Sở NN & PTNT Tiền Giang đã thực hiện thanh tra đối với 34 cơ sở sản xuất, buôn bán giống cây trồng; lấy 3 mẫu lúa giống phân tích, kiểm định chất lượng giống.
Tiền Giang là địa phương có diện tích trồng cây ăn trái lớn ở ĐBSCL với khoảng trên 82.000ha. Các loại cây có diện tích lớn là sầu riêng, mít, khóm và thanh long. Nhu cầu phục vụ cho cải tạo vườn và trồng mới ước tính khoảng 1,6 triệu cây giống/năm. Bên cạnh đó, nhu cầu hạt giống lúa cấp xác nhận phục vụ cho xuống giống khoảng 14.000 tấn, nhu cầu hạt giống F1 phục vụ cho sản xuất dao động từ 203 tấn hạt giống/năm.
Hiện nay, công tác sản xuất cây giống trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Toàn tỉnh có 141 cơ sở sản xuất và kinh doanh giống, trong đó chỉ có 22 cơ sở sản xuất với năng lực khoảng 200.000 sản phẩm cây giống, chiếm 12,5%, còn lại phải nhập từ các tỉnh lân cận, đặc biệt là Bến Tre.
Thời gian qua, ngành chức năng Tiền Giang đã tập trung quản lý và phát triển giống cây ăn trái. Dẫu vậy, quá trình quản lý phát sinh nhiều hạn chế. Cụ thể, các cơ sở sản xuất, buôn bán giống cây trồng chưa tuân thủ các quy định về buôn bán giống như nhãn mác, gốc ghép, mắt ghép… Có tình trạng các cơ sở sản xuất và kinh doanh giống chưa được công nhận lưu hành và công nhận lưu hành đặc biệt. Giống cây trồng không rõ nguồn gốc lưu hành trên thị trường còn khá phổ biến.
Để đảm bảo chất lượng giống cây trồng, tỉnh Tiền Giang đã triển khai 15 lớp tuyên truyền về các quy định pháp luật liên quan tới giống cây trồng cho 972 cá nhân cũng như các tổ chức tham gia sản xuất, buôn bán giống cây trồng. Bên cạnh đó, Sở NN & PTNT đã tham mưu HĐND tỉnh Tiền Giang ban hành Nghị quyết 12 ngày 8/7/2022 về việc quy định nội dung hỗ trợ, mức chi hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất giống trong chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2022 – 2030.
Theo số liệu điều tra sơ bộ của ngành nông nghiệp, toàn vùng ĐBSCL có hơn 1.600 tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, buôn bán giống cây trồng, gồm: cơ sở hộ cá thể, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp, viện, trường, trung tâm giống. Trong đó, có khoảng 900 cơ sở có đăng ký quản lý, số cơ sở còn lại đang hoạt động tự do, trôi nổi và khó hoặc không quản lý được chất lượng.
Ông Võ Hữu Thoại – Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam cho rằng, để phát triển bền vững cây giống, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện các chương trình lai tạo giống mới phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường; tạo giống chống chịu một số dịch hại quan trọng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung ưu tiên những cây trồng chủ lực, có lợi thế vùng miền, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, gắn với việc bảo hộ giống mới của Việt Nam.
Để từng bước đưa công tác quản lý chất lượng giống cây ăn quả, Ông Hoàng Trung – Thứ trưởng Bộ NN & PTNT cho biết, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ, các địa phương và doanh nghiệp một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.
Theo ông Hoàng Trung, cần công khai những đơn vị, cơ sở vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh giống cây trồng trên từng địa bàn. Bên cạnh đó, kịp thời cung cấp thông tin, khuyến cáo người dân sử dụng giống của những đơn vị, cơ sở sản xuất có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng.