Giá phân bón nhiều nơi tăng

0
530
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Trước biến động từ giá hàng hóa thế giới, nhiều doanh nghiệp nội địa đã thông báo về việc tăng giá bán phân bón. Việc tăng giá sẽ có tác động khá lớn đến triển vọng lợi nhuận 2 quý cuối năm của doanh nghiệp.

Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp ngành phân bón đều có kết quả kinh doanh lao dốc trong nửa đầu năm 2023. Sau đó, trong tháng 7 vừa qua, giá hợp đồng tương lai phân ure đột ngột tăng vọt và thiết lập vùng giá mới sau một thời gian dài liên tục giảm.

Trước biến động của giá phân bón thế giới, các doanh nghiệp trong nước thời gian gần đây liên tục thông báo về việc tăng giá bán. Giữa tháng 9 vừa qua, Đạm Cà Mau thông báo về việc tăng giá ure tại nhà máy lên mức 11.200 đồng/kg; tại các kho trung chuyển tại miền Tây và miền Trung tăng lên mức 11.300 – 11.350 đồng/kg. So với 1 tháng trước, mức giá này đã tăng hơn 10%.

Trong diễn biến chung, nhà máy Đạm Phú Mỹ cũng đã tăng giá ure tại nhà máy lên 11.000 đồng/kg, tức là tăng thêm 500 đồng so với trước và tăng hơn 1.100 đồng/kg so với tháng 8. Ngoài ra, nhà máy Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc cũng tăng giá bán lên hơn 10.800 đồng/kg. Dễ dàng thấy được, chỉ trong 2 tháng gần đây giá phân ure tại các nhà máy đã tăng từ 30% cho đến 35%.

Giá phân bón nhiều nơi tăng
Tình trạng giá phân bón tăng cao vào thời điểm này có thể vẫn chưa hợp lý.

Theo ghi nhận, giá các loại phân bón như Kali, NPK, DAP, SA… vẫn tăng hơn 20% so với cuối tháng 6 dù đang trong giai đoạn thấp điểm cao thụ. Cập nhật cho thấy, hiện nay giá NPK Phú Mỹ đang dao động 790.000 – 850.000 đồng/bao (loại 50kg), NPK Ba Con Cò dao động trong khoảng 900.000 – 1.100.000 đồng/bao, NPK Bình Điền là hơn 1 triệu đồng/bao…. Giá phân bón ở khu vực phía Nam còn bị đẩy lên cao, thậm chí có thời điểm còn xảy ra tình trạng khan hiếm.

Bộ NN & PTNT cho biết, việc Trung Quốc vừa yêu cầu một số nhà sản xuất phân bón nước này tạm dừng xuất khẩu phân ure trong khi nhu cầu từ Ấn Độ tăng mạnh, đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường phân bón nói chung. Theo lãnh đạo Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, diện tích lúa Hè Thu tại miền Bắc cho đến nay đã được bón xong 3 đợt chính, thế nên nhu cầu tiêu thụ phân bón cũng giảm sâu. Tiêu thụ phân bón ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng ở mức thấp bởi hầu hết các tỉnh hiện đều đã sạ xong diện tích lúa.

Một số chuyên gia nhận định, tình trạng giá phân bón tăng cao vào thời điểm này có thể vẫn chưa hợp lý. Nguyên nhân bởi, năng lực sản xuất của các nhà máy trong nước hiện nay đã vượt xa nhu cầu của sản xuất nông nghiệp. Do đó, nhiều khả năng giá phân bón tăng cao là do “ăn theo” tác động của giá phân bón thế giới cùng với giá dầu khí đang biến động mạnh.

Cục BVTV cho biết: “Theo quy luật, nhu cầu phân bón sẽ tăng mạnh trong quý 4, cũng chính là thời điểm vụ Đông Xuân diễn ra tại miền Bắc và Thu Đông diễn ra ở miền Nam. Hiện nay, giá nhiều loại nông sản như gạo, cà phê… neo cao kéo theo việc nông dân mở rộng sản xuất. Giá phân bón trong nước có thể duy trì đà tăng trong quý 4 song sẽ không tăng nóng như mọi năm”.

Giá phân bón nhiều nơi tăng
Giá phân bón dự kiến tăng thêm trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Trí Ngọc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận định, tổng nhu cầu phân bón các loại của Việt Nam mỗi năm rơi vào khoảng 11 đến 12 triệu tấn. Tuy nhiên, năng lực sản xuất mặt hàng này đang thiếu khoảng 4 triệu tấn, song giữa các chủng loại phân bón sẽ có sự khác nhau. Cũng theo vị này, phân bón SA và Kali phải nhập hoàn toàn vì không có nguồn nguyên liệu trong nước. Ngoài ra, sản lượng sản xuất phân bón DAP và MAP trong nước cho đến nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 86% nhu cầu, phần còn lại thuộc về nhập khẩu. Duy chỉ có phân lân và NPK là sản xuất trong nước có thể đáp ứng đủ nhu cầu ngành trồng trọt.

Các địa phương trong nước hiện cũng đang bước vào mùa vụ mới. Dự báo diện tích lúa năm nay cùng với một số loại nông sản khác sẽ tăng cao hơn so với năm ngoái. Nhu cầu dự báo cũng sẽ tăng mạnh, đẩy giá phân bón tăng thêm trong thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây