Khô hạn ở Brazil và báo cáo tồn kho ICE đứng ở mức rất thấp khiến thị trường lo ngại thiếu hụt nguồn cung đã đẩy giá cà phê kỳ hạn tăng vọt. Những ngày qua, giá cà phê ở thị trường Việt Nam và giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới liên tục tăng và xác lập những kỷ lục mới trong lịch sử.
Sau khi vượt mốc 71.000 đồng/kg vào giữa tháng 1, giá cà phê nhân xô ở các tỉnh Tây Nguyên không dừng lại mà vẫn tiếp tục tăng lên. Trong tuần qua, giá cà phê nhân xô đã tiếp tục vượt mốc 72.000 đồng/kg.
Đầu tuần này, giá cà phê nhân xô tiếp tục tăng và đã vượt mốc 74.000 đồng/kg trong ngày 23/1. Cụ thể, tại các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, giá cà phê nhân xô ở mức 74.100 đồng/kg. Tại Gia Lai, giá cà phê 74.000 đồng/kg. Còn tại Lâm Đồng, giá cà phê 73.500 đồng/kg. So với 1 ngày trước đó, giá cà phê trong ngày 23/1 tăng tới 1.200 – 1.300 đồng/kg.
Như vậy, chỉ trong tháng 1 này, giá cà phê nhân xô Việt Nam đã liên tiếp vượt qua các mốc giá kỷ lục và hiện đã xác lập một mức giá kỷ lục mới trong lịch sử ngành cà phê là hơn 74.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê Robusta tại sàn giao dịch London trong những ngày qua cũng luôn có xu hướng tăng và đã vượt mốc 3.000 USD/tấn. Đến ngày 22/1, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 3/2024, đã xác lập mức kỷ lục mới lúc đóng cửa là 3.220 USD/tấn.
Sự ách tắc vận chuyển qua 2 kênh đào Panama (do hạn hán) và Suez (do lực lượng Houthi tấn cao các tàu vận tải) đã tác động tới giá hàng hóa nói chung, trong đó có giá cà phê. Đặc biệt, mặt hàng cà phê Robusta từ các nước châu Á vận chuyển tới thị trường châu Âu phải đi vòng qua Nam Phi để tránh xung đột ở Biển Đỏ, qua đó làm kéo dài thêm thời gian và gia tăng các loại chi phí, đã đẩy giá cà phê Robusta kỳ hạn tại London lên mức cao nhất từ trước tới nay.
Vận chuyển gặp khó khăn đang góp phần khiến cho tồn kho cà phê trên thị trường thế giới giảm mạnh. Các nguồn tin quốc tế cho hay, tồn kho cà phê Robusta ngày 22/1 đã giảm xuống dưới 30.000 tấn, là mức thấp nhất trong 10 năm qua. Tồn kho cà phê Arabica cũng đang ở mức thấp của 24 năm qua, khi quanh quẩn ở mức trên 247 nghìn bao (bao 60 kg).
Ở Việt Nam, tồn kho từ niên vụ trước chuyển sang đầu niên vụ này cũng giảm mạnh, chỉ ở mức khoảng 58 nghìn tấn, kém rất xa so với lượng cà phê tồn kho từ niên vụ 2021/2022 chuyển sang niên vụ 2022/2023 là khoảng 160 nghìn tấn.
Bên cạnh đó, những thông tin bất lợi về mùa vụ ở một số nước sản xuất lớn về cà Robusta, nông dân nhiều nước (trong đó có Việt Nam) chưa vội bán ra, cũng ít nhiều tiếp tục góp phần làm giá mặt hàng này tăng mạnh trong những ngày đầu tuần.
Trong khi đó, thông tin từ các thương nhân ngành cà phê cho thấy, trong những tháng đầu niên vụ 2023/2024 (từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024), nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải dùng cà phê thu mua từ niên vụ mới để “trả nợ” cho các đơn hàng xuất khẩu của niên vụ cũ. Điều này càng làm cho nguồn cung cà phê Robusta trở nên khan hiếm so với nhu cầu, qua đó, có thể tiếp tục làm cho giá cà phê tăng lên trong thời gian tới.