Tác nhân tác động tình hình xuất khẩu rau quả Việt sang EU theo hiệp định EVFTA

0
1986
xuất khẩu rau quả Việt
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Sau khi hiệp định thương mại EVFTA được thông qua tạo cơ hội cho nông lâm thủy sản Việt Nam đặc biệt là xuất khẩu rau quả Việt sang thị trường EU.

Nội dung chính

1. Đặt vấn đề

Trong 5 năm từ 2014 – 2018, tổng lượng rau quả nhập khẩu của EU luôn tăng trưởng, chiếm tỉ trọng lớn (trên 40%) tổng lượng nhập khẩu toàn cầu. Xuất khẩu rau quả của Việt Nam nói chung, xuất khẩu sang EU nói riêng mặc dù đạt mức tăng trưởng khá lớn (tăng bình quân 20,76%/năm), nhưng giá trị xuất khẩu chiếm tỉ trọng thấp (năm 2018 chiếm gần 1% trong tổng lượng nhập khẩu rau quả của EU là 13,8 tỉ USD) chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế trong sản xuất – cung ứng xuất khẩu nhóm hàng này.

Trong tình thế đó, Hiệp định thương mại tự do EVFTA được kí kết (tháng 6/2019), Hạ viện EU thông qua (tháng 2/2020) và được triển khai sẽ tạo ra những cơ hội mới cho phát triển thương mại xuất nhập khẩu EU – Việt Nam nói chung và xuất nhập khẩu nhóm hàng rau quả nói riêng. Đồng thời, cũng xác lập các yêu cầu cấp thiết có ý nghĩa quan trọng trong hoạch định chính sách, tổ chức và triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển xuất khẩu nhóm hàng. Trước hết là các nhà quản lí kinh doanh, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu rau quả của Việt Nam phải nhận diện được các tác nhân tác động – các yếu tố cốt lõi, các điều kiện tiên quyết trong triển khai phát triển xuất khẩu, nâng cao giá trị cung ứng và giá trị gia tăng xuất khẩu nhóm hàng trong bối cảnh kinh doanh mới với sự tác động đồng thời của tự do hóa thương mại toàn cầu, của xu thế bảo hộ thương mại của các quốc gia lớn và các hiệp định thương mại đa phương, song phương, nhất là hiệp định thương mại tự do EVFTA.

2. Một số cơ sở lí thuyết nghiên cứu

* Khái niệm và phân loại nhóm mặt hàng rau quả xuất khẩu

Nhóm hàng rau quả xuất khẩu là toàn bộ danh mục sản phẩm rau, củ, quả tươi sống và chế biến mà quốc gia/doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường nước ngoài được đo lường qua 4 thông số cấu trúc sau: chiều rộng (biểu thị số lượng các nhóm mặt hàng khác nhau); chiều sâu (tổng số loại và phương án mặt hàng cùng thỏa mãn một nhu cầu); chiều dài (tổng số tên hàng trong tổng của tổng danh mục sản phẩm); độ bền tương hợp (biểu thị độ tương quan chặt chẽ và tương quan tỉ lệ liên kết giữa các nhóm mặt hàng); đảm bảo đáp ứng các yêu cầu chất lượng – thời điểm – chi phí – dịch vụ xuất khẩu theo động thái nhu cầu của thị trường xuất khẩu mục tiêu.

Trong thương mại xuất nhập khẩu hiện nay, mặt hàng rau quả được phân loại theo hệ thống HS của WCO (Tổ chức Hải quan quốc tế) gồm 3 nhóm: nhóm rau ăn được, một số rễ và củ (HS 07); nhóm trái cây và các loại hạt ăn được (HS 08); nhóm các sản phẩm chế biến từ rau, trái cây hoặc các bộ phận khác của cây (HS 20).

* Quan niệm về phát triển xuất khẩu nhóm hàng rau quả

Ở các nước đang phát triển, quan niệm về phát triển xuất khẩu nói chung, phát triển nhóm hàng xuất khẩu có lợi thế so sánh nói riêng hiện nay là phát triển xuất khẩu bền vững đáp ứng các mục tiêu về kinh tế, kinh doanh xuất khẩu nhóm hàng và việc kết hợp với đảm bảo các mục tiêu phát triển ổn định xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo đó:

Một là, mục tiêu xuất khẩu rau quả về kinh tế và kinh doanh phải đảm bảo tăng trưởng bền vững tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu; Phát triển phù hợp cơ cấu và thị trường xuất khẩu; Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm và khả năng vượt rào của xuất khẩu; Nâng cao năng lực tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu toàn cầu và hiệu quả, giá trị gia tăng xuất khẩu mặt hàng rau quả.

Hai là, mục tiêu xuất khẩu rau quả phải đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành sản xuất nông nghiệp góp phần tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ, thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân; đảm bảo các lợi ích và quyền lợi của người lao động, của doanh nghiệp và cộng đồng xã hội tham gia quá trình sản xuất – xuất khẩu nhóm hàng rau quả.

Ba là, mục tiêu xuất khẩu rau quả phải đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ sinh thái; khai thác và bảo tồn nguồn tài nguyên (đất, nguồn nước, giống cây trồng,…); bảo vệ môi trường và giảm tối đa ô nhiễm cũng như các tác động của biến đổi khí hậu,…

* Các tác nhân tác động đến xuất khẩu rau quả

Từ thực tiễn sự phát triển của các lực lượng, yếu tố tác động đến xuất khẩu hàng hóa nói chung và kì vọng mức tác động của chúng khi EVFTA được triển khai cho phép xác định 3 nhóm tác nhân chủ yếu tác động đến xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang EU gồm:

– Cam kết trong EVFTA và các quy định trong quản lí nhập khẩu rau quả của EU. Đây là các tác nhân tạo môi trường và điều kiện để các sản phẩm rau quả xâm nhập thị trường EU như các cam kết và quy định về thuế; các rào cản kĩ thuật môi trường, các biện pháp kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm; chỉ dẫn định lí và sở hữu trí tuệ,…

– Nhu cầu thị trường và tiềm năng nhập khẩu rau quả của EU. Các tác nhân như mức tăng nhu cầu về số lượng (khối lượng và giá trị tiêu thụ) và đòi hỏi cao về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; khả năng cung ứng nội khối EU, những đòi hỏi về cơ cấu, chất lượng, giá trị cung ứng dịch vụ xuất khẩu và mức độ cạnh tranh của thị trường rau quả EU,… là những tác nhân tác động trực tiếp đến xuất khẩu rau quả của các nước xuất khẩu.

– Khả năng cạnh tranh sản phẩm và năng lực cung ứng xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Đây là các tác nhân thể hiện năng lực tích hợp các nguồn lực và giải pháp khai thác các lợi thế trong sản xuất – chế biến và các điều kiện trong cung ứng xuất khẩu rau quả để nâng cao khả năng cạnh tranh, vị thế của sản phẩm và tối đa hóa giá trị cung ứng xuất khẩu nhóm hàng rau quả của Việt Nam trên thị trường EU.

Về cơ chế và mức tác động của 3 nhóm tác nhân được mô tả qua giản đồ ở Hình 1.

3. Nhận diện các tác nhân tác động

3.1. Các cam kết trong EVFTA và quy định quản lí nhập khẩu của EU

Hiệp định EVFTA được triển khai sẽ tạo những cơ hội mới cho thương mại song phương EU – Việt Nam. Đối với nhóm hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu sang EU các tác nhân chủ yếu gồm: (1) Về cơ bản sẽ xóa bỏ hầu hết thuế xuất nhập khẩu ngay khi EVFTA có hiệu lực (94% trên tổng 547 dòng thuế), trong đó chủ yếu là các sản phẩm hiện đang chịu mức thuế suất MFN 10% và một bộ phận có thuế suất 20%; (2) Hiện có 39 chỉ dẫn địa lí (chủ yếu là hàng nông sản và trái cây (như: chè Mộc Châu, cà phê Buôn Mê Thuột, bưởi Đoan Hùng, vải Thanh Hà, xoài cát Hòa Lộc và thanh long,…) được EU bảo hộ không cần thực hiện theo quá trình thông thường; (3) Về kiểm dịch động thực vật (SPS) với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật nói chung, rau quả nói riêng phải tuân thủ các quy định SPS rất nghiêm ngặt trong nuôi trồng, sản xuất và duy trì hệ thống cảnh báo nhanh. EU cũng tạo một số thuận lợi cho xuất nhập khẩu giữa hai bên như: danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng yêu cầu mà 2 bên đề xuất; công nhận tương đương; quy định linh hoạt với các biện pháp SPS do EU ban hành mà Việt Nam khó đáp ứng (bằng các phương án Việt Nam lựa chọn); thống nhất thủ tục và điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm;… đã tạo ra những cơ hội lớn cho phát triển xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Bên cạnh các tác nhân tạo cơ hội này, các nước EU gia tăng việc sử dụng các công cụ, biện pháp bảo hộ người tiêu dùng và sản xuất trong nước mà không vi phạm các cam kết song phương, đa phương như: các rào cản kĩ thuật (TBT), các quy định về tiêu chuẩn chất lượng môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định kiểm dịch động thực vật,… Điển hình là quy định mức dư lượng tối đa thuốc trừ sâu trong và trên thực phẩm rau quả; quy định về trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và sở hữu trí tuệ là những tác nhân tạo thách thức lớn với xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

3.2. Nhu cầu thị trường và hiệu năng nhập khẩu rau quả của EU

Thị trường EU gồm 28 quốc gia với khoảng 510 triệu dân có tổng GDP chiếm 1/4 GDP toàn cầu (hơn 15.000 tỉ USD) có nhu cầu đa dạng và khác biệt về hành vi tiêu dùng và chủng loại rau quả. Tổng lượng tiêu thụ rau quả bình quân năm khá lớn: tiêu thụ các loại rau từ 115 – 130 triệu tấn/năm, tiêu thụ trái cây từ 70 – 85 triệu tấn/năm. Người tiêu dùng EU có đòi hỏi cao về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường; ưa thích sử dụng sự đa dạng về chủng loại, những nhãn hiệu có uy tín, nhất là các loại rau quả đặc sản của nước xuất khẩu; quan tâm đến tương quan chất lượng – giá và trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất, nhà xuất khẩu.

Mặc dù đạt tổng giá trị nhập khẩu khá lớn nhưng EU luôn là khu vực nhập siêu, trong đó mức nhập siêu lớn nhất là mặt hàng trái cây và các loại hạt ăn được (năm 2018 EU nhập siêu mặt hàng này khoảng -23,3 tỉ USD). EU chủ yếu nhập khẩu rau quả từ các nước thuộc EU và gần EU như Hà Lan, Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Thổ Nhĩ Kì, Ba Lan… Tỉ lệ nhập khẩu các nước ngoài EU còn thấp (chiếm khoảng gần 2,8% năm 2018), trong đó có rau quả của một số nước đang phát triển ở Đông Nam Á như Thái Lan, In-đô-nê-xia, Việt Nam,… Cạnh tranh thị trường rau quả EU ngày càng gia tăng về phạm vi cạnh tranh, đạt cường độ cạnh tranh lớn. Như vậy, sự phát triển nhu cầu thị trường (nội địa và xuất khẩu); khả năng sản xuất – cung ứng nội khối EU; cường độ cạnh tranh thị trường và những lợi thế cạnh tranh của các nhà xuất khẩu rau quả sang EU là các tác nhân tác động trực tiếp quyết định đến phá triển mặt hàng, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị cung ứng và giá trị gia tăng xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam.

3.3. Khả năng cạnh tranh sản phẩm và năng lực cung ứng xuất khẩu rau quả Việt Nam

Theo số liệu của ITC và đánh giá của Bộ Công Thương năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng rau quả của Việt Nam sang EU trong 5 năm gần đây tăng bình quân 20,76%. Trong đó, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là trái cây tươi (tăng 22,89%/năm) và chỉ số lợi thế cạnh tranh (RCA) đạt 3,66 điểm lớn hơn trái cây tươi của Trung Quốc, Hoa Kì, Thái Lan, In-đô-nê-xia. Nhiều trái cây tươi của Việt Nam đã định vị cạnh tranh khá trên thị trường EU, trong khi các mặt hàng rau củ và chế biến khả năng cạnh tranh còn thấp. Năng lực cung ứng xuất khẩu mà biểu hiện trọng yếu qua giá trị cung ứng và giá trị gia tăng xuất khẩu nhóm hàng chưa đủ lớn, chưa tương xứng với đầu tư phát triển các yếu tố nguồn lực trong sản xuất (sự phát triển của diện tích canh tác; giống và công nghệ nuôi trồng; công nghệ sơ chế và chế biến;…) và trong cung ứng xuất khẩu (năng lực đáp ứng yêu cầu đa dạng về cơ cấu nâng cao chất lượng mặt hàng; phát triển thị trường và nâng cao giá trị cung ứng cho khách hàng;…).

Trong bối cảnh kinh doanh những năm tiếp theo, các nhà quản lí xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nhận dạng và dự báo nhóm tác nhân này mà trước hết là từ dự báo nhu cầu thị trường nhập khẩu EU với từng nhóm hàng nhận dạng các tác nhân để: (1) Gia tăng diện tích nuôi trồng rau quả phù hợp (hiện mới có khoảng trên 1,8 triệu ha), lựa chọn phát triển cây giống (nhất là với các rau quả có lợi thế cạnh tranh, đặc sản vùng miền); (2) Ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong sơ chế chế biến sản phẩm; (3) Phát triển danh mục mặt hàng, đảm bảo chất lượng sản phẩm theo các quy định, các tiêu chuẩn quốc tế và của EU; (4) Nhận dạng các thời cơ từ các FTA thế hệ mới nhất là EVFTA để tích hợp các nguồn lực nâng cao năng lực giá trị cung ứng xuất khẩu nhóm hàng rau quả; (5) Nhận dạng các tác nhân để phát triển xuất khẩu rau quả bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái. Đây chính là các yếu tố cốt lõi, điều kiện tiên quyết để phát triển khả năng cạnh tranh và năng lực cung ứng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian tới khi mà thị trường EU cạnh tranh khốc liệt hơn nhiều so với hiện tại.

4. Kết luận

Để hoạch định chính sách và triển khai các giải pháp đạt thành các mục tiêu phát triển xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang EU thời gian tới trong bối cảnh thực hiện các hiệp định thương mại tự do nhất là EVFTA, cấp thiết đòi hỏi hệ thống quản lý kinh doanh xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không chỉ nhận diện xác đáng mà phải đo lường mức tác động chính xác, toàn diện của các tác nhân tác động trên đây.

Do những giới hạn về thời gian nghiên cứu, nguồn dữ liệu, số liệu thu thập được, bài viết của tác giả tập trung nhận diện và luận giá một cách khái quát nhất sự tác động của ba nhóm tác nhân chủ yếu tác động đến xuất khẩu rau quả Việt Nam sang EU thời gian tới. Vì vậy, bài viết sẽ không tránh khỏi những hạn chế và đặt ra yêu cầu cho các nghiên cứu tiếp theo của tác giả.

Nguồn:http://tapchicongthuong.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây