Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về bệnh khô cành khô quả trên cây cà phê, nguyên nhân, triệu chứng của bệnh và các kỹ thuật phòng trừ bệnh khô cành khô quả. Đây là một loại bệnh phổ biến trên cây cà phê, chỉ đứng sau bệnh gỉ sắt cà phê. Mời bà con cùng tham khảo.
Triệu chứng bệnh khô cành khô quả cà phê
Bệnh gây hại trên quả, cành và lá cà phê. Cà phê chè thường bị nhiều hơn cà phê vối. Ban đầu bệnh có thể quan sát thấy thông những vết nhỏ màu vàng nâu hoặc nâu xuất hiện trên quả, cành, lá.
Sau lan rộng ra xung quanh, vết bệnh lõm xuống dần chuyển thành nâu sẫm, cành lá quả nhiễm bệnh bị khô héo rồi chuyển sang màu đen và gãy rụng. Trên cà phê vối bệnh thường thối đen đầu quả, gây rụng quả non. Bệnh cũng có thể xuất hiện tại cuống quả, vị trí tiếp xúc giữa 2 quả liền kề, những nơi mà nước có thể đọng lại. Trên cành, bệnh thường xuất phát từ vị trí đốt cành.
Tác hại của bệnh khô cành khô quả cà phê
Bệnh gây rụng quả non giảm năng suất, cành khô héo nhiều gây khuyết tán, mất cành dự trữ. Ảnh hưởng thêm năng suất vụ sau. Trường hợp bệnh nặng, lây lan nhanh chóng, không phòng trừ kịp thời còn làm khô cành khô quả trên diện tích lớn. Ảnh hưởng đến sinh trưởng, thậm chí chết cây trên diện rộng
Tác nhân gây bệnh khô cành khô quả trên cà phê
Có 3 tác nhân chính gây ra bệnh khô cành khô quả trên cây cà phê. Nhưng chủ yếu là do nấm. Các tác nhân cụ thể như sau
- Do nấm Colletotrichum Cofeanum Noack – Tên tiếng Anh Coffee Berry Disease (CBD)
- Do vi khuẩn Pseudomonas syringea, P. garcae,
- Khô cành do sinh lý còn gọi là bệnh Die-back
Bào tử của nấm Colletotrichum Cofeanum chỉ có thể nảy mầm khi tiếp xúc với nước. Trong điều kiện nhiệt độ dưới 20 độ C. Do đó các cơn mưa chiều tối thường là thời điểm nảy mầm của bào tử nấm. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp khi đủ độ dinh dưỡng trong môi trường xung quanh, bào tử cũng có thể nảy mầm ở nhiệt độ cao hơn từ 20-35 độ C
Thời gian ủ bệnh của nấm kéo dài từ 4-6 tuần, mưa và các yếu tố thời tiết, động vật làm cho bào tử nấm lan rộng sang các vị trí khác trên cây và lây qua các cây khác.
Do nấm đặc tính phát triển có liên quan đến nước nên bệnh thường phát triển trong mùa mưa, bắt đầu từ tháng 5-6 dương lịch, lên tới đỉnh điểm vào khoảng tháng 8 đến tháng 10. Sau đó chậm lại do thời tiết chuyển mùa ít mưa hơn
Cách phòng trừ bệnh khô cành khô quả cà phê
-
Biện pháp canh tác
Áp dụng quy trình trồng và chăm sóc cà phê đúng kỹ thuật giúp cây phát triển cân đối, ra hoa đậu quả đúng thời vụ
Bón phân cân đối cũng góp phần hạn chế bệnh
Tưới sớm để kích thích ra hoa đậu quả sớm, tránh thời điểm quả non trùng với mùa bệnh
Cắt tỉa cành bệnh, mang tiêu hủy ngay khi vừa phát hiện
Sử dụng các giống cà phê năng suất cao, sinh trưởng mạnh, có khả năng kháng bệnh tốt. Một số giống được đề xuất như sau: Giống cà xanh lùn, giống cà 138 (TR4), giống cà 414 (TR9), giống cà phê dây Thuận An…
-
Biện pháp sinh học
Theo đánh giá của Viện Eakmat và các cơ quan nghiên cứu cây cà phê, nấm đối kháng Trichoderma ngoài tác dụng hạn chế chết nhanh chết chậm trên tiêu, còn có tác dụng phòng trừ bệnh khô cành khô quả trên cà phê. Các chủng nấm Trichoderma có tác dụng tiêu diệt nấm khô cành ngay khi tiếp xúc, làm cho nấm hại teo đi và chết.
Bên cạnh đó nấm Trichoderma còn sinh ra kháng thể tồn tại trong cây, giúp phòng trừ được nấm khô cành khô quả mà không cần phải tiếp xúc trực tiếp
-
Biện pháp hóa học
Vào đầu mùa mưa và trong suốt mùa mưa, có thể phun phòng bệnh bằng các thuốc trị nấm, thuốc trừ vi khuẩn, đặc biệt các thuốc gốc đồng gốc bạc cho thấy kết quả tốt. Phun mỗi lần cách nhau 1 tháng, mỗi năm phun 2-4 lần tùy theo tình hình thời tiết mưa nhiều hay ít
Một số thuốc trị bệnh khô cành khô quả cà phê
- Thuốc Derosal 50 (0,2%)
- Thuốc Tilt 250 EC (0,1%)
- Thuốc Viben-C 50BTN (0,2%)
- Thuốc Abenix 10FL (0,25 – 0,3%)
- Thuốc Chevin 5SC
Như vậy ngoài các loại sâu bệnh thường gặp như sâu đục thân cà phê, rệp sáp hại quả hại gốc cà phê, các loại rệp vảy nâu, rệp muội, mọt đục cành cà phê… thì bệnh khô cành khô quả trên cà phê cũng rất phổ biến. Có những thời điểm bệnh gây hại trên những diện tích lớn, làm bà con điêu đứng. Hy vọng với những kinh nghiệm vừa chia sẻ sẽ giúp ích cho bà con trong quá trình canh tác cây cà phê bền vững, hiệu quả hơn. Xin cảm ơn đã theo dõi