Cần làm gì để phục hồi vườn sầu riêng sau thu hoạch?

0
293
Cần làm gì để phục hồi vườn sầu riêng sau thu hoạch?
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Hiện nay, hiệu quả kinh tế từ cây sầu riêng mang lại cho người dân rất cao. Tuy nhiên, qua một vụ mang trái, nhất là những cây quá sai trái, nông dân cần phải quan tâm chăm sóc, bồi dưỡng cho cây đủ sức tiếp tục cho trái vụ sau, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng cây bị suy kiệt. Để vườn sầu riêng sinh trưởng và phát triển một cách bền vững sau thu hoạch, nông dân cần chú ý một số biện pháp như tỉa cành, bón phân, quản lý nước, sâu bệnh…..

Sau khi thu hoạch sầu riêng, các nhà vườn sầu riêng cần bước vào thời kỳ chăm sóc phục hồi cây chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo. Thời điểm sau thu hoạch là thời điểm hết sức quan trọng quyết định thành bại cho mùa vụ tiếp theo, nên bà con hết sức lưu ý những vấn đề kỹ thuật sau để đảm bảo đủ sức khỏe cho cây, tiếp tục mang trái hiệu quả ở vụ tới.

Theo chia sẻ kinh nghiệm của nhiều nhà nông trồng sầu riêng lâu năm, sau thu hoạch xong, bà con cần để cây nghỉ ngơi từ 10 – 15 ngày, sau đó tập trung phục hồi vườn cây bằng những bước sau.

Tỉa cành

Tỉa cành sau thu hoạch là một giải pháp kỹ thuật không thể thiếu, không chỉ tạo thông thoáng vườn cây, hạn chế sâu bệnh phát triển mà còn giúp cây nhanh phục hồi sức khỏe để tiếp tục hình thành mầm hoa cho vụ trái năm sau.

Cần làm gì để phục hồi vườn sầu riêng sau thu hoạch?
sầu riêng mang trái trên cành chính nên việc tỉa cành phải đảm bảo ánh sáng có thể chiếu bên trong tán, gió len vào bên trong tán giúp việc thụ phấn, quang hợp đạt được hiệu quả cao.

Sầu riêng không ra hoa ở ngọn mà ra hoa mang trái trên thân và cành chính, vì vậy tỉa cành giữ lại những cành khỏe mạnh cách mặt đất trên 50cm sau thu hoạch. Cắt bỏ cành khô, cành bị sâu bệnh, ốm yếu, cành vượt che khuất ánh sáng và những cành mọc không đúng vị trí theo mong muốn của nhà vườn.

Sau khi tỉa, những vết cắt có đường kính trên 1 – 2cm cần được quét sơn, vôi hoặc thuốc trừ nấm hay dùng băng keo nilon bịt vết cắt sao cho không thấm nước.

Sau mỗi lần cắt phải dọn vệ sinh cành, nhánh đã cắt để hạn chế mầm bệnh phát tán, có thể dùng vôi bột pha nước quét lên thân cây từ mặt đất đến khoảng 1m. Khi cây quá cao (trên 7m) cần cắt ngọn để hảm bớt chiều cao thuận lợi cho quá trình chăm sóc, thu hoạch.

Đây là kỹ thuật hết sức quan trọng vì cây sầu riêng mang trái trên cành chính nên việc tỉa cành phải đảm bảo ánh sáng có thể chiếu bên trong tán, gió len vào bên trong tán giúp việc thụ phấn, quang hợp đạt được hiệu quả cao.

Sau khi tỉa cành, bà con có thể tiến hành xới xáo đất trong vườn và tiến hành phun rửa vườn bằng thuốc trừ nấm bệnh, vi khuẩn gây hại cây trồng để làm sạch bệnh trên vườn, cũng như hạn chế các nấm bệnh xuất hiện tấn công lên các vết cắt cành.

Quản lí nước

Cần tưới đủ nước trong mùa khô nhưng cũng tạo điều kiện cho vườn thoát nước tốt trong mùa mưa vì trong điều kiện ngập úng các nấm có hại trong đất phát triển và tấn công bộ rễ sầu riêng làm rễ dễ bị thối. Tuyệt đối không tưới nước nhiễm mặn cho cây. Tủ gốc, giữ ẩm cho cây trồng bằng rơm rạ, lục bình, cỏ khô,…Nên giữ mực nước trong mương ổn định từ 60 – 80cm từ mặt líp trong suốt năm.

Nếu những nhà vườn trồng sầu riêng thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, do ở đây đất có địa hình thấp và nhiều sét nên rút nước chậm trong mùa mưa làm cho việc rửa độc chất kém hiệu quả, do vậy phải làm rãnh và khai thông mương thoát để nước rút được nhanh.

Kích thước rãnh tùy theo kích thước líp, nếu líp khoảng 6m thì mương vườn là đường thoát nước chính, chỉ cần làm rãnh ngang (rãnh như xương cá để nước thoát xuống mương); còn líp rộng hơn thì phải làm rãnh thoát nước giữa 2 hàng cây, rãnh có kích thước ngang 30 – 40cm và sâu 40 – 50cm.

Cần làm gì để phục hồi vườn sầu riêng sau thu hoạch?
Cần tưới đủ nước trong mùa khô nhưng cũng tạo điều kiện cho vườn thoát nước tốt trong mùa mưa.

Còn nếu bà con trồng sầu riêng ở Đông Nam bộ và Tây Nguyên, mặc dù đây là vùng đồi núi có địa hình cao, nhưng tình trạng úng cục bộ vẫn xảy ra ở vườn sầu riêng vào mùa mưa. Vậy nên, bà con cần phải khai thông mương rãnh để đất vườn luôn khô ráo, thông thoáng. Rễ sầu riêng ăn bàng lên mặt đất là dấu hiệu rễ thiếu oxy do úng nước trong đất.

Rửa độc chất trong đất

Trong thâm canh, đất vườn sầu riêng dễ bị chua hóa. Bên cạnh đó, ở những vùng đất chua, phèn, mặn các độc chất mao dẫn tích tụ trên tầng mặt trong mùa nắng cần được rửa bỏ. Bón vôi có tác dụng làm đất giảm chua, hạn chế ngộ độc sắt, nhôm và mangan cho cây.

Canxi trong vôi giúp đất phục hồi cấu trúc, ít bị nén dẽ, thấm nước tốt. Ngoài ra vôi còn ức chế sự phát triển của nấm bệnh trong đất, phát huy hiệu lực của phân hữu cơ và cung cấp dưỡng chất canxi cho cây.

Có thể bón 300 – 500kg vôi/ha, bà con bón bằng cách rải đều trên mặt đất, xới nhẹ cho phân trộn đều vào lớp đất mặt rồi tưới nước hay chờ mưa để rửa các độc chất.

Bón phân

Sau khi tỉa cành, bà con cần thực hiện bón phân phục hồi vườn cây sầu riêng. Đây là biện pháp kỹ thuật thiết yếu giúp cây hồi phục khả năng sinh trưởng sau thời gian mang trái khá dài trên cây. Đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho cây đầy đủ giúp cho cây có bộ cơi đọt hoàn chỉnh.

  • Bón phân hữu cơ: Mặc dù hàm lượng dưỡng chất trong phân hữu cơ ít nhưng cung cấp cân đối một cách từ từ cho cây. Phân hữu cơ còn làm gia tăng hiệu quả sử dụng phân vô cơ, cải thiện cấu trúc của đất, giữ nước và làm tăng mật số vi sinh vật có lợi trong đất.

Ngoài ra, phân hữu cơ còn kích thích cây trồng phát triển. Có thể bón phân hữu cơ truyền thống ủ từ rơm rạ, bả bùn, bả mía, mụn dừa, phân chuồng, phân xanh… với liều lượng từ 10 – 20 tấn/ha hoặc bón phân hữu cơ công nghiệp với liều lượng từ 8 – 15 kg/cây. Phân được bón bằng cách dùng cuốc răng xới nhẹ mặt liếp quanh gốc theo hình chiếu của tán cây.

Cần làm gì để phục hồi vườn sầu riêng sau thu hoạch?
Bón phân là biện pháp kỹ thuật thiết yếu giúp cây hồi phục khả năng sinh trưởng sau thời gian mang trái khá dài trên cây.
  • Bón phân vô cơ: Để có năng suất và chất lượng cao, sầu riêng cần được bón phân vô cơ sau thu hoạch để cây mau phục hồi. Xới đất thành băng xung quanh gốc theo hình chiếu của tán, rộng khoảng 50cm và sâu khoảng 10cm. Nếu liếp trồng hai hàng và cây đã giáp tán thì xới một băng dài giữa liếp và băng xương cá giữa 2 cây trên hàng. Bón phân vào những băng đã xới.

Bón phân NPK cho sầu riêng giai đoạn này cần có tỷ lệ N cao để tạo cơi đọt, bằng cách trộn 2 phần urê + 2 phần DAP + 1 phần KCl.

Theo nghiên cứu, để nuôi một trái sầu riêng thành thục phải cần có 330 lá. Vì vậy nhà vườn trồng sầu riêng làm sao tạo cho sầu riêng có bộ lá khỏe, xanh dày, bóng và hạn chế sâu, nấm bệnh tấn công ở giai đoạn này.

Bên cạnh đó, bà con cũng lưu ý thêm quan sát trừ rầy rệp nếu chúng xuất hiện trong vườn. Đến giai đoạn cuối lá lụa, bà con bón thêm phân bón Fruit Ace để già lá, cứng lá, đọt cây ra đều để giúp dễ xử lý ra bông về sau.

Thông thường, từ thời điểm này đến khi làm bông, cây sầu riêng sẽ ra 3 cơi ngọn. Nếu chăm sóc tốt, cứ 45 ngày cây sẽ cho ra một cơi ngọn. Như vậy, vườn cây mới đủ sức để nuôi trái mùa tới.

Trong suốt quá trình cây ra cơi ngọn, bà con cũng cần chú ý phòng trừ các loại dịch hại như rầy rệp và không quên tiếp tục bón phân chăm cây.

Trong quá trình xử lý ra đọt non, nên thường xuyên thăm vườn nhằm sớm phát hiện các loại bệnh hại như: Bệnh thán thư, bệnh thối gốc chảy nhựa, rầy, rệp… và côn trùng gây hại ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.

Sau thu hoạch, nhiều vườn sầu riêng xuất hiện đốm xanh, rong rêu trên thân, cành, lá. Đây là dấu hiệu sầu riêng bị nấm tấn công. Do đó, nhà vườn nên tiến hành phun thuốc để diệt trừ nấm. Bà con có thể sử dụng các chế phẩm vắc xin như Mantaxyl, Manco… kết hợp với siêu đồng (Cu) và phun cho sầu riêng để diệt trừ các loại nấm.

Chăm sóc sầu riêng sau thu hoạch là khâu rất quan trọng, giúp bảo đảm năng suất vụ tới. Tuy nhiên, bà con cần lưu ý, quá trình chăm sóc sầu riêng cần tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo đảm an toàn thực phẩm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây