Ngành chế biến tinh bột khoai mì: “Khát” nguyên liệu

0
577
Ngành chế biến tinh bột khoai mì: “Khát” nguyên liệu
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Tây Ninh là tỉnh có diện tích trồng khoai mì lớn thứ hai và năng suất nhất cả nước. Năm 2023, diện tích cây khoai mì trên địa bàn tỉnh khoảng 60.750 ha, năng suất 33,5 tấn/ha, sản lượng đạt 2 triệu tấn, tăng 10 ngàn tấn so với năm 2022. Tuy nhiên, với khoảng 50 nhà máy chế biến tinh bột, sản lượng khoai mì chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu về nguyên liệu, còn lại phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Campuchia, các tỉnh, thành lân cận.

Thu hoạch khoai mì ở tỉnh phụ thuộc vào nhân công, vẫn chưa được cơ giới hoá dẫn đến chi phí canh tác cây mì cao

Một chủ doanh nghiệp chế biến tinh bột mì ở huyện Dương Minh Châu chia sẻ, vấn đề phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Campuchia và các tỉnh, thành lân cận là điều không bền vững mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng đều nắm rõ. Tuy nhiên, thực tế không thể khác vì hiện nay Tây Ninh khó mở rộng diện tích chuyên canh cây mì.

Thông thường, các nhà máy bắt đầu hoạt động từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm. Sau đó, phần lớn là nguồn nguyên liệu khoai mì phải nhập khẩu từ Campuchia. Do “cung thiếu cầu” nên các nhà máy phải cạnh tranh thu mua để có khoai mì chế biến, bảo đảm hợp đồng với các đối tác. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giá khoai mì luôn ở mức cao.

Nhiều nhà máy có công suất lớn phải cử nhân viên sang tận Campuchia thu mua nhằm chủ động nguồn nguyên liệu từ tháng 10 đến tháng 4 hằng năm. Vấn đề là, do mì của nông dân Campuchia trồng nên nhà máy không thể chủ động thời gian thu hoạch, gây thiệt hại kinh tế không nhỏ. Ngày ít nguyên liệu, nhà máy hoạt động không đủ công suất vẫn phải trả lương, tiền điện….

Ngành chế biến tinh bột khoai mì: “Khát” nguyên liệu
Tại Tây Ninh với khoảng 50 nhà máy chế biến tinh bột, sản lượng khoai mì chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu về nguyên liệu.

Một doanh nghiệp chế biến khoai mì cho biết, gần đây việc thu mua khoai mì nhập khẩu từ Campuchia không còn thuận lợi như trước. Đến mùa, nông dân Campuchia không đồng loạt thu hoạch, mà nhổ cầm chừng nhằm đẩy giá bán lên cao vì biết các nhà máy mì Việt Nam rất cần nguyên liệu chế biến.

Tại Tây Ninh, cây mì đã chuyển đổi vai trò từ cây lương thực, thực phẩm thành cây công nghiệp hàng hoá có lợi thế cạnh tranh cao và là một trong 10 sản phẩm chủ lực của tỉnh. Trong tổng số 120 nhà máy chế biến tinh bột mì trên cả nước, tại Tây Ninh đã có 57 nhà máy, chiếm tỷ lệ khoảng 48%. Nhờ hiệu quả canh tác đặc biệt cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước, năng suất cây mì trung bình hằng năm ở Tây Ninh đạt từ 33 – 35 tấn/ha, cao gấp 1,7 lần năng suất trung bình của cả nước (20 tấn/ha). Dù tổng diện tích trồng mì chỉ chiếm 10% tổng diện tích mì của cả nước nhưng sản lượng lại chiếm tới 20% tổng sản lượng quốc gia. Ngành chế biến mì của tỉnh đã đóng góp 50% vào tổng thu nhập quốc gia từ cây mì.

Hiện tại, sản xuất khoai mì trong tỉnh chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu nguyên liệu. Hằng năm, các nhà máy trong tỉnh thường phải nhập khẩu từ 2 đến 3 triệu tấn củ tươi từ các địa phương khác như Bình Phước, Gia Lai, Đồng Nai… và nước bạn Campuchia. Tổng kim ngạch nhập khẩu củ mì tươi và mì lát khô từ Campuchia là hơn 1 tỷ USD trong năm 2022.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do bệnh khảm lá còn phát sinh trên diện rộng, tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, nguồn giống mì kháng khảm còn rất ít, không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất của người nông dân.

Ngành chế biến tinh bột khoai mì: “Khát” nguyên liệu
Thu hoạch khoai mì ở Tây Ninh phụ thuộc vào nhân công, vẫn chưa được cơ giới hoá dẫn đến chi phí canh tác cây mì cao.

Người trồng mì cho biết bệnh khảm lá mì có thể làm giảm đáng kể năng suất củ mì tươi và hàm lượng tinh bột, đặc biệt là khi sử dụng giống đã nhiễm virus nặng từ các vụ trước. So sánh với tổng diện tích đất canh tác cây mì của tỉnh, khả năng cung cấp giống mì kháng khảm là rất hạn chế (giống kháng bệnh khảm cung cấp cho nông dân chiếm khoảng 3,33% tổng diện tích toàn tỉnh). Vì thiếu giống kháng khảm, người trồng mì thường tìm mua các loại giống mì không nhiễm bệnh nhưng chưa được kiểm định và không rõ nguồn gốc từ các tỉnh khác về trồng, làm tăng nguy cơ nhiễm chéo giữa các vùng, nguy hiểm nhất là lan truyền một số bệnh hại nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng và năng suất.

Nguồn gốc và chất lượng giống trao đổi giữa thương lái và nông dân không được bảo đảm, làm giảm độ tin cậy của người dân đối với các giống lai tạo mới sau khi được kiểm định đầy đủ và cấp phép lưu hành, gây khó khăn cho việc nhân rộng giống mới trong cộng đồng…

Song song đó, sản xuất khoai mì khó khăn do thiếu hụt công lao động nông thôn trong các khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch. Do phần lớn người dân trong độ tuổi lao động đều tập trung vào các khu, cụm công nghiệp, trong khi mức độ cơ giới hoá chưa cao, chủ yếu vẫn làm thủ công nên chi phí chính trong sản xuất mì là công lao động (chiếm 39,2% tổng chi phí) dẫn đến giá thành sản xuất cao. Sự liên kết giữa sản xuất và chế biến chưa hình thành cơ chế chính sách liên kết vùng thu hút nguồn đầu tư ổn định, lâu dài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây