Trái ngược với bức tranh ảm đạm của nhiều ngành hàng, từ đầu năm đến nay nhiều mặt hàng nông sản Việt ghi nhận kỷ lục mới trên thị trường Trung Quốc. Không chỉ chuộng gạo, hạt điều, cà phê, trong 9 tháng, Trung Quốc đã chi gần 3 tỷ USD nhập rau quả từ Việt Nam, nâng tổng kim ngạch nhập nông sản Việt lên kỷ lục 6,2 tỷ USD.
Theo báo cáo từ Bộ NN & PTNT cho thấy, 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp ước đạt 38,48 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Trong khi kim ngạch xuất sang Nhật Bản, Mỹ đều giảm 7-22% so với cùng kỳ năm ngoái, thì thị trường Trung Quốc lại lội ngược dòng tăng trưởng dương. Đến hết tháng 9, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc đạt 8,71 tỉ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu nông sản lên đến hơn 6,2 tỉ USD, chiếm 70% tổng xuất khẩu nông lâm thủy sản, kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.
Riêng nhóm rau quả, 9 tháng, Việt Nam xuất sang nước này 2,75 tỷ USD – con số cao kỷ lục. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng tới 160%. Sầu riêng là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn 55% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả và đạt 1,5 tỷ USD.
Sau rau quả, gạo là mặt hàng được người dân Trung Quốc chi mạnh thứ hai với gần nửa tỷ USD, tăng hơn 55% so với cùng kỳ 2022.
Tương tự, xuất khẩu hạt điều sang thị trường này đạt gần 434 triệu USD, tăng hơn 42%; xuất khẩu cà phê trên 101 triệu USD, tăng 11,4%; thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đạt gần 436 triệu USD, tăng 30%.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, Trung Quốc đang dẫn đầu về thị phần mua hàng Việt. Trong đó, với hàng rau quả, năm ngoái thị phần nhập khẩu rau quả Việt của Trung Quốc chỉ chiếm 43% tổng kim ngạch, 9 tháng đầu năm nay đã tăng 22% lên 65%. Mức này vượt xa top 5 là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hà Lan gấp nhiều lần. Đây là con số ấn tượng nhất trong hàng chục năm qua.
Lý giải nguyên nhân giúp nông sản Việt tăng mạnh ở thị trường tỷ dân, ông Nguyên cho rằng nhờ ký kết được nhiều nghị định thư xuất khẩu rau quả chính ngạch vào đây. Đặc biệt, sầu riêng là sản phẩm được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng nên sản lượng xuất khẩu tăng đột biến vài chục lần và trở thành sản phẩm tỷ USD.
Để khai thác sâu hơn nữa tiềm năng thị trường Trung Quốc, ông Nguyên cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu sâu và đầy đủ hơn về thị trường này. Nhà chức trách Việt cần phối hợp với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc tiếp tục mở cửa nhập khẩu chính ngạch nhiều hơn cho các mặt hàng rau quả, cùng với đó là đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu, tìm kiếm đối tác lớn.
Trung Quốc là quốc gia khổng lồ có sức tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới. Do đó, khi được xuất chính ngạch, cộng với vị trí địa lý thuận lợi, thời gian giao hàng nhanh đã giúp cho hàng Việt bùng nổ và tạo vị thế ở thị trường này.
Bên cạnh những thuận lợi, ngành rau quả vẫn còn những khó khăn tại thị trường này khi thanh long, bưởi, nhãn của Việt Nam bắt đầu cuộc cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm nội địa và hàng xuất khẩu từ nhiều quốc gia khác. Ngoài ra, hàng Việt nhiều sản phẩm xuất khẩu còn thiếu chất lượng khi có những lô hàng có trái cắt non, sâu rệp. Đặc biệt, nhiều sản phẩm xuất khẩu còn bị sai mã vùng trồng.
Nhiều chuyên gia nhận định, nếu không cải thiện chất lượng, hàng Việt dễ bị mất thị phần “béo bở” ở thị trường tỷ dân. So với các đối thủ Thái Lan, Ấn Độ, Philippines, thì Việt Nam là quốc gia láng giềng có đường biên giới giáp Trung Quốc nên việc xuất khẩu đường bộ và biển khá thuận lợi với chi phí thấp hơn nhiều. Do đó, nếu biết tận dụng lợi thế, quy mô, nâng cao chất lượng, và sản xuất hàng đúng vào các mùa cao điểm tiêu thụ của Trung Quốc như Trung Thu, Quốc Khánh, Tết Nguyên đán… rau quả Việt sẽ thắng lớn ở thị trường này.
Về giải pháp phát triển nông sản Việt thời gian tới, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN & PTNT) cho biết, chợ nông sản toàn cầu là vô cùng rộng lớn, cơ hội nhiều nhưng ngày càng phức tạp, đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao. Đặc biệt, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ ngày càng lên cao, nông sản Việt Nam vào thị trường các nước khác phải chấp nhận có những yêu cầu khó tính đến bất ngờ.
Cũng chính vì vậy mà TS Tuấn nhấn mạnh, Việt Nam phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi hiện đại, đáp ứng được yêu cầu, có cam kết đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, nông dân, doanh nghiệp cũng phải tuân thủ cam kết ấy theo đúng thông lệ quốc tế.