Tăng năng suất cho cây mía nhờ công nghệ tưới nhỏ giọt

0
598
Tăng năng suất cho cây mía nhờ công nghệ tưới nhỏ giọt
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Mía là tên gọi chung của một số loài trong loại Saccharum, bên cạnh các loài lau, lách khác. Chúng vốn là các loài cỏ, có thân cao từ 2-6 m, chia làm nhiều đốt, bên trong có chứa đường. Tất cả các giống mía trồng đều là các giống mía lai nội chi hoặc nội loại phức tạp. Mía là nguồn nguyên liệu liệu chính của ngành công nghiệp chế biến đường, chiếm trên 60% tổng sản lượng đường thô của toàn thế giới. Đường giữ một vai trò rất quan trọng trong khầu phần ăn hàng ngày của con người, là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống xã hội.

Nhờ đặc điểm có chỉ số diện tích lá lớn (gấp 5-7 lần so với diện tích đất) và khả năng lợi dụng cao ánh sáng mặt trời (tối đa tới 6 – 7% trong khi các cây trồng khác chỉ đạt 1 – 2%), trong vòng 10 – 12 tháng, một hecta mía có thể cho năng suất hàng trăm tấn mía cây và một khối lượng lớn lá xanh, gốc, rễ để lại trong đất. Vậy nên, để mía có năng suất tốt nhất, ngoài việc đầu tư giống, phân bón, vấn đề nước tưới cho cây mía đồi được xem là khâu kỹ thuật cực kỳ quan trọng.

Tăng năng suất cho cây mía nhờ công nghệ tưới nhỏ giọt
Cung cấp đầy đủ nước tưới là giải pháp tăng năng suất và chất lượng cho cây mía.

Các phương pháp cấp nước tưới cho cây mía

Để cung cấp nước tưới cho cây mía, biện pháp cổ xưa nhất mà những cư dân trồng trọt áp dụng đó là tưới tràn (tưới ngập). Đối với nền nông nghiệp hiện đại người dân thường sử dụng: Tưới phun mưa; phun sương; tưới nhỏ giọt… được xem là những biện pháp tiên tiến hiện nay.

Tưới nước bổ sung hợp lý cho mía ở các giai đoạn cần nước của cây, tùy thuộc vào điệu kiện, có thể lựa chọn và áp dụng những cách tưới phù hợp với ruộng mía như sau:

  • Tưới bằng phương pháp tưới phun mưa: Lượng tưới 400 m3/ha/lần tưới, thời gian giữa 2 lần tưới cách nhau 7 ngày ở giai đoạn mọc mầm, 10 ngày ở giai đoạn đẻ nhánh và 20 ngày ở giai đoạn đầu vươn cao. Ở hình thức tưới này, nước từ nguồn được máy bơm đẩy lên hệ thống ống dẫn và qua các vòi phun được bố trí tại mặt ruộng theo dạng các giọt mưa. Đây là hình thức tưới được nhiều nơi áp dụng, đặc biệt là ở các khu nguyên liệu mía của các công ty mía đường lớn trong nước
  • Tưới bằng phương pháp tưới tràn: Tưới 1 lần/tháng, lượng tưới 1.000 m3/ha/lần tưới.
  • Tưới rãnh: Được áp dụng rộng rãi nhất trong canh tác mía ở khu vực nguồn nước tương đối thuận lợi. Nước từ nguồn được đưa vào các rãnh ở giữa các hàng mía qua hệ thống kênh dẫn, ống dẫn hoặc vòi lưu động và thấm dần sang các hàng mía ở hai bên.
  • Tưới nhỏ giọt: Công nghệ tưới nhỏ giọt sử dụng ở nhiều nước trên thế giới và cũng đã được ứng dụng mạnh mẽ ở Việt Nam. Nguyên lý cơ bản của công nghệ tưới nhỏ giọt là đưa nước đến từng gốc mía ở dạng các giọt nước thông qua các vòi tưới nhỏ giọt. Lượng nước qua các vòi tưới được điều chỉnh bằng hệ thống điều khiển lượng nước nên cung cấp cho các gốc mía cùng liều lượng, không phụ thuộc vòi tưới ở gần hay xa nguồn nước. Một hệ thống tưới nhỏ giọt điển hình sẽ có hai hàng mía cách nhau khoảng 40 – 50 cm. Với khoảng cách giữa 2 bộ rễ là 150-180 cm. Ống sẽ được chôn sâu khoảng 30 cm giữa hai hàng mía. Mặc dù đây là cách lắp đặt điển hình, mỗi hệ thống tưới nên được tùy chỉnh với muc tiêu để đạt theo nhu cầu ruộng mía của bạn với đầu vào ít nhất có thể. Có thể là chôn nông hơn với đất cát hoặc đi một hàng một đường ống theo nhu cầu cụ thể.
Tăng năng suất cho cây mía nhờ công nghệ tưới nhỏ giọt
Nông dân Phú Yên ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho ruộng mía.

Tiêu nước cho mía khi bị ngập úng: Nếu mía bị ngập úng quá 1 tuần, phải dùng bơm để tiêu thoát nước cho ruộng mía. Bởi khi cây mía bị ngập úng kéo dài làm cho bộ rễ mía dễ bị chết, thối, cây mía dễ bị đổ ngã, bộ lá mía dễ bị hư hại, dẫn tới hoạt động quang hợp bị ảnh hưởng, trọng lượng cây bị giảm. Theo tính toán của các nhà khoa học Ấn Độ, nếu mía bị ngập úng kéo dài, năng suất mía có thể bị giảm tới 25%, trong đó riêng trọng lượng cây giảm khoảng 23%.

Công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây mía giúp tăng năng suất

Trong những phương pháp tưới nước cho cây mía thì công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây mía, được xem là một trong những giải pháp giúp nâng cao năng suất, chất lượng cây mía đường. Tại sao lại áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt? Bởi khi tưới quá dư nước như tưới tràn có thể làm giảm lượng đường CCS, ngược lại quá thiếu nước sẽ làm cây còi cọc không có năng suất. Quan trọng là quản lý tốt được lượng nước tưới.

Có 2 hình thức lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt là rải ống nổi và rải ống chìm:

  • Tưới mía bằng ống rải ống nổi: Đối với phương pháp lắp đặt này, ống sẽ được rải nổi thên từng hàng mía. Phương pháp này dễ thực hiện, phù hợp với diện tích trồng mía nhỏ, quy mô gia đình. Chi phí thấp, nhanh thu hồi vốn, dễ thi công lắp đặt, nhưng độ bền của ống thường không cao.
  • Tưới mía bằng rải ống chìm: Phưng pháp này cần có máy gieo trồng và rải ống chuyên dụng, dùng ống có độ dày lớn nên chi phí cao, ngược lại thời gian sử dụng của ống lên tới 10, thậm chí 20 năm.

Công nghệ tưới nhỏ giọt với những ưu điểm nổi trội như: Tiết kiệm nước; Tiết kiệm phân bón và nhân công; Quản lý tốt dinh dưỡng của cây trồng; Giúp tăng năng suất, tăng chất lượng cây trồng; Giảm nấm bệnh; Giảm ô nhiễm môi trường đất và nước.

Tăng năng suất cho cây mía nhờ công nghệ tưới nhỏ giọt
Ruộng mía xanh tốt trên vùng đất khô hạn nhờ tưới nhỏ giọt.

Theo kết quả khảo nghiệm thực tế đối với mô hình tưới nhỏ giọt cho cây mía ở nhiều địa phương qua thời gian dài thì thấy:

– Về sinh trưởng: Tốc độ sinh trưởng của cây mía được tưới bằng công nghệ tưới nhỏ giọt luôn có chiều cao và đường kính thân cây lớn hơn cây mía được tưới bằng phương pháp tưới rãnh từ 10 – 20%.

– Về năng suất: Năng suất cây mía bằng 145 – 150% năng suất cây mía canh tác theo phương pháp truyền thông không được tưới đủ nước.

– Về hiệu quả kinh tế: Theo tính toán cụ thể các chi phí và doanh thu tại cùng thời gian, với cây mía được tưới nhỏ giọt, lợi nhuận tăng thêm 221 – 282%.

Tưới nhỏ giọt có ưu điểm tiết kiệm nước và phân bón. Phân bón được phân phối qua hệ thống tưới nhỏ giọt đến bộ rễ của cây, độ đồng đều cao, chi phí thấp, giải phóng sức lao động cho người trồng mía, năng suất tăng cao. Lợi nhuận ổn định từ cây mía chính là cơ sở để người trồng mía mạnh dạn đầu tư công nghệ tưới nhỏ giọt.

Kết quả thực tế thí điểm ở nước ta đã khẳng định hiệu quả rõ rệt của việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong việc giúp tăng năng suất và chất lượng cây mía đường. Với chi phí đầu tư khoảng 40 – 50 triệu đồng/ha thì lợi nhuận gia tăng do công nghệ mang lại sau 2 vụ mía có thể vượt qua mức hoàn vốn, các vụ sau sẽ mang lại lợi nhuận cao cho người trồng mía.

Cung cấp đầy đủ nước tưới là giải pháp tăng năng suất và chất lượng cho cây mía. Trong những biện pháp tưới, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt có thể mang lại hiệu quả cao. Đầu tư công nghệ tưới cho cây mía không những giúp người trồng mía nâng cao thu nhập mà còn nâng cao sức cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam.

Tham khảo thêm: Kỹ thuật tưới mía tự động

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây