Lấy lại uy tín hạt điều Việt Nam

0
198
Lấy lại uy tín hạt điều Việt Nam
Nhấn vào đây để khởi tạo audio

Xem thêm:

Xuất khẩu hạt điều đang tốt, nhưng hình ảnh hạt điều Việt Nam đang bị ảnh hưởng vì an toàn thực phẩm. Vậy nên, ngành điều đang nỗ lực để lấy lại uy tín cho hạt điều Việt Nam.

Theo Tổng cục Hải quan, tháng 10/2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam ghi nhận mức cao kỷ lục mới 64 nghìn tấn, trị giá 358 triệu USD, tăng 47,7% về lượng và tăng 37,1% về trị giá so với tháng 10/2022. Tính chung 10 tháng năm 2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt xấp xỉ 517 nghìn tấn, trị giá 2,95 tỷ USD, tăng 21,8% về lượng và tăng 15,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong thông tin của Tổng cục Hải quan điều dễ nhận thấy đó là sự tăng trưởng về lượng cao hơn đáng kể so với sự tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu. Nguyên nhân là do giá hạt điều xuất khẩu năm nay giảm khá nhiều. Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm, giá bình quân hạt điều xuất khẩu chỉ đạt 5.703 USD/tấn, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong những nguyên nhân khiến cho giá hạt điều xuất khẩu giảm, có nguyên nhân quan trọng từ tình trạng mất an toàn thực phẩm. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), trong thời gian qua, đã có những phàn nàn, cảnh báo từ một số khách hàng, thị trường về chất lượng của nhiều lô hàng hạt điều Việt Nam.

Lấy lại uy tín hạt điều Việt Nam
Giá hạt điều xuất khẩu giảm, có nguyên nhân quan trọng từ tình trạng mất an toàn thực phẩm.

Cụ thể, Chủ tịch Hiệp hội Hạt và Quả khô Vương quốc Anh, đã gửi thư cho Vinacas để bày tỏ mối lo ngại trước sự gia tăng đáng báo động về tỷ lệ nhiễm côn trùng sống trong nhiều lô hàng hạt điều Việt Nam xuất khẩu đến châu Âu.

Một hiệp hội về ngành hạt và thực phẩm Mỹ và một số nhà nhập khẩu lớn cũng đã có văn bản gửi ngành điều Việt Nam, cảnh báo về việc chất lượng hạt điều Việt Nam đi xuống. Những vấn đề bị cảnh báo nhiều nhất là sâu mọt (côn trùng) sống trong hạt điều, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tạp chất lạ …

Ông Phạm Văn Công – Chủ tịch Vinacas, khẳng định, giá hạt điều xuất khẩu của Việt Nam giảm nhiều là do vấn đề an toàn thực phẩm. Thời gian gần đây, do an toàn thực phẩm bị suy nên giá hạt điều xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn giá hạt điều của Ấn Độ.

Còn theo ông Bạch Khánh Nhựt – Phó Chủ tịch Vinacas, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất an toàn thực phẩm trong nhiều lô hàng hạt điều xuất khẩu. Trước hết, các tháng cuối năm là thời điểm mưa nhiều khiến cho hạt điều dễ bị ẩm mốc, côn trùng có điều kiện sinh sôi nảy nở. Để xử lý côn trùng, các nhà máy buộc phải sử dụng thuốc khử trùng. Nhưng do áp lực giao hàng tăng cao khiến cho nhiều lô hàng có dư lượng hóa chất do không đảm bảo thời gian sau khi khử trùng.

Cũng do phải tăng cường sản xuất để đáp ứng kịp thời nhu cầu nhập khẩu tăng cao vào dịp cuối năm, nên công tác kiểm soát an toàn thực phẩm trong chế biến nhân điều tại một số nhà máy không còn được chặt chẽ như trước.

Lấy lại uy tín hạt điều Việt Nam
Ngành công nghiệp chế biến điều, cần thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các nhà máy chế biến.

Trước thực trạng đó, trong thời gian qua, Vinacas đã thường xuyên gửi cảnh báo về an toàn thực phẩm đến các doanh nghiệp, đồng thời chia sẻ các giải pháp kỹ thuật để xử lý sâu, mọt, côn trùng sống trong hạt điều một cách hiệu quả mà vẫn đảm bảo được an toàn thực phẩm.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm với các lô hàng hạt điều xuất khẩu, ông Phạm Văn Công đề nghị cơ quan thẩm quyền tại các tỉnh có ngành công nghiệp chế biến điều, cần thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các nhà máy chế biến điều trên địa bàn. Qua đó, góp phần giữ vững uy tín của hạt điều Việt Nam cũng như sản phẩm xuất khẩu của địa phương trên thị trường thế giới.

Ông Công khẳng định “Nếu công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được kiểm soát chặt chẽ tại các nhà máy chế biến điều, thì năm 2024, ngành điều sẽ lấy lại được uy tín cho hạt điều Việt Nam trên thị trường thế giới”.

Theo TS Phan Thị Thu Hiền – Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (Cục Bảo vệ thực vật), thị trường EU và các thị trường khác đang ngày càng xiết chặt việc kiểm dịch thực vật với nông sản, thực phẩm nhập khẩu. Trước đây, EU lấy mẫu 5% để kiểm dịch thực vật, sau tăng lên 10 rồi 20%. Nhiều dịch hại thông thường ở Việt Nam hiện đã trở thành đối tượng kiểm dịch thực vật của EU và các thị trường khác như ruồi đục quả, bọ phấn trắng, bọ trĩ ….

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây