Việt Nam sẽ ký Hiệp định thương mại gạo với Indonesia, Philippines để tăng hợp tác sản xuất, xuất khẩu gạo sang mỗi nước.
Ký Hiệp định thương mại gạo với hai nước Philippines, Indonesia
Thông tin này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu khi gặp Tổng thống Indonesia, Philippines nhân dịp dự Hội nghị cấp cao ASEAN – GCC tại Riyadh vừa qua.
Theo đó, Thủ tướng nhất trí giao các bộ, ngành liên quan thúc đẩy ký Hiệp định thương mại gạo với hai nước Philippines, Indonesia. Việc này nhằm nâng cao thế chủ động của Việt Nam và Philippines, Indonesia trong sản xuất, xuất nhập khẩu gạo.
Philippines – Quốc gia nhập nhiều gạo Việt nhất – đã tăng mua trở lại gạo Việt Nam sau gần một tháng tạm ngưng do lệnh áp giá trần với gạo trong nước. Trong 9 tháng, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines đạt 2,4 triệu tấn, tương đương giá trị gần 1,5 tỷ USD, tăng gần 20% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Indonesia đứng – Quốc gia nhập gạo Việt đứng vị trí thứ ba, trong 9 tháng nước này đã mua đạt 884.177 tấn (tương đương 462,61 triệu USD), giá 523,2 USD/tấn, tăng mạnh 1.667% về lượng, tăng 1.794% kim ngạch và tăng nhẹ 7,2% về giá so với 9 tháng năm 2022, chiếm 13,8% trong tổng lượng và chiếm 13% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Đây là thị trường đầy tiềm năng và liên tục xuất hiện nhiều tín hiệu lạc quan, tăng trưởng rất mạnh trong thời gian gần đây cũng như trong sắp tới. Mới đây, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) thông báo mời thầu nhập khẩu 500.000 tấn gạo loại 5% tấm, trong đó có 300.000 tấn dành cho nguồn cung đến từ Việt Nam, Thái Lan và Myanmar.
Số liệu từ Bộ NN & PTNT cho thấy, hết tháng 9 năm nay, Việt Nam thu gần 3,7 tỷ USD từ xuất khẩu gạo, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo bình quân đạt 553 USD một tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022, có thời điểm lên đến gần 650 USD một tấn.
Ngoài hợp tác xuất, nhập khẩu gạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Philippines cũng nhất trí hai nước nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của hai nước thâm nhập sâu hơn vào thị trường của nhau, nhằm sớm tăng kim ngạch hai chiều lên 10 tỷ USD.
Giá lúa miền Bắc tăng cao
Chị Nguyễn Thị Lý ở xã Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội bán 2 tấn lúa Bắc Thơm số 7 cách đây 15 ngày với giá 12.000 đồng/kg, cao hơn vụ trước tới 4.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tới hiện tại giờ giá lúa Bắc thơm số 7 tăng lên 13.000 – 14.000 đồng/kg, gạo Bắc thơm số 7 tăng lên 20.000 đồng/kg họ lại ngồi tiếc và tự an ủi, may mình vẫn còn giữ lại được 1 tấn chưa bán.
Nhiều năm nay các “hàng xáo” trong vùng đã chán cảnh đong thóc, trữ thóc vì không có sự chênh giá, thậm chí cuối vụ giá còn thấp hơn đầu vụ thì vụ này với giá lúa tăng 30 – 40% đã đi sục sạo khắp hang cùng, ngõ hẻm để thu mua lúa với hi vọng giá sẽ còn tăng nữa.
Anh Nguyễn Văn Hà ở xã Nghĩa Đạo, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh vụ này cấy 4ha lúa J02, dự kiến 10 ngày nữa mới gặt, năng suất lúa tươi đạt 2,5 tạ/sào. Thương lái đã tới trả 8.500 đồng/kg lúa tươi, mua ngay tại ruộng nhưng anh chưa bán, chờ trên 9.000 đồng/kg mới bán.
Những giống lúa chất lượng cao như lúa Nhật J02 với giá bán 8.500 – 9.000 đồng/kg lúa tươi, tương đương lúa khô 13.000 – 14.000 đồng/kg, gạo sẽ trên 20.000 đồng/kg. Nếp PD2 giá 9.000 đồng/kg lúa tươi, tương đương lúa khô 13.000 – 14.000 đồng/kg, gạo sẽ 21.000 – 22.000 đồng/kg. Còn lúa Khang Dân chất lượng thấp, vốn chuyên để nấu rượu hay chế biến, giá thóc thấp nhất, trước đây chỉ khoảng 7.000 đồng/kg nhưng vụ này ở Bắc Ninh cũng tăng lên trên 9.000 đồng/kg và có bao nhiêu hết bấy nhiêu.
Không chỉ đồng bằng mà giá lúa ở miền núi cũng tăng lên rất mạnh. Anh Thào A Bua ở bản Pha Luông, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết năm nay mưa nhiều nên giờ gia đình mới gặt xong, được khoảng 40 bao, tương đương gần 2 tấn lúa. Giống anh cấy là lúa lai, trước đây không mấy khi giá thóc cao quá 9.000 – 10.000 đồng/kg nhưng vụ này cũng đã tăng lên 12.000 – 13.000 đồng/kg lúa khô. Nhiều hộ ở đây ngoài giữ lúa lại để cho người và vật nuôi ăn còn nghe ngóng, chờ giá xem còn lên cao nữa không chứ chưa vội bán.