các chứng nhận quốc tế để có thể gia tăng xuất khẩu.
Để đáp ứng các đơn hàng cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao đã ký kết với các đối tác nước ngoài, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đã đầu tư hệ thống máy móc rang xay theo công nghệ hiện đại. Cùng với đó, các khâu sản xuất, rang xay cũng được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo cà phê có chất lượng đồng nhất.
Liên kết với hơn 11.000 hộ nông dân tại vùng nguyên liệu Tây Nguyên canh tác cà phê có chứng nhận quốc tế, gắn với truy xuất nguồn gốc và nhà máy chế biến cũng áp dụng công nghệ hiện đại, đây chính là điều kiện cần và đủ để doanh nghiệp Vĩnh Hiệp Gia Lai có thể xuất khẩu cà phê sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
“Mỗi quốc gia có những cách kiểm định khác nhau, nhưng tất cả dựa vào điểm chung là phải minh bạch khai báo, truy xuất nguồn gốc, sản xuất cũng như chế biến, xuất hàng; minh bạch trong bán hàng”, bà Trần Thị Lan Anh – Phó Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Gia Lai, thông tin.
Kiểm soát chất lượng, minh bạch nguồn gốc cà phê từ vùng nguyên liệu cho đến nhà máy chế biến là giải pháp giúp các doanh nghiệp vùng Tây Nguyên tiếp cận nhiều hơn với các thị trường nhập khẩu cà phê khó tính trên thế giới như châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc.