Cá hồi là loài cá nước lạnh có thị trường tiêu thụ rộng lớn, được mọi người yêu thích. Nếu chủ động được con giống, nguồn thức ăn thì sẽ đem lại kinh tế cao. Đa số cá hồi giống và thức ăn được nhập từ nước ngoài, chính vì vậy chi phí đầu tư khi nuôi cá hồi khá cao.
Cá hồi – loài cá lội ngược dòng tìm về quê hương
Cá hồi có kích thước và tuổi thọ cao, thân hình thuôn dài, đầu tròn và nhỏ hơn so với thân. Cá sở hữu cái miệng rộng, hàm trên hơi khoằm, mắt cá tròn. Lưng cá hơi cong và có 2 vây. Vây của cá xòe vuông.
Cá hồi không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà nó còn chứa câu chuyện thú vị. Cá sinh ra ở sông, lớn lên chúng sẽ bơi ra biển cả. Khi chúng đến kì sinh sản sẽ bơi ngược dòng để trở về quê hương nguồn cội của mình.
Các nhà nghiên cứu chưa thể giải thích được sự tài tình này của chúng, có người nói rằng chúng có thể dựa vào dòng nước để trở về với quê hương.
Nhưng chúng trở về sông suối vào kì sinh nở không phải là không có lí do, vì môi trường biển không phải là nơi lí tưởng cho cá con phát triển, mà đẻ ở biển cũng có những mối hiểm họa khôn lường là cá mập hay các con cá khác.
Chính vì vậy việc trở về sông suối nơi chúng sinh ra để sản sinh ra lứa tiếp theo chính là tạo điều kiện cho con cái chúng và tránh được kẻ thù.
Điều kiện nuôi cá hồi
- Nhiệt độ: 10 – 17 độ C
- Hàm lượng oxy hoà tan: 5,5 – 6,5 mg/l
- Mật độ nuôi: 18-20 kg/m3
- Hệ số thức ăn tối thiểu trên 1 kg
Sapa là nơi được cho là vùng có điều kiện khí hậu lý tưởng để nuôi cá hồi. Chọn nơi có độ cao trên 1800m so với mực nước biển, khí hậu lạnh lý tưởng thì tỉ lệ trứng cả nớ 98%, tỉ lệ cá bột sống hơn 70%.
Bể nuôi cá thiết kế như thế nào?
Bể nuôi có diện tích tối thiểu 100 m2. Các bể có hệ thống nước ra, vào liên tục, đảm bảo nguồn nước sạch quanh năm. Nếu có điều kiện đầu tư thêm hệ thống điện chiếu sáng, mái che. Các ống nước được chảy liên tục suốt ngày đêm để cá phát triển nhanh.
Xây dựng bể chứa, bể xử lý nước, hệ thống sục khí để nâng cao chất lượng nuôi cá hồi. Để đảm bảo lượng oxy hòa tan, bố trí thêm dây sủi hoặc quả sủi để không khí phát tán đều trong môi trường nước.
Làm thêm mái che khi nuôi cá, mái làm bằng lưới sợi nilon màu đen. Thiết kế thêm mái che sẽ tăng hiệu quả nuôi cá, hạn chế nhiệt độ tăng lên.
Thức ăn của cá hồi
Trong tự nhiên thì thức ăn của loại cá này là giáp xác nhỏ, ấu trùng, cá con, tôm cua… Nuôi nhân tạo cá hồi thì cho ăn thức ăn viên công nghiệp với hàm lượng đạm 40 – 70%, hàm lượng chất béo 20 – 30%.
Cá hồi không thuộc loại phàm ăn nên bà con cần quan sát để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
Giai đoạn cá giống
Nếu nuôi mật độ dày hãy cho ăn liên tục 4 giờ 1 lần, thức ăn chia đều giữa các lần ăn. Cho ăn 6 – 10% trọng lượng của cá, kích cỡ thức ăn khác nhau từ dạng mảnh vụn cho đến 2mm.
Khi cho ăn hãy vặn nhỏ van cấp nước rồi rải đều thức ăn lên mặt bể để cá được ăn đều. Sau khi cá ăn hết thì điều chỉnh van cấp nước trở lại như ban đầu.
Bà con cần lưu ý, giai đoạn cá giống cá rất nhạy cảm với nước, nên giảm 50% lượng thức ăn và dâng nước cao hơn bình thường 20 – 30cm, tăng lưu tốc nước lên 10 – 15%.
Nếu muốn cá khỏe mạnh và tỉ lệ sống cao thì nên nhập khẩu thức ăn từ nước ngoài như Phần Lan…để đạt hiệu quả nuôi trồng cao hơn. Tuy giá cao nhưng tiền nào của nấy, thức ăn sẽ đảm bảo chất lượng và dinh dưỡng.
Giai đoạn nuôi thương phẩm
Cho ăn 4 lần 1 ngày với liều lượng 2 – 5% trọng lượng của thân. Thức ăn có hàm lượng đạm trên 45%. Cho ăn nhớ lưu ý nhiệt độ, độ trong của nước. Khi nhiệt độ nước cao hơn 25 độ C cá sẽ trở nên kén ăn và hoạt động kém nên cần lượng thức ăn đồng thời san thưa cá.
Quản lý, chăm sóc khi nuôi cá hồi
Nuôi cá hồi thì quan trọng nhất là đảm bảo được nhiệt độ. Nếu nhiệt độ tăng cao trên 25 độ C trong một thời gian dài sẽ làm sức khoẻ cá giảm sút, cá gầy do giảm ăn, mắc các bệnh lở loét trên thân. Luôn đảm bảo nhiệt độ từ 4 – 24 độ C, nhiệt độ tốt nhất là 12 – 21 độ C.
Quan sát và ghi chép lại hoạt động cũng như tình hình sức khỏe của cá, cá hồi thường mắc các bệnh do nấm và ký sinh trùng gây ra. Do vậy bà con hãy định kì tắm cá trong nước muối 2% khoảng 20 – 30 phút, thực hiện 2 lần/tuần.
Xi phông đáy bể hằng ngày tránh thức ăn dư thừa còn sót lại làm ô nhiễm nước, ảnh hưởng đến cá.
Thu hoạch cá hồi
Nuôi sau 12 – 15 tháng là cá đạt kích cỡ thương phẩm từ 1,5 – 1,8 kg. Khi tiến hành thu hoạch cần đảm bảo cẩn thận nhẹ nhàng tránh cá chết hoặc làm giảm giá trị thương phẩm.
Cá hồi rất được ưa chuộng vì thịt rất ngon và tốt cho sức khỏe. Chính vì vậy nếu chủ động được con giống, đảm bảo thức ăn, ổn định đầu ra thì sẽ đạt được hiệu quả kinh tế cao. Nếu không thì sẽ không hiệu quả lắm vì chi phí đầu tư khi nuôi cá hồi rất cao.