Bài viết hôm nay agri.vn sẽ cùng bà con tìm hiểu các bước cơ bản trong cách trồng cây ăn quả, có thể áp dụng chung cho các giống cây trồng khác, bao gồm các công đoạn cơ bản nhất như chuẩn bị đất, đào hố, bón lót, xuống giống, chăm sóc giai đoạn đầu… Mời bà con cùng theo dõi (trong bài viết này chúng tôi sẽ sử dụng hình ảnh cây ổi nữ hoàng để làm ví dụ)
Chuẩn bị đất trồng cây
Đất trồng cây cần được cày xới kỹ, xử lý nấm bệnh tuyến trùng, nếu là đất tái canh hoặc chuyển đổi giống cây trồng, cần có thời gian phơi đất và trải qua 2-3 vụ màu trước khi trồng lại các loại cây lâu năm khác. Có thể bón lót phân chuồng, phân hữu cơ, các loại phân xanh, nấm đối kháng trichoderma kết hợp với cày xới để tăng độ mùn và vi sinh vật có ích cho đất
Bên cạnh đó cũng cần tiến hành đo độ pH và điều chỉnh để bảo đảm độ pH củ đất ở mức trung tính, không quá chua hoặc quá kiềm. Đều có ảnh hưởng không tốt đến trồng.
Đào hố trồng cây
Tùy theo loại cây trồng mà ta tiến hành đào hố với kích thước khác nhau, tuy nhiên hầu hết các loại cây ăn quả phù hợp với kích thước 40 vuông và 60 vuông (40x40x40cm và 60x60x60cm) việc đào hố cần và xử lý hố được cần chuẩn bị trước khi xuống giống khoảng 1 tháng. Có thể dùng cuốc, xẻng, máy khoan, máy múc… đều được, miễn là đảm bảo đúng kích thước quy định.
Khi đào hố ta nên để phần đất mặt và phần đất phía dưới riêng thành 2 phần, lớp đất mặt ta dùng để trộn với phân (bón lót) sau đó lấp lại vào hố, lớp đất ở dưới ta đắp thành bờ xung quanh để tạo thành bồn, bồn có đường kính từ 1m – 1m2 là được
Bón lót và xử lý hố trồng cây
Mỗi hố ta nên bón lót bằng 5-10kg phân chuồng hoai mục (hoặc phân vi sinh công nghiệp, phân hữu cơ ủ hoai tùy theo khả năng) + 50g nấm đối kháng trichoderma + 50g thuốc chống mối dạng bột + 300 – 500g phân supe lân. Trộn đều với lớp đất mặt để riêng (đã nêu ở bước trên) sau đó lấp đầy hố, tưới đẫm nước để phân thuốc tan đều, các loại vi sinh vật có điều kiện phát triển. Sau tối thiểu 15 ngày đến 1 tháng mới tiến hành trồng cây
Tiến hành trồng cây
Dùng nông cụ như cuốc, xẻng… khơi 1 lỗ ở chính giữa hố trồng. Sâu bằng chiều cao bầu ươm, chiều rộng lớn hơn bầu ươm một chút.
Đối với bầu ươm, tùy theo loại giá thể mà ta tiến hành cắt bịch theo cách khác nhau, miễn là đừng làm bể bầu, động rễ, ví dụ giá thể sơ dừa, cây đã ra nhiều rễ (ươm trên 6 tháng) thì có thể cắt bỏ túi nilon bên ngoài trước khi đặt vào hố, đối với giá thể đất, cây ra ít rễ, hoặc bầu ươm bằng chậu nhựa… nên cắt đáy trước, đặt vào hố trồng rồi mới cắt dọc theo bầu để rút phần túi nilon hoặc chậu nhựa ra. Vừa rút vừa lấp đất và nén nhẹ xung quanh tránh làm bể bầu
Một số điểm cần lưu ý: Khi trồng nên để cho phần mặt bầu cao hơn mặt đất xung quanh hoặc trồng bằng mặt đất nhưng phải vun gốc, làm sao để khi tưới hoặc trời mưa, phần gốc cây không bị đọng nước, đối với cây giống ghép, phần mắt ghép không được nằm trong đất, càng cao và thoáng càng tốt, tránh nấm bệnh xâm nhập từ đất thông qua phần mắt ghép
Các bước chăm sóc ban đầu sau khi trồng cây
Khoảng 1 tháng đầu tiên sau khi trồng là thời điểm nhạy cảm nhất, bà con cần chú ý cung cấp đủ nước cho cây, không để cây bị gió hoặc nắng quá. Cần tiến hành các biện pháp chăm sóc ban đầu như sau:
- Cắm cọc cố định cây, tránh gió lay dẫn đến gãy mắt ghép, gãy ngọn, động rễ
- Che nắng bằng lưới nilon đen hoặc tàu lá dừa… sau đó dỡ bỏ dần cho cây quen với ánh nắng trực tiếp (nếu vườn ươm đã tập nắng cho cây thì không cần bước này)
- Tưới đẫm ngay sau khi trồng, 2-3 ngày sau nếu thấy hố trồng khô cần tưới tiếp, kết hợp với các biện pháp giữ ẩm cho gốc như phủ rơm rạ, cỏ khô, bạt nilon hoặc các loại vật liệu rẻ tiền có sẵn tại địa phương
Chăm sóc cây trồng trong năm đầu tiên
Bón thúc cho cây: Thường sau khi trồng 1 đến 2 tháng cây bắt đầu bén rễ và xuất hiện chồi non, lá non. Lúc này bà con tiến hành bón thúc để kích thích cây phát triển. Bón thúc bằng phân đạm hoặc phân NPK có tỷ lệ N-P cao (16-16-8, 20-20-10, 30-20-5…) pha loãng tưới vào gần gốc hoặc cũng có thể bón kết hợp với tưới để phân tan vào đất tránh lãng phí. Mỗi cây bà con nên bón khoảng 0,5kg phân chia đều thành 5-10 đợt trong năm đầu tiên
Tưới nước: Nên duy trì độ ẩm cho hố trồng, bảo đảm luôn có đủ nước cho cây phát triển, tránh tưới quá ít hoặc quá nhiều. Mùa khô có thể tưới mỗi lần cách nhau 5-7 ngày. Tùy theo tình hình thực tế
Xử lý sâu bệnh: Trong năm đầu tiên, cây sẽ phát triển cành lá non liên tục, do đó để bảo đảm cây sinh trưởng khỏe mạnh nhất cần tiến hành phun thuốc nấm bệnh định kỳ 1-2 tháng 1 lần, nhất là những đợt ra lá non cần chú ý đến các loại côn trùng chích hút, vừa gây hỏng đọt hư lá, vừa giảm sức sinh trưởng. Có thể phối hợp chung giữa phân bón lá, thuốc trị nấAm và thuốc trị côn trùng trong mỗi đợt phun để giảm sức lao động. Việc phối hợp thuốc nên được sự hướng dẫn từ cán bộ khuyến nông của khu vực hoặc cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật uy tín
Như vậy vừa rồi chúng tôi đã gửi đến bà con cách trồng cây ăn quả và chăm sóc cây giai đoạn đầu. Từ năm thứ 2 trở đi mỗi loại cây có cách chăm sóc khác dần, do đó không thể gộp chung thành một bài duy nhất, cảm ơn bà con đã theo dõi.