Đồng bộ tổ chức sản xuất, trang bị kiến thức, thay đổi thói quen, tập quán canh tác là ba vấn đề cần chú trọng trong việc xuất khẩu nông sản sang thị trường EU.
Liên minh châu Âu (EU) là một trong 4 thị trường xuất khẩu nông sản chiến lược của Việt Nam. Tiêu chuẩn của thị trường EU về an toàn thực phẩm cao nhất thế giới, các quy định về thuốc bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật cực kì ngiệm ngặt, tạo rào cản khiến kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường EU gặp nhiều khó khăn.
Thay đổi thói quen, tập quán canh tác
Thói quen sản xuất, tập quán canh tác của người Việt Nam ảnh hưởng không nhỏ đến việc tuân thủ quy định của EU. Trong quá trình canh tác, người nông dân cần đặc biệt chú trọng đến sức khỏe của đất và môi trường.
“Nông dân thấy cây còi cọc là bón phân đạm, nhưng cây vẫn không phát triển, giống như cơ thể con người đã yếu sẽ không tiếp nhận được thuốc bổ dưỡng. Cho nên, trong sản xuất phải đảm bảo được ba yếu tố: kĩ thuật canh tác, giống, các vật tư. Các yếu tố này phải đảm bảo được tính bền vững và tương thích với nhau”, nhà báo Trịnh Bá Ninh – Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nông Nghiệp Việt Nam chia sẻ.
Đồng bộ tổ chức sản xuất
Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) bắt đầu thực hiện từ năm 2012, đến nay mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” đã đem lại những kết quả tích cực: Chuyển giao nhanh tiến bộ khoa học kĩ thuật đến nông dân trên diện rộng; tập hợp những diện tích sản xuất nhỏ thành cánh đồng lớn, tạo điều kiện tham gia hình thành các chuỗi liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất đem lại hiệu quả cao, phù hợp với định hướng cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thành công của mô hình đến từ sự liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học, hộ nông dân với các doanh nghiệp chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
PGS. TS Nguyễn Xuân Hồng – Nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT nhận định, áp dụng thành công từ mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, việc tạo sự liên kết sẽ giúp công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật được triển khai dễ dàng. Chính vì vậy, đồng bộ từ khâu xuất khẩu cho đến mô hình tổ chức sản xuất là yêu cầu cấp thiết đặt ra.
Trang bị kiến thức
Cũng theo PGS. TS Nguyễn Xuân Hồng, từ trước đến nay, công tác khuyến nông thiên về chuyển giao tiến bộ kĩ thuật nhưng hướng dẫn cụ thể không được quan tâm nhiều. Muốn khuyến nông tốt đầu tiên phải có cán bộ khuyến nông, cán bộ khuyến nông cần trang bị kiến thức, tổ chức các chương trình để phổ biến kiến thức cho đối tác, trong đó có cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan trung ương, địa phương, các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng, nông dân, người sản xuất. Từ đó, góp phần nâng cao hiểu biết về các quy định của các nước nhập khẩu, đồng thời thúc đẩy thương mại an toàn.
Việc trang bị kiến thức về thuốc bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật với nông sản có nguồn gốc thực vật là chìa khóa để tiếp cận thành công thị trường EU, từ đó mở ra nhiều cơ hội cho thị trường nông sản Việt Nam.
Thuốc bảo vệ thực vật sinh học là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp
EU là thị trường hấp thu sản phẩm hữu cơ rất lớn và sẵn sàng trả giá cao để sản xuất hữu cơ. Dự báo đến năm 2040-2050, thị trường thuốc bảo vệ thực vật sinh học sẽ cân bằng và vượt so với thị trường thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Các nước trên thế giới trong đó có thị trường EU đều coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường. EU đã tạo thỏa thuận xanh, phấn đấu đến năm 2030 diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của EU sẽ chiếm 25% tổng diện tích canh tác.
Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu nông sản sang thị trường EU, chính vì vậy, đồng bộ sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ là tất yếu. Thuốc bảo vệ thực vật hóa học sẽ dần được thay thế bằng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Vừa qua, Bộ NN&PTNT phê duyệt Đề án “Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2030 nâng tỷ lệ sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc được phép sử dụng tại Việt Nam lên 30%; tăng lượng sử dụng thuốc sinh học lên 30% so với tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng; nâng tỷ lệ cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên 90% so với tổng số cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất.
Cùng với đó, ít nhất 80% các địa phương tập huấn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học an toàn và hiệu quả cho người sử dụng; xây dựng được mô hình sử dụng thuốc hiệu quả trên 9 nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, gồm: lúa, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả, rau, sắn.