Ngày 22/9, tại tỉnh Bến Tre, Tổng cục Khí tượng Thủy văn phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị nhận định mưa, lũ nửa cuối năm 2023, El Nino, nguồn nước, hạn mặn mùa khô năm 2023-2024 khu vực Nam Bộ. Theo đó, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ về xâm nhập mặn ở ĐBSCL nhận định, một số nhánh sông khu vực ĐBSCL sẽ bị xâm nhập mặn tương đương đợt hạn mặn lịch sử mùa khô năm 2015 – 2016.
Hội nghị diễn ra tại Bến Tre, do Tổng cục Khí tượng Thủy văn phối hợp UBND tỉnh Bến Tre tổ chức, có đại diện 19 Ban phòng chống thiên tai của 19 tỉnh thành phía nam tham dự.
Tại hội nghị, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ dự báo, từ nay đến đầu tháng 10/2023, ở hạ lưu sông Mekong có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ nhỏ. Từ cuối tháng 10/2023 đến tháng 3/2024, mực nước sông Mekong xuống dần. Tổng lượng chảy trong mùa khô năm 2023 – 2024 từ thượng nguồn sông Mekong đổ về hạ lưu và ĐBSCL thiếu hụt từ 20 – 25% so với trung bình nhiều năm. Trong khi tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn đổ về.
Do đó, mùa khô năm nay, xâm nhập mặn tại Nam Bộ sẽ tiếp tục ở mức sâu hơn, gay gắt hơn. Trong một số thời điểm, một số nhánh sông sẽ bị xâm nhập mặn tương đương đợt hạn mặn lịch sử mùa khô năm 2015 – 2016.
Cụ thể, trên vùng ven sông Vàm Cỏ (Long An), độ mặn cao nhất diễn ra vào tháng 4.2024, độ mặn 4 g/l xâm nhập sâu đến 120 km, tính từ cửa sông. Trên vùng cửa sông Tiền, vào tháng 3.2024, độ mặn 4 g/l sẽ lấn sâu vào nội đồng đến 75 km. Trên vùng cửa sông Hậu, ranh mặn từ 3 – 5 g/l sẽ lấn sâu khoảng 60 km, tính từ cửa sông, vào tháng 3.2024.
Tại khu vực miền Đông Nam bộ, hiện tượng El Nino sẽ kéo dài đến đầu năm 2024. Năm nay, nắng nóng ở khu vực Nam bộ có lúc trên 39 độ C và nhiệt độ này chưa từng xảy ra tại khu vực Nam bộ trong nhiều năm trước.
Ông Lê Đình Quyết – Phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết, kết quả tính toán, xâm nhập mặn cuối năm nay và đầu năm sau chưa xem xét được ảnh hưởng của gió chướng, tiêu thụ nước và việc vận hành các hồ chứa ở thượng nguồn. Đây lại là các yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến độ mặn vùng hạ lưu.
Độ mặn vùng hạ lưu sông Cửu Long có thể thay đổi theo hướng phức tạp hơn nếu gặp các điều kiện thời tiết bất lợi.
“Tuy nhiên kết quả chung cho thấy độ mặn tại các sông trong mùa khô 2023 – 2024 ở mức cao. Vì vậy, các địa phương cần có biện pháp tích trữ và sử dụng hợp lý nguồn nước ngọt. Cùng với đó là bố trí mùa vụ hợp lý, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo”, ông Quyết nói với các lãnh đạo địa phương tham dự hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Ông văn Lê Hồng Phong – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy, cho biết, khu vực Nam Bộ được nhận định là nơi có thời tiết ôn hòa nhất trên cả nước, nhưng hiện nay cũng đang phải đối mặt với những thách thức và chịu tổn thương từ nhiều loại hình thiên tai, đặc biệt như: hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng, triều cường gây ngập lụt, sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng gia tăng cả về cường độ và phạm vi ảnh hưởng, tác động nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân.