Nông nghiệp vẫn là trụ đỡ cho nền kinh tế

0
671
Nông nghiệp vẫn là trụ đỡ cho nền kinh tế
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Trong bối cảnh hầu hết các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, thủy sản, gỗ… đều sụt giảm mạnh, xuất khẩu nông sản, trái cây trở thành điểm sáng cho nền kinh tế. Nhóm hàng nông sản mang về giá trị kim ngạch xuất khẩu cao như: gạo, rau quả, cà phê, hạt điều…. tiếp tục giúp nông nghiệp khẳng định vị thế trụ đỡ cho nền kinh tế.

Rau quả vụt sáng, nhiều mặt hàng phá kỷ lục

Nếu như năm 2022, ngành thủy sản bứt phá với biểu đồ tăng trưởng gần như dựng đứng thì đến năm 2023, gạo và rau quả trở thành đại diện cho nông sản Việt Nam tạo danh tiếng trên thị trường quốc tế.

Thống kê mới nhất từ Hiệp Hội Rau quả Việt Nam, 10 tháng qua, xuất khẩu rau quả đã mang về hơn 4,9 tỷ USD, tăng 78,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngành rau quả đang có bước chạy thần tốc để xác lập kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu. Theo ước tính của Bộ NN & PTNT, đến cuối năm 2023, hai mặt hàng rau quả và lúa gạo sẽ đạt mức kim ngạch cao nhất từ trước đến nay, trên 4 tỉ USD. Trong đó, lần đầu tiên sầu riêng vươn lên ngôi vị quán quân trong các loại cây ăn quả với kim ngạch xuất khẩu chạm ngưỡng 2 tỉ USD. Sau khi ký kết Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, quả sầu riêng đã mang lại thu nhập “khủng” cho người trồng và đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành xuất khẩu rau quả.

Không chỉ xuất khẩu quả tươi và không chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp trong nước cũng đang mở rộng thị trường xuất khẩu sầu riêng đến 24 quốc gia và vùng lãnh thổ. “Trái sầu riêng còn có rất nhiều dư địa để tăng trưởng. Ngoài thị trường Trung Quốc đang chiếm đến 90% sản lượng sầu riêng xuất khẩu thì những thị trường khác cũng có tiềm năng khai thác, nhất là sản phẩm sầu riêng đông lạnh và đặc biệt là hướng đến thị trường Ấn Độ nơi có dân số đông nhất thế giới”, bà Nguyễn Thị Thu Hương – Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nhận định.

Nông nghiệp vẫn là trụ đỡ cho nền kinh tế
Dự báo, xuất khẩu sầu riêng năm 2023 có thể đạt kim ngạch 1,8 – 2 tỷ USD.

Bên cạnh đó, ngành rau quả vẫn còn nhiều “ngôi sao” tiềm năng khác hứa hẹn sẽ vụt sáng trong thời gian tới, trong đó có trái dừa. Mới đây, mặt hàng này đã được 2 thị trường tiêu thụ lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc bật tín hiệu để mở cửa.

Số liệu thống kê cho thấy giá trị xuất khẩu dừa và sản phẩm từ dừa trong năm 2022 đạt trên 900 triệu USD. Hiện nay, do ảnh hưởng của tình hình chung, giá trị xuất khẩu dừa bị sụt giảm khoảng 32% so với cùng kỳ năm 2022, đạt khoảng 215 triệu USD. Tuy nhiên, trong dài hạn, tiềm năng xuất khẩu của ngành dừa còn rất lớn. Với những bước chuẩn bị mở cửa thị trường Trung Quốc và sự mở cửa trở lại của thị trường Mỹ, trái dừa VN sẽ sớm đạt mức kim ngạch 1 tỉ USD”.

Bên cạnh đó, sản xuất cà phê trong nước cũng đang hồi sinh mạnh mẽ. Giá cà phê sau nhiều năm nằm dưới mức 40.000 đồng/kg đã bất ngờ tăng vọt từ đầu năm 2023, đến thời điểm hiện tại đã gần chạm đến ngưỡng 70.000 đồng/kg. Bộ NN & PTNT dự báo, mặt hàng cà phê có thể phá vỡ kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu của năm trước và năm 2023 sẽ là năm thứ hai liên tiếp VN đạt mức kim ngạch trên 4 tỉ USD xuất khẩu cà phê.

Sắp xếp lại “thế trận ngành hàng”, tối ưu lợi thế quốc gia

Trong bối cảnh kinh tế trong nước và toàn cầu khó khăn, nông nghiệp đã nổi lên như một trụ đỡ cho nền kinh tế. Nhìn lại chặng đường xuất khẩu nông sản năm qua, ông Nguyễn Quốc Toản – Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), nhận định: “Có thể nói ngành nông nghiệp tự hào về những thành tích của mình. Biến đổi khí hậu, dịch bệnh và các cuộc khủng hoảng đã tác động tiêu cực tới hoạt động kinh tế toàn cầu. Thế nhưng, xuất khẩu nông sản của VN nổi lên như một điểm sáng của cả nền kinh tế nước nhà. Thành công trong xuất khẩu nông sản phải kể đến sự chuyển dịch rất lớn trong sản xuất, tiếp đó là việc mở rộng khai thác các thị trường mới và đặc biệt là việc tận dụng các hiệp định thương mại thế hệ mới”.

Mặt khác, theo ông Toản, khi một số ngành hàng như lúa gạo, sầu riêng tăng trưởng nóng cũng đã bộc lộ hết những điểm yếu của ngành nông nghiệp hiện nay, đó chính là thiếu sự liên kết.

TS Đặng Kim Sơn – nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cũng trăn trở: “Ở Việt Nam, mặc dù Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân đã bỏ ra rất nhiều công sức làm liên kết bốn nhà, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, xây dựng chuỗi giá trị… nhưng trong sản xuất các ngành hàng nói chung và lúa gạo nói riêng, các khâu vẫn tách rời nhau. Việc sản xuất phó mặc cho nông dân, việc thu mua từ nông dân phó mặc cho thương lái và doanh nghiệp có nhà máy chế biến. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chỉ ký hợp đồng bán gạo và huy động từ các nhà máy xay xát theo kiểu “sang mạn tàu”.

Nông nghiệp vẫn là trụ đỡ cho nền kinh tế
Dự báo năm nay, Việt Nam sẽ xuất khoảng 8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt khoảng 4,5 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.

Tình trạng hợp đồng xuất khẩu với bên ngoài ký trước, rồi mới mua gạo theo giá lên xuống trong nước nên khi xảy ra biến động giá sẽ nảy sinh mâu thuẫn, mối quan hệ thay vì cộng tác lại thành đối đầu. Nếu cứ duy trì cách thức tổ chức yếu kém như hiện nay sẽ tạo ra cơ hội cho các tập đoàn FDI xuyên quốc gia tiến vào chiếm lĩnh các ngành hàng nông sản chiến lược mà ta có lợi thế”.

Theo TS Đặng Kim Sơn, để giành thế đứng trên sân nhà, phát huy được lợi thế quốc gia của ngành nông nghiệp, các cấp lãnh đạo địa phương và ngành cần sắp xếp lại thế trận từng ngành hàng và xác lập vị thế người làm nông nghiệp nói chung và người làm lúa nói riêng. Nhất định phải xác định tại vùng chuyên canh như ĐBSCL thì phải rõ lúa gạo ở đâu, cây ăn trái ở đâu, thủy sản ở đâu. Tây nguyên phải rõ cà phê ở đâu, tiêu ở đâu, cây ăn quả ở đâu, rừng ở đâu… Có như thế mới đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, logistics, nhà máy chế biến, nguồn nhân lực. Tại vùng chuyên canh cần xác định và hỗ trợ doanh nghiệp lớn dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã và người nông dân.

Ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN & PTNT), phân tích: Điểm yếu nhất của ngành nông nghiệp hiện nay đó là thiếu sự liên kết. Dù chậm hay nhanh thì nền nông nghiệp hiện đại không thể là nền nông nghiệp tự cạnh tranh lẫn nhau mà phải được tổ chức theo chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây