Nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tăng đến gần 70% năm 2023, nhưng kéo theo sự suy giảm thị phần sầu riêng đáng kể của Thái Lan. Từ mức gần như độc chiếm thị trường Trung Quốc vào năm 2021, nhưng đến năm 2023, thị phần sầu riêng của Thái Lan tại đất nước tỷ dân này dần mất thế gần như độc tôn bởi sầu riêng Việt Nam đã chiếm gần 1/3 thị phần.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai nhập khẩu 1,4 triệu tấn sầu riêng trong năm 2023, tăng 69% so với năm trước. Thị phần của Thái Lan trong số hàng nhập khẩu đó, tính bằng đô la Mỹ, giảm từ gần 100% vào năm 2021, xuống còn 95,36% một năm sau đó và 67,98% vào năm ngoái.
Xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng từ mức gần 0 lên 4,63% thị phần, đạt 188,1 triệu đô la vào năm 2022 và tăng vọt lên 31,82% trong 11 tháng đầu năm ngoái với tổng giá trị là 2,1 tỉ đô la.
Dữ liệu của Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt 4,9% tổng khối lượng xuất khẩu loại trái cây này trên toàn cầu trong năm 2022 ở mức 40,88 nghìn tấn, tăng so với hơn 1% vào 2021. Hơn 90% sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc, ngân hàng HSBC cho biết trong một báo cáo nghiên cứu năm ngoái.
Sầu riêng đã trở thành loại trái cây cao cấp được tầng lớp trung lưu Trung Quốc yêu chuộng. Sầu riêng thường được mua làm quà tặng cho các cặp đôi trong dịp đính hôn hoặc kết hôn cưới cũng như các bà mẹ chồng tương lai.
Ông Nguyễn Thành Trung – Nhà khoa học chính trị tại Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, nhiều nông dân Việt Nam đang chuyển sang trồng sầu riêng.
“Nông dân Việt Nam biết cách luân canh và kéo dài thời gian thu hoạch. Sầu riêng được coi là cây trồng có giá trị kinh tế cao ở Việt Nam và có thể mang lại rất nhiều lợi ích. Nông dân Việt Nam biết cách tận dụng tối đa cơ hội”, ông nói.
Sam Sin – Giám đốc phát triển của S&F Produce Group ở Hồng Kông, cho biết, xét về mặt thu nhập, xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan bán sang Trung Quốc vẫn tăng trong năm ngoái khi thị trường tiêu dùng tại các thành phố tầm trung của Trung Quốc bắt đầu chín muồi.
“Nguồn cung sầu riêng không bao giờ đủ cho Trung Quốc. Hiện tại, thị trường tiêu thụ sầu riêng khá phát triển ở các thành phố cấp một và cấp hai, nhưng chưa phát triển ở các thành phố cấp ba, cấp bốn và cấp năm”, ông cho hay.
Trung Quốc cũng nỗ lực trồng sầu riêng nhưng sản lượng không đáng kể. “Sầu riêng trong nước của Trung Quốc dự kiến đạt sản lượng 250 tấn trong năm nay và đến năm sau, sản lượng có thể đạt 500 tấn”, Feng Xuejie – Giám đốc Viện nghiên cứu cây ăn quả nhiệt đới thuộc tại Viện Khoa học Nông nghiệp Hải Nam, nói.
Năm ngoái, riêng tỉnh Hải Nam đạt tổng sản lượng sầu riêng 50 tấn, con số mà ông Xuejie cho quá ít để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, sự cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc dự báo sẽ gay gắt hơn, với Philippines đang nỗ lực tăng thị phần và Malaysia tìm kiếm thỏa thuận xuất khẩu sầu riêng tươi sang nước này.
Sầu riêng Philippines đã giành được một phần thị phần nhỏ từ Thái Lan Lan. Vào tháng này một năm trước, Trung Quốc cho phép nhập khẩu sầu riêng tươi của Philippines, chủ yếu được trồng ở vùng đất đỏ bazan của núi Apo trên đảo Mindanao ở phía nam của Philippines.
Thông tấn xã Philippines đưa tin, xuất khẩu sầu riêng của Philippines sang Trung Quốc đạt trị giá 1,88 triệu đô la trong 6 tháng đầu năm 2023. Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, Philippines chiếm 0,2% thị phần nhập khẩu sầu riêng của quốc gia này trong 11 tháng đầu năm ngoái, tính theo giá trị đồng đô la Mỹ.
Tháng 12 năm ngoái, Chan Foong Hin – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và an ninh lương thực Malaysia, cho biết, Malaysia có thể bắt đầu được phép xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc vào cuối tháng 5, trùng với dịp lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc-Malaysia.
Hồi tháng 10, Tổng Cục hải quan Trung Quốc cùng Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia đã ký thỏa thuận sáu điểm về xuất khẩu sầu riêng tươi của Malaysia sang Trung Quốc. Theo ghi nhận của Chan Foong Hin, phía Trung Quốc bày tỏ sẵn sàng đẩy nhanh việc đánh giá rủi ro đối với loại trái cây này và cả hai bên đã đồng ý hợp tác thúc đẩy quy trình kiểm dịch.
Các nhà xuất khẩu và Viện Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp Malaysia đang đánh giá các phương thức vận chuyển khác nhau, bao gồm cả vận tải hàng không và đường biển.
Năm 2023, Malaysia sản xuất 455.458 tấn sầu riêng với 10% trong số đó được vận chuyển đông lạnh sang Trung Quốc, Hồng Kông và Singapore. Malaysia xuất khẩu sản phẩm sầu riêng tách múi đông lạnh sang Trung Quốc từ năm 2011 và sầu riêng nguyên quả đông lạnh từ tháng 5-2019.