Vàng lá chín sớm, loại dịch hại tưởng như đã bị lãng quên trên các giống lúa cao sản nay đột ngột bùng phát mạnh khiến nhà nông không kịp trở tay. Có cách nào để khắc phục bệnh vàng lá chín sớm hay không? Nội dung bài viết hôm nay Agri.vn sẽ chia sẻ về chủ đề này, bà con đừng vội bỏ qua nhé!
Điều kiện phát sinh phát triển của bệnh vàng lá chín sớm
Bệnh có thể xuất hiện ở những giai đoạn sinh trưởng khác nhau, nhưng chủ yếu tập trung vào giai đoạn từ giữa vụ (đòng già – trỗ) trở đi và nặng nhất vào giai đoạn gần cuối vụ.
Đúng như bạn đã quan sát thấy bệnh thường tấn công những lá phía dưới trước sau đó lan dần lên các lá phía trên ngọn. Ban đầu vết bệnh chỉ là những chấm nhỏ có màu xanh úng hay vàng nhạt sau đó chuyển dần sang màu vàng cam và lớn dần kéo dài thành vệt dọc theo phiến lá về phía chóp lá (nhìn giống như có ai đó cầm cây bút lông có mực màu vàng cam chấm một điểm vào phiến lá rồi kéo ngược ngòi bút về phía chóp lá, tạo thành một vệt màu vàng cam trên phiến lá).
Khi mới nhiễm vết bệnh vẫn còn tươi, nhưng nếu nặng thì càng về sau vết bệnh càng trở nên khô cháy nhìn từ xa giống như ruộng lúa sắp chín (vì thế có nơi bà con gọi là bệnh chín sớm).
Nếu bệnh xuất hiện sớm, gây hại nhẹ, được phát hiện và phòng trị ngay thì sẽ không ảnh hưởng đến năng suất. Tuy nhiên nếu không phòng trị kịp thời để bệnh phát triển và gây hại mạnh.
Đặc biệt để chúng “leo” lên được đến lá đòng, bộ lá bị khô cháy thì tỷ lệ lép lửng sẽ rất cao, gây thất thu lớn cho năng suất. sau khi lúa đã trổ bông bệnh mới xuất hiện thì ảnh hưởng đến năng xuất sẽ không nhiều, còn ở giai đoạn bông lúa cong trái me, đỏ đuôi bệnh mới xuất hiện sẽ không ảnh hưởng đến năng suất.
Biện pháp hạn chế tác hại bệnh
Nếu có điều kiện và thời gian không quá gấp gáp xuống giống cho vụ sau để né lũ, né mặn… thì nên cày ải phơi đất để giúp đất thông thoáng, phân huỷ chất hữu cơ trong đất hạn chế chất độc tác động xấu đến bộ rễ…
Nên sử dụng những giống cứng cây ít đổ ngã, có bộ lá dầy sẽ ít bị nhiễm bệnh. Trước khi ngâm ủ nên xử lý hạt giống bằng cách cứ 20 lít nước pha 60cc thuốc Carbenzim 500FL rồi ngâm giống trong 24-36 tiếng, sau đó vớt ra đãi sạch và ngâm ủ bình thường.
Không nên gieo sạ lúa quá dầy, tốt nhất dùng máy sạ hàng. Bón phân cân đối hợp lý, không nên bón quá nhiều phân đạm, nên bón theo bảng so màu lá lúa, bón thêm vôi cho những chân ruộng bị phèn để nâng thêm độ pH cho đất. Tốt nhất nên áp dụng chương trình “Ba giảm ba tăng” mà ngành bảo vệ thực vật đã khuyến cáo.
Thăm đồng thường xuyên, nhất là từ khi lúa có đòng già trở đi để phát hiện sớm bệnh. Khi phát hiện thấy bệnh có thể sử dụng một trong các loại thuốc như: Kacie 250EC, Golcol 20SC/50WP, Supercin 20EC/40EC/80EC/50WP, Carbenzim 500FL, Carban 50SC, Bavistin 50FL, Carben 50WP/50SC,.. để phun xịt, nên 2-3 lần, cách nhau 10-12 ngày/một lần. Về liều lượng và cách sử dụng bạn có thể đọc hướng dẫn của nhà sản xuất có in sẵn trên bao bì.
Chúng tôi mong rằng qua bài viết này, bà con nông dân sẽ nắm rõ hơn tình hình bệnh vàng lá chín sớm và đưa ra biện pháp phòng trừ phù hợp. Cảm ơn bà con đã quan tâm theo dõi bài viết.