Xem thêm: Ngành gia vị có thể thu 2 tỷ USD nếu truy xuất nguồn gốc rõ ràng
Cả nước hiện có khoảng 400 doanh nghiệp làm thương mại trong lĩnh vực gia vị nhưng chỉ có 35 nhà máy chế biến. Cho nên ở nước ta cây gia vị đang bị thiếu đầu mối tổ chức liên kết sản xuất.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN & PTNT), ngành rau gia vị Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển còn lớn hơn rất nhiều khi tại thị trường các nước, sản phẩm gia vị được sử dụng rộng rãi. Ngoài muối, hồ tiêu, nước mắm cũng là một loại gia vị có tiềm năng đi xa nhờ mang đậm hương vị và giá trị Việt.
“Trước đây, người ta quan tâm nhiều đến cá tra, tôm nước lợ, gạo với thị phần xuất khẩu lớn. Tuy gia vị, rau gia vị và các sản phẩm đặc sản vùng miền có lượng xuất khẩu chưa nhiều nhưng giá trị mang lại đặc biệt lớn, chỉ 5% diện tích trồng rau gia vị nhưng có đến 20% giá trị giao thương quốc tế là có xuất xứ từ Việt Nam”, ông Tiệp cho biết.
Ông Lê Việt Anh – Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) chia sẻ, gần như các loại cây gia vị của Việt Nam đều có mặt trên tất cả các tỉnh, thành. Hồ tiêu có diện tích khoảng 120 ngàn ha, được trồng chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, với sản lượng khoảng 190 ngàn tấn. Trong 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu được 204.385 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 183.475 tấn, tiêu trắng đạt 20.910 tấn. Trong khi đó, diện tích trồng hồi ở Việt Nam vào khoảng 40.000 ha, tập trung chủ yếu ở Lạng Sơn với sản lượng hàng năm là hơn 16.000 tấn….
Tổng sản lượng và xuất khẩu của cây gia vị Việt Nam khoảng 450 tấn, tổng xuất khẩu đạt 325 ngàn tấn, giảm 6,2% về kim ngạch nhưng về số lượng tăng 26,6%. Theo ông Việt Anh, việc giảm về giá trị xuất khẩu do tác động từ khủng hoảng kinh tế thế giới, khiến các nước giảm thu mua trong khi nguồn cung vẫn dồi dào.
Về sức cạnh tranh của cây gia vị Việt Nam trên thị trường thế giới, sản lượng hồ tiêu chiếm 35% thị phần, xuất khẩu chiếm 55%, cạnh tranh với các nước như Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Campuchia; sản lượng quế chỉ chiếm 18,2% nhưng xuất khẩu chiếm hơn 50% thị phần toàn cầu, cạnh tranh với sản phẩm từ Trung Quốc, Sri Lanka….
Thị trường gia vị và hương liệu thế giới đã được định giá 21,3 tỷ USD năm 2021 và sẽ tăng lên 27,4 tỷ USD năm 2026, vì vậy Việt Nam đang là nhà cung cấp đầy tiềm năng của thị trường này không chỉ đối với mặt hàng hồ tiêu, hồi mà còn nhiều loại khác như quế, hạt điều,….
Bên cạnh những thuận lợi để phát triển cây gia vị như chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nhu cầu thị trường cao, các hiệp định thương mại tự do và sự hỗ trợ của các tổ chức.… mặt hàng này đang đối diện với nhiều khó khăn như các ngành cây gia vị (quế, hồi, ớt) chưa có chiến lược phát triển ngành hàng quốc gia, còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật….
“Đối với cây hồ tiêu, Hiệp hội đủ tự tin và khả năng để hỗ trợ cho ngành hàng phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Hình thức tổ chức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân chiếm khoảng 10%, tương đương 10-11 ngàn ha, diện tích này khá nhỏ bé so với nhu cầu của thế giới. Trong khi các loại cây gia vị khác chưa có đầu mối tổ chức liên kết”, ông Việt Anh cho biết.
Đại diện VPSA cũng thông tin, chỉ có những doanh nghiệp lớn, FDI mới đủ nguồn lực và vốn đầu tư công nghệ và chế biến sâu các sản phẩm hồ tiêu và gia vị. Trong khoảng 400 doanh nghiệp làm thương mại trong lĩnh vực ngành hàng này, chỉ có khoảng 35 nhà máy chế biến. Ngoài ra, có nhiều sản phẩm gia vị làm phụ phẩm khác chưa được các viện, trường thực hiện nghiên cứu.
Nói về những khó khăn trong xuất khẩu gia vị Việt Nam ra thị trường nước ngoài, ông Trần Văn Hiếu – Giám đốc Công ty DACE Việt Nam – chuyên sản xuất và xuất khẩu các loại gia vị như gừng, quế, hồi sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Anh, Hoa Kỳ… cho biết, công ty xuất khẩu cần đảm bảo tiêu chuẩn về bảo vệ thực vật, tiêu chuẩn vi sinh trong khi yêu cầu từ phía các thị trường quốc tế ngày càng nghiêm ngặt. Tuy nhiên, có một thực tế rằng vùng trồng nội địa không đạt tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật để đáp ứng thị trường nhập khẩu, nhu cầu thị trường lớn nhưng không có đầu ra khiến doanh nghiệp bị mắc kẹt.
Chia sẻ với ý kiến của đại diện VSAP, ông Hiếu cũng chỉ ra thực tế rằng số lượng nhà máy tiêu chuẩn xử lý vi sinh khá hạn chế. Vì vậy, các công ty phải tự tìm kiếm nguồn hàng và có những biện pháp xử lý sản phẩm gia vị để xuất khẩu.