Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và giá gạo trên thị trường thế giới đã tăng cao trong năm 2023 và dự kiến còn ở mức cao trong nhiều năm tới.
Những ngày đầu tháng 1 này, giá gạo giao dịch trên thế giới vẫn đang đứng ở mức cao. Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, ngày 9/1, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 653 USD/tấn, tương đương với giá gạo cùng loại của Thái Lan. Giá gạo 5% tấm của Pakistan là 593 USD/tấn. Như vậy, giá gạo hiện tại đang cao hơn rất nhiều so với giá gạo đầu năm 2023 (riêng giá gạo 5% tấm của Việt Nam cao hơn cùng kỳ năm ngoái tới gần 200 USD/tấn).
Theo nhận định của một số thương nhân ngành gạo Việt Nam, giá gạo sẽ còn tiếp tục đứng ở mức cao. Thậm chí, theo ông Nguyễn Vĩnh Trọng – Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hưng, giá không chỉ tiếp tục cao trong năm nay mà còn có thể cả những năm tới.
Cơ sở cho nhận định này là tình hình cung – cầu trên thị trường gạo thế giới. Trong báo cáo mới nhất, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo thế giới niên vụ 2023/24 ước đạt 518,1 triệu tấn, trong khi tiêu thụ và tồn kho thế giới sẽ ở mức kỷ lục 525 triệu tấn. Như vậy là sản lượng được dự báo sẽ thấp hơn so với nhu cầu tồn kho và tiêu thụ. Điều này sẽ dãn tới tồn kho cuối kỳ niên vụ 2023/24 được dự báo ở mức 167,8 triệu tấn, là mức thấp nhất trong vòng 6 năm.
Ở nhiều nước sản xuất lúa gạo, thiên tai vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng lớn tới sản lượng trong năm nay.
Ấn Độ – nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới được dự báo sẽ giảm mạnh về sản lượng trong niên vụ 2023/24. Cụ thể, USDA dự báo trong thời gian từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024, sản lượng gạo của Ấn Độ vào khoảng 128 triệu tấn, giảm mạnh so với 135,5 triệu tấn của niên vụ trước. El Nino được cho là nguyên nhân chính gây ra việc giảm mạnh sản lượng lúa gạo ở Ấn Độ.
Giá gạo tăng cao trên thị trường nội địa cũng đang khiến cho Chính phủ Ấn Độ tiếp tục kéo dài biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo. Các chuyên gia ngành lúa gạo thế giới dự đoán lệnh hạn chế này sẽ còn được kéo dài ít nhất cho tới nửa đầu năm nay.
Indonesia dự báo sản lượng gạo của nước này trong 2 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 2,25 triệu tấn, giảm khoảng 46,3% so với cùng kỳ năm 2023 do ảnh hưởng tiêu cực của El Nino tới vụ thu hoạch. Trong khi đó, tiêu thụ gạo hàng tháng ở Indonesia vào khoảng 2,54 triệu tấn.
Ở Philippines, tổng thống nước này đã chấp thuận gia hạn thời gian giảm thuế đối với gạo và các mặt hàng thực phẩm khác cho đến cuối năm 2024 để đảm bảo giá cả ổn định trong bối cảnh lo ngại về điều kiện thời tiết khô hạn do El Nino gây ra.
Ông Phạm Thái Bình – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, nhận định, do nhiều nguyên nhân, nguồn cung gạo trên thế giới đang có xu hướng ngày càng thiếu hụt so với nhu cầu tiêu thụ và dự trữ.
Trong khi đó, so với nhiều nước sản xuất lúa gạo lớn ở châu Á, sản xuất lúa gạo ở Việt Nam đang ít bị ảnh hưởng hơn trước tình trạng biến đổi khí hậu. GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, một nguyên nhân quan trọng là ngành nông nghiệp đã kịp thời thích ứng với biến đổi khí hậu khi chuyển sang sản xuất theo hướng “thuận thiên” từ nhiều năm qua.
Chính vì vậy, nhiều thương nhân ngành lúa gạo Việt Nam cùng nhận định, xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2024 vẫn sẽ tốt và thậm chí có thể còn thuận lợi hơn so với năm 2023.