Cá chim trắng chắc hẳn không còn quá xa lạ đối với tất cả chúng ta. Thịt cá thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng và đặc biệt mang lại giá trị kinh tế cao. Chính vì lẽ đó, ngày nay, mô hình nuôi cá chim trắng ngày càng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Trong sinh sản nhân tạo cá, việc nuôi vỗ cá bố mẹ là vô cùng quan trọng. Nó mang ý nghĩa quyết định đến hiệu quả sinh sản. Vậy, hãy cùng agri.vn nghiên cứu xem nuôi vỗ cá bố mẹ như thế nào để đạt hiệu quả cao.
Đặc điểm hình thái của cá chim trắng
Thân hình cá chim gần như tròn. Thân và đầu nhỏ dẹp bên. Mắt cá chim trắng tương đối lớn. Miệng rất bé, tưởng như thẳng đứng. Hàm dưới của cá chim trắng ngắn hơn hàm trên. Mõm rất ngắn, tù tròn với răng nhỏ và hơi dẹt. Vây lưng dài, có hình lưỡi liềm. Phần đuôi phân thành hai thuỳ, trong đó thuỳ dưới dài hơn thuỳ trên. Toàn thân màu trắng đúng như cái tên “cá chim trắng”
Vùng phân bố của các chim trắng là Vùng Vịnh Bắc Bộ và Trung Nam Bộ
Tại các địa phương phát triển mô hình nuôi cá chim trắng, ngư dân khai thác quanh năm. Việc khai thác được triển khai bằng các ngư cụ như câu, lưới kéo đáy, lưới rê. Khi đi vào chế biến, từ cá chim trắng có thể tạo ra các dạng sản phẩm như: đông lạnh nguyên con, phi lê đông lạnh tươi hay cắt khúc đông lạnh tươi.
Ðiều kiện ao nuôi vỗ cá chim trắng
Vị trí ao nuôi vỗ đạt tiêu chuẩn là nơi có nguồn nước chủ động, trong, sạch, gần khu vực bể đẻ để thuận tiện quản lý, chăm sóc và vận chuyển cá.
Chất lượng nước ao cần đạt những yêu cầu sau: Thứ nhất, nước phải có hàm lượng oxy cao ≥ 4mg/l. Thứ hai, độ pH dao động từ 6 đến 7,5; độ trong từ 20 đến 30cm; quan sát màu nước ao duy trì màu xanh nõn chuối.
Diện tích ao nuôi thích hợp là từ 1500 đến 2500 mét vuông.
Trước khi đưa cá chim trắng bố mẹ để tiến hành nuôi vỗ, cần lưu ý tháo hoặc bơm cạn nước ao, bón vôi bột với từ 7 đến 12kg/100 mét vuông. Sau 3 đến 5 ngày tháo nước vào ao, sử dụng lưới lọc thô để lọc qua một lần nữa.
Chọn cá bố mẹ đưa vào nuôi vỗ
Cá chim trắng cần chọn phải có thân hình cân đối, màu sắc tươi sáng, không bị xây xát hay bệnh tật, có hình dạng bình thường. Cá có độ tuổi từ 36 tháng trở lên, trọng lượng 3 đến 5 kg, chiều dài thân 35 đến 45 cm.
Thời gian nuôi vỗ cá chim trắng
Nuôi vỗ cá bố mẹ vụ chính kéo dài 50 đến 60 ngày. Sau lần cho đẻ chính vụ, chọn những con đẻ róc cho vào nuôi vỗ tái phát dục, trong thời gian 40 – 50 ngày.
Chăm sóc, quản lý ao nuôi vỗ
Lượng thức ăn tinh cho ăn từ 5 đến 6% trọng lượng thân cá/ngày. Ngoài ra, bà con có thể cho cá chim trắng ăn thêm mầm mạch, rau xanh với lượng 1 đến 2% trọng lượng thân cá/ngày.
Chế độ cho ăn cá chim trắng có thể phối chế theo công thức:
Khô dầu lạc 23%
Bột cá nhạt 30%
Bột đậu tương: 20%
Cám ngô:5%
Cám gạo: 5%
Muối ăn + các chất khoáng 2%
Nhộng tằm hoặc ốc sên 15%.
Để hạn chế thức ăn tan trong nước thì có thể cho cá ăn thêm bột mỳ trộn thành từng nắm.
Công tác quản lý ao nuôi vỗ
Thường xuyên theo dõi màu nước để kịp thời điều chỉnh chất lượng nước trong ao. Màu nước luôn đảm bảo màu xanh nõn chuối.
Bà con dùng phân chuồng ủ mục bón từ 15 đến 20 kg/15 ngày/lần, phân xanh 30 đến 40kg/15 ngày/lần, kết hợp bón phân vô cơ để duy trì màu nước này.
Chế độ sục nước là một yếu tố kích thích tuyến sinh dục của cá phát triển. Tiến hành sục 2,3 giờ trong giai đoạn đầu nuôi vỗ định kỳ 3 đến 5 ngày sục một lần
Đến giai đoạn 4, tiến hành sục nước 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều trong 2 đến 3 giờ.
Trong quá trình nuôi vỗ cá chim trắng cần quan sát và chăm sóc sức khỏe, vấn đề ăn uống, môi trường ao nuôi.
Khi tuyến sinh dục của cá chim trắng chuyển sang giai đoạn 5, tiến hành cho cá sinh sản.
Nuôi vỗ cá bố mẹ là một công đoạn mang tầm quyết định đến việc mô hình của bạn có vận hành tốt hay không. Chính vì thế, đừng bỏ qua công việc này và lĩnh hội thêm thật nhiều kinh nghiệm để đạt năng suất cao nhất nhé. Chúc bà con thành công!