Cá rô đầu vuông đang được nuôi nhiều hiện nay vì có nhiều ưu điểm vượt bậc so với cá rô thường. Được tuyển chọn từ những con cá đầu đàn lớn, nếu nuôi tốt có thể đạt kích cỡ 8 lạng vì vậy nuôi cá rô đầu vuông hiện đang là sự lựa chọn của nhiều nông hộ.
Ưu điểm của cá rô đầu vuông
Nhà nông đã nhìn thấy nhiều ưu điểm của loại cá này, đó là có tốc độ lớn nhanh, kích cỡ lớn, ít bệnh, sức đề kháng tốt mà thịt cũng thơm ngon, bổ dưỡng. Cá rô đồng còn có thể chống chịu với thời tiết tốt, chịu được nóng và lạnh.
Các hộ nuôi cá rô đầu vuông chia sẻ loại cá này tiêu thụ thức ăn ít, cụ thể 1kg cá sẽ chỉ tốn 1,4kg thức ăn trong khi cá rô đồng sẽ tốn 2kg. Chính vì vậy nuôi cá rô đầu vuông sẽ giúp người nông dân tiết kiệm được chi phí thức ăn.
Cá rô đầu vuông rất nhanh lớn, trung bình bà con nuôi 4 tháng có thể đạt 6 con/kg. Nuôi trong 7 tháng cá rô có thể đạt kích cỡ 500 – 800g. Thậm chí cá rô đầu vuông có thể đạt trọng lượng lên đến 900g nếu nuôi tốt, biết cách, mà nếu muốn biết cách nuôi cá rô đầu vuông nhanh lớn thì hãy tìm hiểu ngay dưới đây!
Đặc điểm nhận dạng cá rô đầu vuông
Xét về ngoại hình thì cá rô đầu vuông cũng giống cá rô đồng nhưng khi lớn lên đầu có phần to và vuông, mình dài hơi cong, bụng xệ, đuôi dài, vây dày, vẩy có màu vàng sậm, có hai chấm đen ở đuôi.
Cá rô đầu vuông có tập tính sinh sản là tập trung vào mùa mưa, có tính giữ con, có khả năng sinh sản nhiều vào tháng 6 – tháng 7.
Kỹ thuật nuôi cá rô đầu vuông lớn nhanh
Chọn giống
Đây là khâu quan trọng khi nuôi bất kì còn gì, đối với rô đầu vuông cần chọn những con đạt tiêu chuẩn sau:
- Đạt cỡ 300 – 350 con/kg
- Con giống phải đồng đều, bơi nhanh, không bị dị tật
- Không bị xây xát, da nhiều nhớt, màu sắc tươi sáng
Chuẩn bị ao nuôi
Diện tích ao nuôi cá tối thiểu 200m2, phải gần nguồn nước sạch, có thể chủ động được nguồn nước và đất không bị nhiễm phèn. Ao có độ sâu mực nước là 1,6 – 2m, lớp bùn đáy 15 – 20cm. Ao nuôi phải có hệ thống cấp nước và thoát nước riêng, có lưới chắn bên ngoài.
Bố trí lồng trong ao nuôi để tiện theo dõi và quản lý.
Trước khi cho nước vào và thả cá nên cải tạo lại ao nuôi bằng cách tát cạn nước trong ao sau đó tiêu diệt hết cá tạp, vệ sinh phong quang xung quanh bờ ao như diệt cỏ, diệt địch hại… Lấp lại các hang hốc. Bón vôi sau đó phơi ao 5 – 7 ngày tùy điều kiện.
Cách gây màu nước tự nhiên cho ao
Sau khi bơm nước với mức nước 0,5m ta tiến hành gây màu nước cho ao. Có nhiều cách, ta có thể dùng bột đậu nành pha với nước tạt xuống ao với liều lượng 3 – 5kg/100m2. Cách khác là dùng phân NPK.
Chú ý trước khi lấy nước vào ao nên lọc qua lưới tránh cá tạp và địch hại bơi vào.
Tiêu chuẩn chất lượng nước trong ao nuôi
- Độ pH 7.0 – 8.0
- Ôxy hòa tan (DO) > 4 mg/l
- Nhiệt độ 25 – 30 độ C
- Amonia (NH3) < 1.0 mg/l
- Niterite ( NO2) < 0.3 mg/l
- Độ trong 40 cm
- Khí sunfurhydro ( H2S) < 0,01 mg/l
Thả cá
Nên thả cá với mật độ 20 – 30con/m2 với thời gian nuôi 6 tháng. Trước khi thả cá hãy tắm cho cá trong nước muối 15 – 30 phút. Cách thả cá tương tự như những con cá khác, nếu vận chuyển bằng túi nilon thì phải ngâm túi nilon trong ao 1 thời gian rồi mới thả. Trước khi thả cá phải để cá làm quen và thích nghi với độ pH của nước trong ao.
Thức ăn cho cá
Cá rô đầu vuông là loại ăn tạp thiên về động vật (tôm, tép, cá con…). Theo bà Lê Thị Triết – cán bộ trung tâm khuyến ngư chia sẻ cá có thể ăn cám gạo, bánh dầu, bột bắp làm thức ăn bổ sung. Khi nuôi thâm canh nên cho ăn thức ăn công nghiệp với độ đạm 28 – 35%. Nuôi cá mật độ thấp nên sử dụng thức ăn chế biến.
Cho cá ăn tùy theo giai đoạn sinh trưởng:
- 1 tháng tuổi: Thức ăn chứa 35 độ đạm, cho ăn 5 – 7% trọng lượng thân cá
- 1 – 2 tháng tuổi: Ăn 30 độ đạm, khẩu phần ăn 4 – 6 % trọng lượng thân cá
- 2 tháng đến thu hoạch: Cho ăn 28 độ đạm, khẩu phần ăn 2-3 % trọng lượng thân cá
Người đi trước chia sẻ nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp
Đó là bà Lại Thị Thương tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư thức ăn công nghiệp nuôi rô đầu vuông. Bà chia sẻ cho ăn cám hiệu AFIEX trong 30 ngày đầu kết hợp trứng nước, phù du có sẵn trong ao. Sau khi ương 1 tháng thì vẫn sử dụng thức ăn hiệu đó nhưng tăng lượng thức ăn lên, định kỳ bổ sung vitamin C cho cá khỏe mạnh.
Tuy chi phí cao nhưng cá lớn nhanh, ít bệnh, thịt ngon, bán giá cao.
Quản lý, chăm sóc
Định kỳ thay nước trong ao và chỉ thay 20 – 40% nước. Chú ý nếu nước bị bẩn thì phải thay ngay. Theo dõi tình hình sức khỏe của cá, nếu có dấu hiệu bất thường thì phải chữa ngay. Cá rô đầu vuông cũng mắc các bệnh như loài cá khác như bệnh nấm thủy mi, bệnh lở loét…
Sau khi thay nước tiến hành té vôi bột với lượng 1 – 2kg/100m2. Hai ngày sau khi té vôi dùng IODINE hoặc BKC sát khuẩn nước ao nuôi với liều lượng 1 lít/1500 – 2000m3 nước, chờ hai ngày sau dùng chế phẩm sinh học với lượng 1000g/ 2500 – 3000m3 nước.
Thu hoạch cá rô đầu vuông
- Thu tỉa: Thu hoạch những con đạt kích cỡ thương phẩm, thu bằng lưới hoặc bắt thủ công
- Thu toàn bộ: Thu hoạch vào tháng 11 – 12 dương, thu bằng lưới kết hợp tháo cạn để bắt cá. Trước khi thu hoạch bà con nên tìm hiểu thị trường giá cả.
Sau khi thu hoạch bà con tiến hành vệ sinh, cải tạo ao nuôi để chuẩn bị cho vụ thắng lợi.
Bảo quản cá rô đầu vuông sau thu hoạch
Bảo quản bằng thùng: Dụng cụ bảo quản như thùng xốp, thùng phuy bằng nhựa, thùng nhựa cần được vệ sinh sạch sẽ. Trước khi bỏ cá vào rải đá nhỏ 5 – 10cm xuống đáy thùng rồi đặt cá vào. Cho thêm 5cm lớp đá rồi lại đặt cá lên. Lớp trên cùng là lớp đá, đậy kín thùng rồi dán chặt.
Bảo quản trong kho lạnh: Nếu muốn bảo quản thời gian dài thì sử dụng kho lạnh. Rửa sạch, mổ lấy nội tạng, mang, đem rửa sạch để ráo nước, tiến hành cho cá vào trong hộp nhựa có nắp đậy hoặc trong các túi nilon buộc kín lại.
Hiệu quả của nuôi cá rô đầu vuông cho thấy cá đạt năng suất cao, nhà nông rút ngắn được thời gian nuôi, thu lãi lớn. Tuy nhiên để tránh “được mùa mất giá” thì bà con phải có kế hoạch và chiến lược phù hợp, nuôi theo vùng chứ không nên đổ xô nuôi loại quá này gây khó khăn trong việc tìm đầu ra.