“Mặc dù có điều kiện thích hợp để sản xuất hạt giống rau, hoa nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu trên 90% hạt giống/năm”.
Hiện nay, cả nước có khoảng 100 đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cấp tỉnh, 65 đơn vị ở phía Bắc và 35 đơn vị ở phía Nam. Nhiệm vụ chủ yếu của các đơn vị này là sản xuất, cung ứng các loại giống cây trồng cho yêu cầu của địa phương.
Có 15 công ty đa quốc gia/liên doanh với nước ngoài đang hoạt động. Cũng giống các doanh nghiệp tư nhân trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam tập trung sản xuất, kinh doanh và phân phối/ủy thác phân phối các sản phẩm giống ưu thế lai tại Việt Nam. Các viện nghiên cứu nông nghiệp đã mạnh dạn thành lập các doanh nghiệp trực thuộc tham gia kinh doanh lĩnh vực giống cây trồng.
Tuy nhiên, theo ông Định, hệ thống sản xuất giống tuy nhiều nhưng năng lực hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực của sản xuất hàng hóa, hướng xuất khẩu.
“Khâu yếu nhất của Việt Nam với ngành hàng hạt giống đó là giống rau, hoa. Mỗi năm nước ta vẫn phải nhập trên 90% hạt giống loại này với giá trị vài chục triệu USD, mặc dù chúng ta có những vùng khí hậu núi cao phía Bắc, Đà lạt có thể sản xuất được hạt giống các loại rau cận ôn đới” – ông Định nói.
Nguyên nhân của thực trạng này là do các quy định của pháp luật còn một số bất cập, thủ tục rườm rà, các văn bản hướng dẫn luật chậm ban hành và một số còn mâu thuẫn, thiếu tính khả thi làm hạn chế tính sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới chọn tạo và phóng thích giống cây trồng nông nghiệp ra lưu hành.
Sự không đồng đều về hệ thống sản xuất và cung ứng giữa các vùng miền, số lượng doanh nghiệp tham gia ngành giống khá đông nhưng không thực sự mạnh. Khu vực ĐBSCL, vựa sản xuất lúa, trái cây nhưng số công ty sản xuất giống lớn, có tiềm lực là rất ít; giống lúa là chủ lực nhưng vẫn còn trên 25% nông dân sử dụng giống tự mình chọn giữ.
Ngoài ra, quyền tác giả chưa được chú trọng đúng mức, tình trạng xâm phạm bản quyền tác giả về giống, gồm cả các giống nhập nội vẫn xảy ra thường xuyên gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như chứng minh xuất xứ với các sản phẩm xuất khẩu.
Diện tích gieo trồng một số nhóm cây trồng giảm do chuyển đổi đất sang mục đích khác, cầu về hạt giống cũng sẽ giảm, trong khi chất lượng yêu cầu tăng và đáp ứng các tiêu chuẩn Việt Nam cũng như tiêu chuẩn cơ sở đã được công bố.
Tổng Thư ký VSTA đề xuất cần sửa Luật Trồng trọt và các nghị định, thông tư hướng dẫn để khả thi hơn, thực tế hơn, tránh tình trạng mâu thuẫn nhau giữa các luật; có các giải pháp giải quyết các vướng mắc về tên giống tự công bố lưu hành với một loạt tên các giống rau, hoa của một số đơn vị đã được bảo hộ tên hoặc nhãn hiệu hàng hóa nhưng bị đơn vị đăng ký trước “chộp” mất.
Ông Định cũng đề nghị sửa quy định TCVN về khảo nghiệm giống ngô, bổ sung các quy định và quản lý bán giống cây trồng, hạt giống cây trồng qua mạng, có chế tài xử lý mạnh để răn đe và tránh gây thiệt hại cho nông dân.