Việc nhân nhanh các giống khoai mì (sắn) kháng khảm còn chậm, giá bán giống mì kháng bệnh vẫn đang ở mức cao. Vì vậy, nông dân Tây Ninh vẫn mòn mỏi chờ giống mì kháng bệnh khảm lá.
Giá bán giống mì kháng khảm quá cao
Trong nỗ lực “zero dịch bệnh”, tỉnh Tây Ninh tích cực phối hợp cùng Viện Di truyền, Trung tâm nông nghiệp Nhiệt đới quốc tế (CIAT) nhân nhanh các giống mì kháng khảm. Trong năm 2023, giống mì kháng khảm HN36 được phép lưu hành, nâng tổng số lượng giống kháng khảm được phép lưu hành tại vùng Đông Nam Bộ lên 6 giống, gồm: HN1, HN3, HN5, HN36, HN80, HN97.
Ông Đinh Văn Thanh – nông dân trồng mì ở xã An Cơ (huyện Châu Thành) cho biết, đây là tin vui với nông dân, tuy nhiên, khả năng cung ứng các giống mì kháng khảm còn quá ít. Giá bán giống mì kháng khảm từ các thương lái đang ở rất cao, từ 250.000 – 300.000 đồng/bó (20 cây). Mức giá này cao gấp 10 lần so với các giống mì cũ như HL11, KM140 và KM419. “Nếu giống mì mới có thể kháng bệnh, và cho năng suất cao, nông dân vừa bán giống vừa bán củ tươi sẽ nhanh lấy lại vốn. Vấn đề đáng lo là cây giống đang được rao bán trên thị trường có đúng nguồn gốc và chất lượng hay không” – ông Thanh lo ngại.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh cho hay, tổng diện tích trồng mì hơn 60.000ha của Tây Ninh sẽ sớm được bao phủ trong vòng 1-2 năm tới. Và khi đó, giá bán giống mì kháng khảm cũng sẽ nhanh chóng giảm xuống để nông dân dễ dàng tiếp cận.
Tiến Sĩ Jonathan Newby – Giám đốc Chương trình sắn quốc tế (Trung tâm CIAT) cho biết, tại Việt Nam, diện tích bị nhiễm bệnh khảm đã tăng lên khoảng 183.127 ha trong năm 2022; ước tính lên đến 250.000ha trong năm 2023. Diện tích bị nhiễm bệnh tăng đáng kể và giá củ tiếp tục được duy trì ở mức cao thời gian qua tiếp tục đẩy mạnh việc vận chuyển cây giống để hình thành các vùng sản xuất mới.
Khảo sát của CIAT cho thấy, các thương lái ở Tây Ninh tham gia nhân giống kháng khảm, và bán giống với giá lên tới 300.000 đồng/bó 20 thân; cao gấp đôi so với năm ngoái. Giá bán ở mức cao vì giống kháng khảm không chỉ giúp tránh được tổn thất do bệnh gây ra mà những người sớm kinh doanh giống còn có lời hơn bán củ tươi. “Trong khi các nông dân trồng mì cho chúng tôi biết, mức giá chỉ nên ở 100.000 đồng/bó” – TS Jonathan nói.
Nỗ lực “giải cơn khát” giống mì kháng khảm
Ông Bùi Công Ngọc ở huyện Tân Châu là người được ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh và các viện nghiên cứu chọn làm đối tác trồng thử nghiệm, chuyển giao các giống mì kháng khảm. Ông Ngọc cho biết, mức giá 300.000 đồng/bó là do có những nông dân đầu tiên mua giống từ các ruộng mì của ông về trồng, rồi bán lại cho nông dân khác.
Theo ông Ngọc, tùy theo giống, tùy theo mùa và cự ly vận chuyển sang các địa phương, chi phí đầu tư giống kháng khoảng 13 – 15 triệu/ha. Vướng mắc hiện nay là các giống kháng chỉ mới được công nhận ở Đông Nam Bộ. “Khi việc công nhận được mở rộng ra các khu vực như miền Trung, Tây Nguyên thì diện tích trồng giống mì kháng khảm sẽ càng tăng nhanh hơn” theo ông Ngọc chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh thừa nhận, việc nhân nhanh giống mì kháng khảm hiện nay còn khá chậm do làm theo phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, đây là phương pháp đảm bảo hiệu quả cao nhất đảm bảo tính kháng. Trong ngành nông nghiệp, việc làm giống, bán giống thường có lãi hơn người làm và bán sản phẩm.
Tuy nhiên, ông Xuân cho rằng, việc kiếm lời từ bán giống mì kháng khảm hiện nay chỉ mang tính ngắn hạn. Bởi vì muốn làm giống phải có kỹ thuật, có vốn đầu tư. Pháp luật cũng quy định rõ, người làm giống phải đảm bảo được nguồn gốc giống, quy trình phải được kiểm soát và đăng ký với cơ quan quản lý.
Hiện nay, nhu cầu giống mì kháng khảm rất lớn, giá giống rất cao. Cho nên, không loại trừ có trường hợp rao bán giống không đúng, hoặc có tình trạng trộn lẫn hoặc gian lận. Điều này cần phải được phát hiện và xử lý sớm. Ngoài các giống mì kháng khảm như HN1, HN5…, ngành nông nghiệp Tây Ninh đang tiếp tục đánh giá và nhân nhanh các giống khác. Tính theo cấp số nhân gấp 10 – 20 lần, từ diện tích giống kháng khảm ban đầu là 2.000 ha, vụ đông xuân tới đây (cuối năm 2023) sẽ có khoảng 20.000ha giống kháng.