Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, đặt mục tiêu có 50% diện tích trồng trọt sử dụng phân bón hữu cơ vào năm 2050.
Bộ NN&PTNT đã phê duyệt đề án về phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, từ nay đến năm 2050, cả nước sẽ có 50% diện tích trồng trọt sử dụng phân bón hữu cơ; có 80% số tỉnh, thành phố xây dựng được mô hình sử dụng phân bón hữu cơ gắn với các sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của địa phương.
Theo Bộ NN&PTNT, phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ trên nền sử dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp là hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam kể cả trước mắt và lâu dài để tiến đến nền nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và tạo ra nông sản an toàn, có giá trị gia tăng cao.
Sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ phải dựa trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại kết hợp với kinh nghiệm truyền thống, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về nguồn nguyên liệu hữu cơ sẵn có trong nước để thay thế một phần phân bón vô cơ, giảm sự phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu, phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững.
Theo Đề án Phát triển Sản xuất và Sử dụng Phân bón Hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, mới được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt, mục tiêu cụ thể đến 2030, nâng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ được phép lưu hành lên trên 30% so với tổng số sản phẩm phân bón; nâng công suất sản xuất phân bón hữu cơ của các cơ sở sản xuất đủ điều kiện lên 5 triệu tấn/năm.
Lượng phân bón hữu cơ công nghiệp sử dụng chiếm tối thiểu 30% so với tổng lượng phân bón sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.
Lượng phân bón hữu cơ sản xuất quy mô nông hộ sử dụng trong sản xuất nông nghiệp đạt tối thiểu 20 triệu tấn/năm.
Xây dựng được các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả trên 9 nhóm cây trồng chủ lực quốc gia (lúa, càphê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả, rau, sắn).
Đề án đề ra nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phân bón; phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm phân bón hữu cơ; phát triển và nhân rộng các công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ; nâng cao nhận thức của người dân, chủ cơ sở buôn bán, doanh nghiệp sản xuất và cán bộ quản lý địa phương; thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; triển khai các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ và xây dựng chuỗi liên kết.
Hiện Việt Nam chủ động được nguồn cung nên giá phân bón trong nước, nhất là giá đạm ure, loại phân bón dẫn dắt thị trường, có dấu hiệu giảm nhẹ.
Bên cạnh đó, thúc đẩy sử dụng phụ phẩm nông nghiệp và sản xuất phân bón quy mô nông hộ; thúc đẩy sản xuất các chế phẩm sinh học, vi sinh vật sử dụng trong sản xuất phân bón hữu cơ.
Đề án đề ra các giải pháp thực hiện, trong đó rà soát, đề xuất xây dựng các chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học có trọng tâm, trọng điểm gắn với chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến và Chuyển đổi Số.
Cùng với đó, chuyển giao các sản phẩm phân bón hữu cơ đáp ứng được các tiêu chí hiệu quả cao, tác dụng nhanh, thân thiện với môi trường, cải tạo và bảo vệ tài nguyên đất; chuyển giao ứng dụng công nghệ sản xuất phân bón thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên liệu sẵn có từ phụ phẩm nông nghiệp, phụ phẩm hữu cơ trong công nghiệp chế biến và rác thải sinh hoạt như: chất thải chăn nuôi, phụ phẩm trồng trọt, than bùn…; tăng cường áp dụng cơ giới và công nghệ tiên tiến trong việc bón phân hữu cơ.